Rối loạn lo âu trầm cảm là căn bệnh tâm thần rất phổ biến trong cuộc sống vốn có quá nhiều stress như hiện nay. Câu hỏi đặt ra là trầm cảm lo âu triệu chứng có dễ nhận biết không và đặc biệt là có gây nhầm lẫn với các hiện tượng khác?
Bị trầm cảm lo âu triệu chứng có dễ nhận thấy không?
Rối loạn lo âu trầm cảm là một dạng bệnh lý tâm thần thường gặp trong cuộc sống hiện nay với các biểu hiện lo âu đặc trưng đi kèm với trạng thái khí sắc trầm buồn, giảm/mất cảm giác hứng thú với mọi vấn đề xung quanh. Triệu chứng lo âu trầm cảm sẽ xuất hiện đồng thời, nói dễ hiểu hơn là bệnh nhân vừa có biểu hiện của lo âu vừa có triệu chứng của bệnh trầm cảm, và mức độ nghiêm trọng của 2 nhóm triệu chứng này cũng tương đương nhau.
Theo bác sĩ, rối loạn lo âu trầm cảm liên quan vô cùng chặt chẽ với tình trạng stress hay căng thẳng, một yếu tố xảy ra vô cùng phổ biến trong cuộc sống hiện đại như hiện nay. Câu hỏi đặt ra là trầm cảm lo âu triệu chứng có dễ nhận thấy hay không để phát hiện sớm và có biện pháp quản lý cũng như chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt hơn.
Theo bác sĩ, các triệu chứng lo âu trầm cảm khi ở mức độ không quá nghiêm trọng sẽ dễ bị bỏ sót do nhầm lẫn với trạng thái buồn chán, lo lắng thông thường. Các triệu chứng rối loạn lo âu trầm cảm cụ thể như sau:
- Tâm trạng giảm thấp, kéo theo trạng thái buồn bã kéo dài dai dẳng và thậm chí khiến người bệnh cảm thấy đau khổ và tuyệt vọng;
- Cảm giác chới với với mọi việc xung quanh, đi kèm với trạng thái lo âu, bồn chồn và thậm chí là những nỗi lo lắng mơ hồ về cuộc sống, đặc biệt là khi nghĩ đến tương lai;
- Cảm giác tiêu cực, bi quan về những sự việc vẫn chưa xảy ra;
- Giảm hoặc mất hoàn toàn cảm giác hứng thú với các thú vui hay hoạt động trong cuộc sống, bao gồm cả những sở thích có từ trước;
- Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi với mức năng lượng giảm thấp;
- Cơ bắp dễ bị co cứng, cảm giác khó chịu, đau đầu và trí nhớ suy giảm;
- Mức độ tập trung kém và gặp nhiều khó khăn khi đưa ra các quyết định quan trọng;
- Ăn không ngon miệng, chán ăn hoặc ngược lại là ăn uống một cách mất kiểm soát.
Một điểm cần chú ý là các triệu chứng của rối loạn lo âu trầm cảm thường sẽ không rõ ràng bằng các triệu chứng trầm cảm và biểu hiện rối loạn lo âu riêng biệt. Do đó, có không ít trường hợp bỏ sót triệu chứng và khiến rối loạn lo âu trầm cảm càng chuyển biến nặng hơn.
Triệu chứng lo âu trầm cảm có dễ nhầm lẫn với các hiện tượng khác?
Bị trầm cảm lo âu triệu chứng có dễ nhận biết không? Câu trả lời là không, đặc biệt là khi các biểu hiện còn ở mức độ nhẹ. Theo bác sĩ, cuộc sống của chúng ta sẽ không thể tránh khỏi hiện tượng lo âu hay lo lắng, vì đây là trạng thái cảm xúc xảy ra tất yếu trước những khó khăn hay thử thách của tự nhiên và xã hội. Vì dù chúng ta sẽ lo lắng khi đối mặt với những khó khăn trong công việc hoặc học sinh lo lắng trước khi làm bài kiểm tra…
Thông thường, cảm xúc lo âu “sinh lý” sẽ không gây hại vì trên thực tế đó là phản ứng có lợi trong nhiều tình huống và giúp chúng ta nhận biết những nguy hiểm cận kề. Theo bác sĩ, trạng lo âu “sinh lý” và rối loạn lo âu trầm cảm “bệnh lý” rất dễ bị nhầm lẫn, điểm khác biệt lớn nhất là lo âu “sinh lý” sẽ biến mất khi các tác động không còn còn lo âu bệnh lý thì người bệnh sẽ mất đi khả năng kiểm soát hay đối phó. Nói dễ hiểu hơn là để phân biệt giữa lo âu “bình thường” và rối loạn lo âu trầm cảm thì chúng ta cần đánh giá khả năng loại bỏ lo âu của người bệnh.
Ở người có tâm lý bình thường, khả năng kiểm soát lo âu là khá dễ dàng, đôi khi chỉ cần nghỉ ngơi, thư giãn thì cảm giác lo âu sẽ biến mất. Ngược lại, người bị bệnh lo âu trầm cảm sẽ không thể tự kiểm soát được lo âu và đánh mất hoàn toàn khả năng thư giãn, kèm theo đó lo âu bệnh lý thường sẽ không xảy ra một cách tương xứng với hoàn cảnh, thường không có tác động rõ ràng mà chỉ mang tính chất vô lý, mơ hồ với thời gian lo lắng kéo dài.
Ngày nay, rối loạn lo âu trầm cảm là căn bệnh lý vô cùng phổ biến, đặc biệt là ở người trẻ tuổi, với nguyên nhân chủ yếu là do căng thẳng, stress, áp lực công việc/cuộc sống. Đối tượng dễ mắc bệnh hơn là người hướng nội, nhút nhát, e thẹn hay có tích cách quá cẩn thận, cầu toàn. Ngoài ra, những người có hoàn cảnh sống không thuận lợi như mắc phải các sang chấn tâm lý, gặp khó khăn trong công việc… thì nguy cơ khởi xuất hiện triệu chứng lo âu trầm cảm sẽ cao hơn.
Rối loạn lo âu trầm cảm khi nào cần gặp bác sĩ?
Theo nhiều nghiên cứu, người có triệu chứng lo âu trầm cảm cần đến gặp bác sĩ khi có những vấn đề sau:
- Cảm thấy rất khó khăn trong các sinh hoạt cơ bản hàng ngày;
- Không còn muốn tham gia vào các hoạt động đã từng yêu thích trước đó;
- Cảm thấy khó khăn mỗi khi bước ra khỏi giường ngủ hay ra khỏi nhà.
Khi đã được chẩn đoán xác định là rối loạn lo âu trầm cảm, người bệnh cần được tiếp cận với các biện pháp điều trị, bao gồm thuốc và các liệu pháp tâm lý. Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần có thể kê đơn các loại thuốc để kiểm soát triệu chứng, một số người bệnh lại được hưởng lợi từ các liệu pháp tâm lý ngoại trú, bao gồm liệu pháp hành vi nhận thức hoặc liệu pháp hành vi biện chứng.
Một số biện pháp điều trị bổ sung khác bao gồm thay đổi thói quen tập luyện thể dục hoặc thói quen ăn uống, tìm đến những sự hỗ trợ từ xã hội, cố gắng ngủ đủ giấc, thay đổi cách bản thân phản ứng với căng thẳng, tránh rượu bia và các chất kích thích như ma túy.
Nguồn: mayoclinichealthsystem.org
Bài viết của: Đỗ Mai Thảo