Bệnh rễ thần kinh thắt lưng là một bệnh lý liên quan đến các rễ thần kinh ở nhiều vị trí như viêm rễ thần kinh cổ, viêm rễ thần kinh thắt lưng, viêm rễ thần kinh cột sống, viêm rễ thần kinh cánh tay và viêm rễ thần kinh tọa. Hội chứng viêm rễ thần kinh gây ra những cơn đau nhiều và diễn biến nghiêm trọng hơn khi trời trở lạnh và ẩm.
1. Các vị trí thường bị viêm rễ thần kinh
Mỗi dây thần kinh đều có một vai trò và chức năng cụ thể. Theo đó, dựa vào các dấu hiệu cụ thể trên lâm sàng mà bác sĩ điều trị sẽ xác định được loại dây thần kinh nào bị ảnh hưởng. Các dây thần kinh được phân thành các nhóm theo chức năng cụ thể như sau:
- Dây thần kinh cảm giác: có nhiệm vụ là nhận biết cảm giác cụ thể là cảm nhận nhiệt độ nóng lạnh, đau, rung hoặc sờ chạm trên bề mặt da;
- Dây thần kinh vận động: có nhiệm vụ điều khiển những hoạt động và chuyển động của cơ bắp;
- Dây thần kinh tự động: có nhiệm vụ kiểm soát các hoạt động của hệ tim mạch như nhịp tim, huyết áp, hệ tiêu hóa, bàng quang và không theo ý muốn của con người.
Do cơ thể có nhiều dây thần kinh khác nhau nên các vị trí bị viêm rễ thần kinh cũng khác nhau, cụ thể:
- Viêm rễ thần kinh cổ;
- Viêm rễ thần kinh thắt lưng;
- Viêm rễ thần kinh cột sống;
- Viêm rễ thần kinh cánh tay;
- Viêm rễ thần kinh tọa.
2. Bệnh viêm rễ thần kinh cổ
Hệ thần kinh ngoại biên bao gồm 31 đôi dây thần kinh tủy sống. Trong đó, rễ thần kinh cổ có 8 đôi dây thần kinh từ C1 đến C8, thoát ra hai bên trái và phải từ lỗ gian đốt với đốt sống cổ tương ứng, riêng rễ thần kinh C8 thoát ra từ lỗ gian đốt giữa cột sống cổ 7 và đốt sống ngực 1. Chức năng của rễ thần kinh cổ là chi phối vận động, cảm giác vùng cổ, vai và cánh tay; đồng thời, chi phối phản xạ gân xương của cơ tam đầu cánh tay và nhị đầu cánh tay…

Bệnh viêm rễ thần kinh cổ là biểu hiện rễ thần kinh tủy cổ bị tổn thương ở một hay nhiều rễ thần kinh cổ khác nhau. Tình trạng tổn thương viêm rễ thần kinh cổ có thể cấp hay mạn tính, tùy thuộc vào mức độ chèn ép. Thông thường, trong đa số các trường hợp triệu chứng lâm sàng của viêm rễ thần kinh cổ được biểu hiện ở một bên do bên rễ thần kinh trái hoặc phải bị chèn ép; cũng có những trường hợp biểu hiện triệu chứng ở cả hai bên. Dấu hiệu viêm rễ thần kinh cổ thường gặp, bao gồm:
- Đau mỏi vai gáy: Cơn đau nhiều và tăng lên khi ngửa cổ, xoay cổ qua phải hay trái. Tính chất cơn đau trong viêm rễ thần kinh cổ là cơn đau xuất hiện ở vai sau đó lan xuống dọc theo cánh và cẳng tay và đến bàn tay và các ngón tay, cơn đau dọc theo vị trí rễ thần kinh bị chèn ép. Từ hướng đau và vị trí đau của từng người cụ thể mà bác sĩ điều trị có thể định hướng rễ thần kinh cổ nào đang bị tổn thương.
- Rối loạn cảm giác: Cảm giác tê bì nhiều kèm theo cảm giác châm chích như kiến bò dọc theo đường cảm giác rễ thần kinh bị chèn ép. Ngoài ra, rối loạn cảm giác trong viêm rễ thần kinh cổ có thể xuất hiện rối loạn cảm giác nóng lạnh, nóng rát vùng thần kinh đó chi phối cảm giác.
- Các cơ bị chi phối yếu và teo cơ nhanh: Chèn ép do viêm rễ thần kinh cổ có thể gây ra yếu, liệt các cơ do thần kinh đó chi phối, kèm theo hiện tượng các khối cơ bị teo lại.
- Đau đầu, chóng mặt: Khi bị viêm rễ thần kinh cổ có thể có cảm giác đau đầu vùng chẩm, kèm theo chóng mặt nhiều khi thay đổi tư thế.
3. Bệnh viêm rễ thần kinh cột sống thắt lưng
Ở cột sống thắt lưng, các dây thần kinh cung cấp cho chi dưới. Trong trường hợp rễ thần kinh bị viêm, các cơ và vùng da được cung cấp bởi nhánh thần kinh bị ảnh hưởng cũng có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến yếu cơ, mất cảm giác và tê bì. Cảm giác này kéo dài từ cột sống thắt lưng xuống đến các đầu ngón chân.
Nguyên nhân gây viêm rễ thần kinh thắt lưng và viêm rễ thần kinh cột sống thường do đĩa đệm thoát vị và những thay đổi thoái hóa gây ra. Các xét nghiệm khác nhau có thể được thực hiện ở cột sống thắt lưng để chẩn đoán tình trạng viêm hoặc kích thích các rễ thần kinh.
Bệnh viêm rễ thần kinh thắt lưng là một bệnh lý có liên quan đến các rễ thần kinh ở vị trí thắt lưng và cùng. Đây là tổn thương kết hợp giữa bệnh cột sống thắt lưng và đau dây thần kinh tọa. Đặc trưng của những cơn đau trong viêm rễ thần kinh thắt lưng là những cơn đau dọc theo vùng thắt lưng và lan xuống chân, thường diễn biến nghiêm trọng hơn khi trời trở lạnh và ẩm.
Các triệu chứng của viêm rễ thần kinh cột sống thắt lưng bao gồm:
- Đau thần kinh tọa với những cơn đau chạy dọc theo dây thần kinh tọa chạy từ mông xuống dưới sau đùi, cẳng chân và vùng bàn chân.
- Đau tê bì ở chân kèm theo giảm khả năng vận động, yếu cơ.
- Tê nhói và mất kiểm soát ở bàng quang.

4. Viêm rễ thần kinh cánh tay
Đám rối thần kinh cánh tay được hình thành bởi những rễ trước của các dây thần kinh cột sống cổ C5, C6, C7, C8 và dây thần kinh cột sống ngực ở đầu T1. Nhiệm vụ của đám rối thần kinh cánh tay là giúp điều khiển cảm giác cũng như chịu trách nhiệm về khả năng vận động của vai, cánh tay và bàn tay.
Viêm rễ thần kinh cánh tay có nguyên nhân do tổn thương các neuron thần kinh vận động thấp ở đám rối hoặc một số nhánh của đám rối. Đây là một bệnh tình trạng hiếm gặp trên lâm sàng với đặc trưng là xuất hiện cơn đau vai một bên có thể kèm theo liệt mềm các cơ vùng cánh tay. Bệnh viêm rễ thần kinh cánh tay thường diễn biến kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, nhưng một số trường hợp cũng có thể kéo dài trong nhiều tháng.
Các triệu chứng lâm sàng đặc trưng của viêm rễ thần kinh cánh tay, bao gồm:
- Cảm giác đau vùng vai và cánh tay một bên, hiếm khi đau cả hai bên: Ban đầu, đau cánh tay xuất hiện tại một vài vị trí, sau đó lan rộng dần ra toàn cánh tay. Trường hợp viêm rễ thần kinh cánh tay mức độ nặng, cảm giác là đau dữ dội, đau nhói giật như dao đâm. Thời gian kéo dài cảm giác ở các trường hợp khác nhau là khác nhau có thể khởi phát đột ngột và ngưng trong một vài giờ hoặc vài tuần nhưng cũng có trường hợp cơn đau diễn biến đến nhiều tháng sau đó.
- Cảm giác yếu liệt vùng vai: Sau khi cảm giác đau giảm thì nhiều người xuất hiện cảm giác yếu có vùng vai và cảm nhận rõ ràng trong hai tuần. Các cơ bị yếu có thể là cơ delta, cơ trên gai và cơ dưới gai. Người bệnh có thể gặp cảm giác tê bì nhức mức độ nhẹ vùng vai.
- Tổn thương dây hoành: Tổn thương gây thở nông xuất hiện ở 5% các trường hợp. Ở một số biến thể, viêm rễ thần kinh cánh tay có thể kèm theo tổn thương nhiều dây thần kinh sọ như dây IX, X, XI, XII.
Bệnh viêm rễ thần kinh cánh tay nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe, cụ thể là tê bì hoặc teo cánh tay, thậm chí là bại liệt vùng cánh tay.
5. Viêm rễ thần kinh tọa
Đặc trưng của viêm rễ thần kinh tọa là cơn đau toả ra dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, nhánh từ lưng dưới qua hông, mông và xuống dưới từng chân. Thông thường, đau do viêm rễ thần kinh tọa chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể.
Cơn đau trong viêm rễ thần kinh tọa ở mỗi người khác nhau sẽ khác nhau từ đau nhẹ đến đau nhói, hoặc đau dữ dội. Một số trường hợp có cảm giác đau như một cú điện giật. Một số trường hợp khác khi ho hoặc hắt hơi, hoặc ngồi lâu cũng có thể làm cho triệu chứng của viêm rễ thần kinh tọa trở nên nặng hơn.
Đồng thời, viêm rễ thần kinh tọa có thể xuất hiện cảm giác tê, ngứa ra hoặc yếu cơ ở chân và bàn chân hoặc đau kèm theo một phần ở chân cũng như một số bộ phận khác trên cơ thể.
Đau do viêm rễ thần kinh tọa thường sẽ biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu triệu chứng đau ngày càng tăng lên và kéo dài trên một tuần hoặc cơn đau ngày càng nghiêm trọng hơn thì cần phải được khám bởi bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị cụ thể và phù hợp.
Tóm lại, bài viết đã phân tích cụ thể những vị trí thường bị viêm rễ thần kinh và triệu chứng điển hình ứng với từng vị trí viêm. Khi xuất hiện các triệu chứng bệnh viêm đa rễ dây thần kinh ở bất kỳ vị trí nào thì bạn cũng cần đến những cơ sở y tế khám để có hướng điều trị đúng cách và kịp thời.
Bên cạnh đó, một liệu pháp có tác dụng dự phòng các triệu chứng bệnh viêm đa rễ dây thần kinh là các giải pháp bổ sung như Red IV Laser. Liệu pháp bổ sung này có công dụng trẻ hóa tế bào thần kinh, hỗ trợ các tế bào thần kinh hoạt động hiệu quả hơn và hỗ trợ cải thiện tình trạng thiếu máu não. Red IV Laser phù hợp với những người đang trong độ tuổi trung niên từ 36 đến 55 tuổi.
Red IV Laser là công nghệ tiên tiến được thực hiện bằng cách sử dụng tia laser theo đường tĩnh mạch để đi đến từng tế bào trong cơ thể. Công nghệ này có tác dụng đảm bảo cho tế bào thần kinh hoạt động tốt hơn, máu lưu thông trong lòng mạch ổn định hơn và cung cấp nhiều oxy đến các mô tế bào. Ánh sáng đỏ cũng giúp giảm viêm, giảm căng thẳng tương tự như việc giảm áp lực và bảo vệ tế bào khỏi nguy cơ bị tổn thương. Điều này có vai trò quan trọng để những tế bào trong cơ thể duy trì trạng thái khỏe mạnh và dự phòng nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác viêm đa rễ thần kinh.
Tài liệu tham khảo: My.clevelandclinic.org
Bài viết của: Ngô Thị Thảo Hiền