Tình trạng khó ngủ nếu xảy ra trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh. Thuốc ngủ sẽ được sử dụng trong một số trường hợp tùy thuộc vào tần suất và mức độ nghiêm trọng của mỗi bệnh nhân. Cùng tìm hiểu rõ hơn về những câu hỏi không ngủ được có nên uống thuốc ngủ không và uống thuốc ngủ có hại cho sức khỏe không thông qua bài viết dưới đây.
1. Bị khó ngủ: Khi nào thì cần uống thuốc ngủ?
Khó ngủ có nên uống thuốc ngủ không là câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay vì chứng mất ngủ ngày càng phổ biến do có nhiều yếu tố tác động về mặt sức khỏe tinh thần và thể chất. Mức độ nghiêm trọng của mất ngủ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Vì vậy, không ngủ được có nên uống thuốc ngủ không sẽ tùy thuộc vào tần suất và mức độ của tình trạng mất ngủ.
Một số tình trạng khó ngủ bạn có thể cân nhắc sử dụng thuốc ngủ, bao gồm:
1.1 Khó ngủ liên tục nhiều ngày
Mất ngủ trong thời gian dài là vấn đề nghiêm trọng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Người bệnh gặp vấn đề này thường ngủ rất ít mỗi đêm hoặc hầu như không ngủ được mặc dù cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi.
Một số nghiên cứu cho thấy tình trạng khó ngủ có thể xảy ra khi chúng ta thay đổi chế độ sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu bạn không thể ngủ cả đêm trong thời gian dài liên tục thì cơ thể sẽ kiệt sức. Những bệnh nhân gặp vấn đề này có thể uống thuốc ngủ để điều chỉnh giấc ngủ của mình.
1.2 Khó vào giấc ngủ
Khó vào giấc ngủ là tình trạng mà nhiều người có thể gặp phải khi làm việc căng thẳng hoặc do thay đổi múi giờ sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng này kéo dài có thể khiến bạn không thể ngủ đủ giấc để có trạng thái và năng lượng tốt nhất vào hôm sau. Do đó, khi gặp tình trạng khó vào giấc ngủ bạn có thể sử dụng thuốc ngủ loại nhẹ hoặc các loại kẹo ngủ để khắc phục vấn đề này. Sử dụng thuốc ngủ trong trường hợp này sẽ giúp bạn điều chỉnh lại nhịp ngủ và dễ đi vào giấc ngủ hơn.
1.3 Ngủ chập chờn không sâu giấc
Một số người có thể gặp tình trạng dễ dàng đi vào giấc ngủ nhưng lại không thể ngủ sâu hoặc thường xuyên thức giấc giữa đêm. Trạng thái không ngủ sâu sẽ khiến cơ thể không được nghỉ ngơi hoàn toàn khiến người bệnh dễ cảm thấy mệt mỏi vào ngày hôm sau. Một số bệnh nhân khi thức giấc sẽ khó ngủ lại hoặc chỉ có thể chợp mắt cứ không thể ngủ hoàn toàn. Trong tình huống này thuốc ngủ sẽ là một phương án tạm thời để bạn có thể ngủ sâu suốt đêm.
2. Uống thuốc ngủ có giúp ngủ ngon không? Thuốc ngủ có tác dụng trong ngắn hạn hay dài hạn?
Thuốc ngủ còn được gọi là thuốc an thần có chức năng tạo cảm giác buồn ngủ, do đó uống thuốc ngủ có thể giúp bạn ngủ ngon nếu bạn đang gặp tình trạng khó ngủ. Tuy nhiên, thuốc ngủ được khuyên chỉ nên dùng trong thời gian ngắn vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài. Vì vậy, nếu bạn thắc mắc uống thuốc ngủ có hại cho sức khỏe không thì câu trả lời là có nếu bạn sử dụng thuốc trong thời gian dài và không có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
Một số rủi ro và tác dụng phụ của thuốc ngủ khi sử dụng dài hạn, bao gồm:
- Lờn thuốc: Tác hại phổ biến nhất của việc uống thuốc ngủ trong thời gian dài là lờn thuốc. Nguyên nhân là do khi uống thuốc kéo dài sẽ khiến cơ thể quen với các chất gây buồn ngủ và lúc này thuốc sẽ không còn tác dụng như ban đầu. Điều này sẽ khiến bạn phải tăng liều lượng thuốc để thuốc phát huy tác dụng làm tăng nguy cơ dẫn đến nhiều tác dụng phụ hơn.
- Phụ thuộc vào thuốc: Khi sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài bạn có thể phải dựa vào thuốc ngủ để ngủ và sẽ không thể ngủ được hoặc thậm chí khó ngủ hơn nếu không uống thuốc. Đặc biệt, các loại thuốc ngủ kê đơn có thể gây nghiện khiến bạn gặp nhiều khó khăn khi muốn ngừng dùng thuốc.
- Hội chứng cai thuốc: Khi bạn dùng thuốc ngủ dài hạn và ngừng thuốc đột ngột, bạn có thể gặp các triệu chứng cai thuốc như buồn nôn, đổ mồ hôi và run rẩy.
- Tương tác thuốc: Thuốc ngủ có thể tương tác với các loại thuốc khác, làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ và đôi khi gây nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh.
- Suy giảm trí nhớ: Sử dụng thuốc ngủ liên tục trong thời gian dài có thể gây mất trí nhớ hoặc gây ra tình trạng mộng du trong khi ngủ có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
- Phục hồi chứng mất ngủ: Tình trạng mất ngủ có thể trở nên nghiêm trọng hơn trước khi người bệnh ngừng uống thuốc ngủ.
Khi bạn quyết định dùng thuốc ngủ để cải thiện tình trạng khó ngủ trong thời gian ngắn thì bạn nên lưu ý một số hướng dẫn an toàn sau đây:
- Không uống thuốc ngủ chung với rượu hoặc các loại thuốc an thần khác. Nguyên nhân là do rượu không chỉ làm gián đoạn chất lượng giấc ngủ mà còn làm tăng tác dụng an thần của thuốc ngủ gây hại cho sức khỏe.
- Chỉ uống thuốc ngủ khi bạn có đủ thời gian để ngủ ít nhất bảy đến tám giờ mỗi đêm, nếu không bạn có thể cảm thấy rất buồn ngủ vào ngày hôm sau.
- Không dùng liều thuốc ngủ thứ 2 vào giữa đêm. Việc tăng gấp đôi liều lượng thuốc có thể nguy hiểm cho cơ thể vì cơ thể có ít thời gian để thanh lọc thuốc và bạn có thể khó thức dậy vào sáng hôm sau.
- Bắt đầu uống thuốc ngủ với liều khuyến cáo thấp nhất để xem xét tác động và tác dụng phụ của thuốc lên cơ thể.
- Tránh sử dụng thuốc ngủ thường xuyên để tránh bị lệ thuộc và giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc.
- Không lái xe hoặc vận hành máy móc sau khi uống thuốc ngủ.
- Đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm với thuốc để hạn chế tương tác thuốc và những tác dụng phụ có thể xảy ra.
3. Trong dài hạn thì nên làm gì để khắc phục triệt để tình trạng khó ngủ?
Nếu bạn còn băn khoăn về việc khó ngủ có nên uống thuốc ngủ không thì bạn có thể sử dụng thuốc ngủ để cải thiện chất lượng giấc ngủ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, để khắc phục triệt để tình trạng khó ngủ trong thời gian dài thì bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau:
3.1 Kỹ thuật thư giãn thay thế cho thuốc ngủ
Các kỹ thuật thư giãn có thể giúp bạn giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ hiệu quả hơn cả thuốc ngủ nếu bạn luyện tập đều đặn mỗi ngày.
Một số kỹ thuật thư giãn thay thế cho thuốc ngủ bạn có thể áp dụng, bao gồm:
- Tắt màn hình máy tính, điện thoại và tivi ít nhất một giờ trước khi đi ngủ và tập trung vào các hoạt động yên tĩnh, nhẹ nhàng, chẳng hạn như đọc sách, tập yoga nhẹ nhàng hoặc nghe nhạc nhẹ.
- Bật ánh sáng đèn ở mức thấp để tăng cường melatonin một cách tự nhiên.
- Tập thở sâu có thể giúp ích cho hệ thần kinh nhờ khả năng kiểm soát sự thư giãn. Bạn có thể thử nhắm mắt lại, thử hít thở sâu và chậm. Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Mỗi lần thở ra dài hơn một chút so với mỗi lần hít vào.
3.2 Cải thiện môi trường ngủ
Cố gắng giữ cho phòng ngủ của bạn mát mẻ, tối và yên tĩnh. Bên cạnh đó, hãy đảm bảo rằng bạn có những chiếc gối và nệm thoải mái để có được một giấc ngủ ngon.
3.3 Tập thể dục
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục vào ban ngày có thể cải thiện giấc ngủ vào ban đêm. Khi tập thể dục, nhiệt độ cơ thể chúng ta tăng lên đáng kể, sau đó vài giờ lại giảm đáng kể. Sự giảm nhiệt độ cơ thể này khiến chúng ta dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
Thời gian tốt nhất để tập thể dục là chiều muộn hoặc đầu giờ tối, thay vì ngay trước khi đi ngủ. Các bài tập aerobic là một lựa chọn tốt để chống lại chứng mất ngủ vì có khả năng làm tăng lượng oxy đến máu.
3.4 Chế độ ăn uống lành mạnh
Thói quen ăn uống hàng ngày và trước khi đi ngủ cũng đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng giấc ngủ. Bên cạnh chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng thì bạn cũng cần tránh tiêu thụ những đồ uống và thực phẩm gây kích thích thần kinh trước khi đi ngủ vào buổi chiều như nicotine, caffeine và rượu bia.
Bài viết đã giúp chúng ta biết được không ngủ được có nên uống thuốc ngủ không và uống thuốc ngủ có hại cho sức khỏe không. Thuốc ngủ có thể được sử dụng trong thời gian ngắn để cải thiện chất lượng giấc ngủ khi bạn gặp tình trạng khó ngủ liên tục nhiều ngày, khó đi vào giấc ngủ và ngủ chập chờn. Sử dụng thuốc ngủ liên tục trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của chúng ta. Vì vậy, để khắc phục triệt để tình trạng khó ngủ trong thời gian dài bạn có thể áp dụng các kỹ thuật thư giãn, tập thể dục, chế độ ăn uống lành mạnh để cải thiện chất lượng giấc ngủ và nâng cao sức khỏe toàn diện.
Nguồn tham khảo: helpguide.org
Bài viết của: Chu Yến Nhi