Ai cũng biết rằng chì cực kỳ nguy hiểm cho cơ thể và sức khỏe tổng thể của bạn. Nồng độ chì cao trong cơ thể sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe. Nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng loại bỏ chì ra khỏi cơ thể của bạn. Tuy nhiên nếu muốn duy trì sức khỏe, bạn cần tìm cách loại bỏ kim loại này khỏi cơ thể. Vậy cách hút chì thải độc như thế nào?
1. Vì sao chì có thể tích tụ trong cơ thể? Tích tụ bằng đường nào?
Chì từng có mặt trong các sản phẩm như sơn, xăng và thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, vì nó gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, FDA đã loại bỏ nó khỏi các sản phẩm này, mặc dù nó vẫn có thể được tìm thấy trong những thứ này ở các quốc gia khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thứ đều không chứa chì ở Hoa Kỳ. Trên thực tế, nó có thể được tìm thấy trong nguồn cung cấp thực phẩm vì:
- Chất này có thể lắng đọng hoặc được hấp thụ bởi trái cây và rau quả;
- Rửa sạch thực phẩm trước khi ăn không thể loại bỏ được chì.;
- Động vật mà bạn ăn có thể nuốt phải chì và gián tiếp truyền chì đó sang cho người;
- Đĩa và bát bạn đựng thức ăn có thể chứa chì;
- Chì có thể xâm nhập vào thực phẩm trong quá trình sản xuất.
Về cơ bản, bạn không bao giờ thực sự biết mình có đang ăn phải chì hay không. Chì cực kỳ độc hại, nó đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ em, phụ nữ mang thai và người lớn mắc các bệnh mãn tính. Sau đây là một số vấn đề mà nó có thể gây ra ở trẻ nhỏ:
- Tổn thương não và hệ thần kinh;
- Khuyết tật học tập;
- IQ thấp hơn;
- Khó khăn về hành vi.
Chế độ ăn uống hạn chế chì rất quan trọng vì ngay cả khi tiếp xúc với chì ở mức độ thấp cũng có thể nguy hiểm. Theo thời gian, chì tích tụ trong cơ thể và gây ra các vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, nếu bạn tin rằng mình đã tiếp xúc với chì từ bất kỳ nguồn nào, điều quan trọng là bạn phải giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt. Vậy các phương pháp hút chì thải độc có tốt không?
2. Cách nào hút chì thải độc cho cơ thể?
Bước đầu tiên trong các bước hút chì thải độc là loại bỏ nguồn gây ô nhiễm. Nếu bạn không thể loại bỏ chì khỏi môi trường, bạn có thể sẽ không thể chấm dứt được tình trạng nhiễm độc chì. Ví dụ, đôi khi tốt hơn là nên loại bỏ lớp sơn có chứa chì cũ. Đối với trẻ em và người lớn có nồng độ chì tương đối thấp, chỉ cần tránh tiếp xúc với chì có thể làm giảm nồng độ chì trong máu. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể khuyên các cách hút chì thải độc như sau:
- Liệu pháp thải chì: Trong phương pháp điều trị này, thuốc uống sẽ liên kết với chì để chì được bài tiết qua nước tiểu. Liệu pháp thải chì có thể được khuyến nghị cho trẻ em có nồng độ chì trong máu là 45 mcg/dL trở lên và người lớn có nồng độ chì trong máu cao hoặc thực hiện ngay khi có triệu chứng ngộ độc chì.
- Liệu pháp thải độc bằng axit ethylenediaminetetraacetic (EDTA). Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe điều trị cho người lớn có nồng độ chì trong máu cao hơn 45 mcg/dL và trẻ em không dung nạp được thuốc được sử dụng trong liệu pháp thải độc thông thường. Phương pháp này giúp hút chì thải độc bằng một loại hóa chất là axit calcium disodium ethylenediaminetetraacetic (EDTA). EDTA sẽ được tiêm vào cơ thể.
3. Các điểm cần lưu ý khi thực hiện các bước hút chì thải độc
Trước đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tuyên bố rằng nồng độ chì trong máu bằng hoặc lớn hơn 10 microgam trên decilit (mcg/dL) là đáng lo ngại ở trẻ em. Trong những năm gần đây, nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ phơi nhiễm thấp hơn có thể gây ra các vấn đề đáng kể về nhận thức và hành vi, bao gồm cả chỉ số IQ thấp.
Do đó, CDC đã sửa đổi các hướng dẫn của mình vào năm 2021 để mức độ quan tâm hiện tại ở trẻ em là 3,5 mcg/dL. Mặc dù vậy, mức độ độc tính này không có nghĩa là cần phải điều trị bằng liệu pháp thải độc kể trên. Liệu pháp thải độc thường được bắt đầu ở mức chì trong máu cao hơn do có ít bằng chứng cho thấy liệu pháp này có lợi ở mức chì trong máu thấp.
Chế độ ăn kiêng chì dựa trên ý tưởng rằng thực phẩm bạn ăn có thể bảo vệ bạn khỏi độc tố hoặc khiến bạn dễ bị nhiễm độc hơn. Bạn có thể không tránh được việc ăn phải chì trong chế độ ăn uống của mình, nhưng bạn có thể ngăn ngừa chì tích tụ và gây ra các vấn đề sức khỏe bằng một số biện pháp can thiệp thông qua chế độ ăn uống đơn giản như sau:
3.1. Giảm hấp thụ chì
Phần đầu tiên của chế độ ăn kiêng chì là giảm lượng chì bạn hấp thụ. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách khắc phục tình trạng thiếu hụt một số chất dinh dưỡng bao gồm:
- Vitamin C;
- Sắt;
- canxi;
- Phốt pho;
- Kẽm;
- Vitamin D.
Khi bạn thiếu các chất dinh dưỡng này, sự hấp thụ chì sẽ tăng lên. Các loại thực phẩm tốt nhất để ngăn chặn sự hấp thụ chì bao gồm:
- Sản phẩm từ sữa: Sữa chua, phô mai;
- Lá rau xanh;
- Cá hồi và cá mòi đóng hộp;
- Thịt nạc hữu cơ;
- Ngũ cốc tăng cường sắt;
- Hoa quả sấy khô;
- Trái cây họ cam quýt.
Bạn cũng nên cố gắng hấp thụ nhiều vitamin D hơn từ ánh sáng mặt trời vì nó có thể làm giảm lượng chì được lưu trữ trong xương.
3.2. Tăng cường bài tiết chì
Một số chất dinh dưỡng đã được chứng minh là làm tăng đáng kể quá trình bài tiết chì bao gồm:
- B9 hoặc folate;
- B6 có hiệu quả trong các nghiên cứu trên động vật nhưng cần được nghiên cứu thêm;
- Vitamin C có thể liên kết với kim loại;
- B1, giúp tăng cường đào thải chì từ não;
- Vitamin E;
- Pectin.
Bạn có thể tăng lượng chất dinh dưỡng này bằng cách ăn nhiều hơn:
- Trái cây họ cam quýt;
- Các loại hạt;
- Các loại rau lá xanh;
- Hải sản;
- Ngũ cốc nguyên hạt như lúa mạch và yến mạch;
- Trứng.
Tài liệu tham khảo: Verywellhealth.com, Drlamcoaching.com, Mayoclinic.org
Bài viết của: Đỗ Mai Thảo