Giao mùa được xác định là thời điểm thuận lợi cho các tác nhân có hại như virus, vi khuẩn phát triển và gây bệnh cho con người. Và đây cũng là thời điểm thường bùng phát những dịch bệnh dễ lây lan trong cộng đồng. Vậy bệnh giao mùa là gì và có cách phòng bệnh khi giao mùa nào không?
1. Bệnh giao mùa là gì?
Nhiều người thường thắc mắc bệnh giao mùa là gì? Các bệnh dễ gặp khi giao mùa là các bệnh thường xuyên xảy ra vào thời điểm giao giữa các mùa trong năm, trong đó bao gồm bệnh giao mùa thu đông và bệnh giao mùa xuân hè.
Dịch bệnh giao mùa thường xảy ra vào thời điểm giao mùa do những yếu tố sau:
- Vào thời điểm giao mùa, sự thay đổi của thời tiết và khí hậu khiến cơ thể con người chưa thích ứng kịp dẫn tới sự suy giảm sức đề kháng. Điều này tạo điều kiện cho các tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
- Sự thay đổi thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ vào thời điểm giao mùa tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển nhanh chóng.
- Ánh nắng mặt trời cũng lợi cho việc tiêu diệt bớt các tác nhân gây bệnh. Vào thời điểm giao mùa thu đông, thời tiết lạnh và mưa nhiều, ít ánh nắng mặt trời hơn. Bên cạnh đó, việc thường xuyên đóng cửa và ít ra ngoài vào mùa lạnh tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus dễ phát triển và gây các bệnh giao mùa thu đông.
2. Các bệnh giao mùa thường gặp ở Việt Nam
2.1 Bệnh giao mùa thu đông
- Cúm
Cúm là một trong các bệnh giao mùa thu đông thường gặp nhất. Cúm do virus gây ra bao gồm 4 loại chính là cúm A, cúm B, cúm C và cúm D.
Virus cúm chủ yếu lây lan qua giọt bắn trong không khí khi người bệnh hoặc người mang virus (nhưng chưa có biểu hiện bệnh) ho hoặc hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc các bề mặt đồ vật có chứa virus.
- Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết cũng là một trong những dịch bệnh giao mùa thường gặp. Bệnh do virus Dengue gây ra với 4 type là DEN 1, DEN 2, DEN 3 và DEN 4. Bệnh lây lan do loài muỗi Aedes aegypti (hay còn gọi là muỗi vằn). Chúng mang virus gây bệnh từ người bệnh chuyển sang người lành.
Sốt xuất huyết biểu hiện với hai triệu chứng là sốt và xuất huyết chảy máu. Bệnh gây giảm tiểu cầu và giảm thể tích huyết tương có thể gây ra những triệu chứng nguy hiểm như chảy máu nội tạng, tụt huyết áp và sốc. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong.
- Sởi
Một trong các bệnh khi giao mùa thu đông thường gặp ở nước ta có bệnh sởi. Sởi do virus sởi gây ra và bệnh lây lan qua giọt bắn, dịch tiết của người bệnh hoặc tiếp xúc qua đồ vật, bàn tay có chứa mầm bệnh.
Bệnh sởi có biểu hiện bao gồm sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, viêm kết mạc (mắt đỏ). Bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, khô loét giác mạc.
- Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng do virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Bệnh dễ lây lan chủ yếu qua dịch tiết nước bọt, phỏng nước hoặc phân của trẻ em mắc bệnh. Những nơi như trường học mẫu giáo, nhà trẻ là những địa điểm thuận lợi để bệnh tay chân miệng lây lan và phát triển thành dịch bệnh giao mùa.
Các biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng bao gồm: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp
- Tiêu chảy cấp do virus
Tiêu chảy cấp cũng là một trong các bệnh dễ gặp khi giao mùa thu đông. Bệnh do virus gây ra, thường gặp chủ yếu là Rotavirus.
Trẻ em bị tiêu chảy cấp do virus ngoài triệu chứng đi lỏng như nước, nhiều lần, không lẫn máu có thể gặp thêm các triệu chứng như đau bụng, sốt nhẹ. Việc đi lỏng nhiều lần khiến trẻ có thể bị mất nước và điện giải gây suy kiệt có thể diễn tiến nặng lên và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
2.2 Bệnh giao mùa xuân hè
- Viêm kết mạc mắt
Đây là một bệnh xảy ra do dị ứng ở mắt. Bệnh có các triệu chứng như đỏ mắt, ngứa, sợ ánh sáng, chảy nước mắt. Bệnh thường xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng như hen phế quản, dị ứng thức ăn hoặc các bệnh dị ứng ngoài da do tiếp xúc.
- Thủy đậu
Thủy đậu là một trong những dịch bệnh giao mùa xuân hè thường gặp nhất. Bệnh do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh lây lan qua giọt bắn hoặc dịch tiết của người bệnh.
Biểu hiện của thủy đậu giai đoạn đầu thường sốt, mệt mỏi, đau họng. Giai đoạn khởi phát sẽ xuất hiện các mụn nước ở mặt tay chân và lan nhanh ra toàn thân. Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm khớp..
- Sốt phát ban
Bệnh sốt phát ban do virus gây ra. Triệu chứng biểu hiện bao gồm sốt, đau họng, ho, sổ mũi, mệt mỏi và phát ban ra da. Phát ban thường xuất hiện ở ngực bụng lưng lan sang cổ và tay. Phát ban thường biến mất sau vài giờ tùy từng trường hợp.
Nếu trẻ nhỏ sốt cao hoặc không chuyển biến tốt sau 3 ngày hoặc trẻ dưới 6 tháng tuổi cần đưa đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
3. Cách nào phòng tránh các bệnh giao mùa hiệu quả?
Vào thời điểm giao mùa, sức đề kháng của cơ thể suy giảm và sự sinh sôi của các tác nhân gây hại sẽ khiến bạn dễ mắc nhiều dịch bệnh giao mùa. Vì vậy, việc phòng bệnh khi giao mùa là điều cần thiết. Hiện các cách phòng bệnh khi giao mùa bao gồm:
3.1 Tiêm vắc xin
Cách tốt nhất để phòng bệnh khi giao mùa là tiêm vắc xin phòng bệnh. Hiện nay có một số bệnh có vắc xin dự phòng như bệnh sởi, bệnh thuỷ đậu, bệnh cúm. Việc tiêm phòng vắc xin sẽ giúp bạn phòng bệnh giao mùa hoặc làm giảm triệu chứng và biến chứng của bệnh.
3.2 Tăng cường hệ miễn dịch
Tăng cường đề kháng miễn dịch là một trong những cách phòng bệnh khi giao mùa hiệu quả. Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp bạn phòng ngừa được sự xâm nhập và lây lan của các tác nhân gây bệnh.
Để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, bạn cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết có lợi cho sức khoẻ và miễn dịch có trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và chất béo không bão hoà. Tăng cường bổ sung các loại vitamin và khoáng chất giúp tăng cường đề kháng miễn dịch như vitamin C, vitamin E, vitamin B6, kẽm, magie.
Uống đủ nước cũng là cách giúp tăng cường trao đổi chất và nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể.
3.3 Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ
Một số bệnh giao mùa lây lan qua tiếp xúc với phân, dịch tiết hoặc giọt bắn. Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh và rửa tay sau khi tiếp xúc với các đồ vật nghi bị nhiễm khuẩn là điều cần thiết để phòng ngừa các bệnh giao mùa.
Hạn chế tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh, đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh cũng là cách phòng bệnh cho bản thân.
Vùng nước đọng và bụi rậm là khu vực đẻ trứng và sinh sôi phát triển của muỗi. Vì vậy, bạn cần phát quang bụi rậm khu vực quanh nhà, không để nước đọng trong các dụng cụ chứa nước và khi ngủ cần mắc màn để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết.
Qua bài viết đã giúp bạn tìm hiểu vấn đề bệnh giao mùa là gì cũng như các cách phòng bệnh khi giao mùa. Việc chủ động tăng cường đề kháng miễn dịch, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ kết hợp tiêm phòng vắc xin là cách tốt nhất giúp phòng tránh bệnh dịch vào thời điểm giao mùa.
Bài viết của: Trần Thị Thuý Hiếu