Đa phần mọi người đều quen thuộc với cảm giác bụng đầy sau khi ăn nhiều hoặc uống nhiều. Tuy nhiên, đôi khi cảm giác này xuất hiện mà không có nguyên nhân rõ ràng. Sự thay đổi trong các hormone thường là nguyên nhân phổ biến gây ra cảm giác đầy bụng ở phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh, kinh nguyệt, hoặc bất kỳ biến đổi nội tiết tố nào. Hãy tiếp tục đọc để khám phá các dấu hiệu và nguyên nhân của cảm giác đầy hơi do nội tiết tố, cách điều trị và phòng ngừa, cũng như thời điểm cần thiết để kiểm tra các mức nội tiết tố.
1. Đầy hơi do nội tiết tố là gì?
Đầy hơi do nội tiết tố là hiện tượng dạ dày bị phồng lên ngoài mức bình thường do sự thay đổi của các nội tiết tố trong cơ thể. Bạn có thể cảm thấy bụng căng bóng hoặc áo quần bị chật vì sự phình to của dạ dày. Đây là một tình trạng thường xảy ra khi các mức nội tiết tố như estrogen và progesterone biến đổi, như trong giai đoạn mãn kinh, thai kỳ hoặc chu kỳ kinh nguyệt.
2. Dấu hiệu của đầy hơi do nội tiết tố
Dấu hiệu của đầy hơi do nội tiết tố có thể được nhận diện khi bạn trải qua các thay đổi trong hệ thống nội tiết của mình. Những biến đổi này có thể xảy ra ở mọi giai đoạn trong cuộc đời. Các thời điểm phổ biến mà phụ nữ thường gặp phải cảm giác đầy hơi do nội tiết tố là khi bắt đầu có kinh, trong giai đoạn đầu của thai kỳ và trong giai đoạn mãn kinh.
Tuy nhiên, đôi khi bạn có thể trải qua đầy hơi do nội tiết tố mà không nằm trong các giai đoạn này, đặc biệt khi bạn đang đối mặt với các vấn đề nội tiết tố khác nhau. Những vấn đề này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả chế độ ăn uống và lựa chọn lối sống.
Các triệu chứng thường đi kèm với đầy hơi do nội tiết tố có thể bao gồm đau đầu, cảm giác đầy hơi, ợ hơi và đau bụng. Nhiều phụ nữ cũng ghi nhận rằng đầy hơi do nội tiết tố có thể là một dấu hiệu của chu kỳ kinh nguyệt tiền mãn kinh. Những dấu hiệu khác của chu kỳ kinh nguyệt bao gồm cảm thấy mệt mỏi, buồn rầu, chuột rút và sự xuất hiện của mụn trên da.
3. Nguyên nhân của đầy hơi do nội tiết tố
Nguyên nhân của đầy hơi do nội tiết tố thường được liên kết với sự biến động của nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể. Những hormone này thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ và có những biến động đáng kể trong thời kỳ mang thai và mãn kinh.
Sự thay đổi này có thể làm cho cơ thể giữ lại nhiều nước và muối hơn thông thường, gây ra sự sưng tấy và cảm giác đầy bụng.
4. Làm sao để ngăn ngừa đầy hơi do nội tiết tố?
Để ngăn chặn tình trạng đầy hơi do nội tiết tố, bạn có thể áp dụng những biện pháp sau đây để cải thiện tình trạng này:
- Cắt giảm đồ ăn mặn: Giảm lượng muối ăn vào cơ thể giúp hạn chế sự giữ nước do natri gây ra. Tránh các thực phẩm chứa nhiều natri để giảm thiểu tình trạng đầy hơi.
- Ăn thực phẩm giàu kali: Kali giúp làm giảm nồng độ natri trong cơ thể, giúp điều hòa sự giữ nước. Các thực phẩm giàu kali bao gồm rau bina, khoai lang, chuối, bơ và cà chua.
- Sử dụng thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu có thể hỗ trợ giảm sự sưng tấy và đầy hơi khó kiểm soát bằng cách kích thích sản xuất nước tiểu. Nó có thể là một lựa chọn hữu ích đối với những người gặp phải đầy hơi do nội tiết tố, nhưng trước khi sử dụng bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Uống đủ nước: Uống nước đầy đủ giúp duy trì lượng nước cần thiết trong cơ thể và hỗ trợ quá trình loại bỏ chất lỏng thừa, giúp giảm tình trạng đầy hơi.
- Luyện tập thể dục đều đặn: Tập luyện thể dục thường xuyên không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn hỗ trợ giảm thiểu đầy hơi do nội tiết tố và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Những biện pháp này có thể giúp bạn giảm thiểu tình trạng đầy hơi do nội tiết tố và cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày.
4. Xét nghiệm nội tiết tố khi nào?
Bạn nên xét nghiệm nội tiết tố khi gặp phải những dấu hiệu của rối loạn nội tiết như chướng bụng và các vấn đề khác liên quan đến hormone, gây ra tình trạng suy nhược cơ thể. Xét nghiệm nội tiết tố là một phương pháp đơn giản để kiểm tra các loại hormon như estrogen, progesterone và FSH trong máu, giúp bạn hiểu rõ hơn về các triệu chứng bất thường mà bạn đang gặp phải và tình trạng sức khỏe nội tiết của mình.
Nhiều phụ nữ lựa chọn xét nghiệm nội tiết tố khi mong muốn mang thai để đánh giá khả năng sinh sản của mình, nhưng điều này không phải là lý do duy nhất để thực hiện xét nghiệm này. Có phụ nữ mất kinh hoặc kinh nguyệt không đều cũng chọn kiểm tra hormone để điều tra nguyên nhân. Rối loạn tuyến giáp là một vấn đề nội tiết tố phổ biến mà nhiều phụ nữ cần xét nghiệm để kiểm tra.
Ngoài các loại hormone đã nêu, còn có nhiều loại khác có thể được kiểm tra, vì vậy quan trọng là thảo luận với bác sĩ để quyết định xem bạn cần xét nghiệm loại hormone nào. Một số hormone phổ biến bao gồm progesterone, estrogen và FSH. Kiểm tra progesterone có thể giúp bác sĩ đánh giá khả năng rụng trứng của bạn và sức khỏe nội tiết tố. Estrogen là một hormone quan trọng trong hệ thống sinh sản nữ, thay đổi theo các giai đoạn của thai kỳ và chu kỳ kinh nguyệt. FSH, do tuyến yên sản xuất, có vai trò quan trọng trong phát triển trứng trong buồng trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về các triệu chứng liên quan đến vấn đề về tuyến yên.
5. Xét nghiệm nội tiết tố ở đâu?
Bạn có thể thực hiện xét nghiệm nội tiết tố tại nhiều phòng khám địa phương gần bạn, theo yêu cầu của bác sĩ. Điều này rất dễ dàng và tiện lợi. Ngoài ra, một số dịch vụ y tế còn cung cấp dịch vụ xét nghiệm máu tại nhà cho các xét nghiệm nội tiết tố. Nếu bạn dự định sử dụng bảo hiểm để chi trả cho các xét nghiệm này, hãy liên hệ trước với nhà cung cấp dịch vụ y tế của bạn để biết thông tin chi tiết về chính sách bảo hiểm.
Nguồn: Driphydration.com
Bài viết của: Đinh Thị Hải Yến