Bệnh trầm cảm ở người già ngày càng trở nên phổ biến nhưng thực tế có rất ít người biết mình mắc bệnh do những dấu hiệu nhận biết khá mơ hồ. Vậy các triệu chứng bệnh trầm cảm ở người già biểu hiện như thế nào?
1. Các triệu chứng bệnh trầm cảm ở người già
Khác với những người trẻ, những triệu chứng bệnh trầm cảm ở người già thường không rõ ràng, bởi họ thường đi kèm với các tình trạng bệnh lý và khuyết tật khác.
Bệnh trầm cảm ở người cao tuổi có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong do bệnh tật cao hơn. Bên cạnh đó, điều này cũng làm giảm đi khả năng phục hồi. Các nghiên cứu về bệnh nhân mắc bệnh thể chất tại viện dưỡng lão đã chỉ ra rằng, sự xuất hiện các dấu hiệu người già trầm cảm có thể làm tăng đáng kể về nguy cơ tử vong sau khi xuất hiện các cơn đau tim. Chính vì thế, khi triệu chứng trầm cảm người già xuất hiện thì những người thân cần quan tâm, chia sẻ và đảm bảo rằng họ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, đánh giá và điều trị, mặc dù những triệu chứng bệnh còn nhẹ và mơ hồ.
Thực tế, các dấu hiệu trầm cảm của người già thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý khác. Tuy nhiên, một số triệu chứng khá điển hình được liệt kê như sau:
- Cảm thấy mệt mỏi, ủ rũ, suy tư, chán nản;
- Gặp khó khăn khi ngủ, ngủ không sâu giấc, rối loạn giấc ngủ;
- Thường xuyên gắt gỏng hoặc cáu kỉnh;
- Cảm thấy bối rối, khó tập trung suy nghĩ;
- Đấu tranh để được chú ý;
- Không thích các hoạt động trước đây họ từng làm;
- Di chuyển chậm chạp;
- Có sự thay đổi về cân nặng hoặc cảm giác thèm ăn;
- Cảm thấy vô vọng, vô giá trị hoặc tội lỗi;
- Chịu đựng những cơn đau nhức;
- Có ý nghĩ tự sát, tự tử, không muốn làm phiền đến con cháu.
Ngoài ra, nhiều người già bị trầm cảm còn cảm thấy đau đầu, căng thẳng, u uất và rối loạn tiêu hóa,…
2. Các triệu chứng trầm cảm ở người già thường xuất hiện ở giai đoạn nào và có dễ nhận biết hay không?
Bệnh trầm cảm rất đa dạng, nhưng các triệu chứng bệnh trầm cảm ở người già khá mơ hồ dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý mạn tính khác nên bình thường khó có thể nhận biết. Thậm chí, một số người già bị trầm cảm nhưng họ không có những cảm giác buồn bã, u uất, nhưng họ có thể có các dấu hiệu khó chịu, đau nhức, hay mệt mỏi,… Do đó, khi đi khám thì bác sĩ cũng khó có thể xác định các triệu chứng này là do bệnh hay là những dấu hiệu trầm cảm của người già.
Những triệu chứng bệnh trầm cảm ở người già có thể xuất hiện ở ngay giai đoạn đầu của bệnh, nhưng nhận biết chính xác bệnh không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu người già trầm cảm cần đặc biệt chú ý. Theo đó, dấu hiệu quan trọng nhất chính là sự thay đổi về nhân cách của người cao tuổi. Họ có thể cảm thấy giảm đi sự chú ý, quan tâm, thậm chí họ bị mất hứng thú với những hoạt động, đồ vật, hay những người thân yêu mà họ quan tâm trước đây. Người già khi bị trầm cảm thường muốn tách khỏi các hoạt động cộng đồng, xã hội, sống khép kín và biệt lập.
Bên cạnh đó, họ cũng gặp khó khăn trong việc diễn đạt cảm xúc nên những người xung quanh khó có thể nhận biết. Khi họ cố gắng diễn đạt về những triệu chứng bệnh trầm cảm ở người già thì có thể tập trung vào những chủ đề khác như sự than phiền về tài chính, cuộc sống, vấn đề xung quanh gia đình.
3. Cần làm gì khi có các triệu chứng bệnh trầm cảm ở người già?
Khi xuất hiện các triệu chứng bệnh trầm cảm ở người già, việc quan trọng là cần đưa họ đến các trung tâm y tế, bệnh viện chuyên khoa để thăm khám, tìm ra nguyên nhân để được bác sĩ tư vấn về hướng điều trị dựa trên mức độ, giai đoạn. Hiện nay, một số phương pháp điều trị bệnh trầm cảm ở người cao tuổi có thể được chỉ định như sau:
3.1. Sử dụng thuốc chống trầm cảm
Sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể được chỉ định cho người cao tuổi khi mắc bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ, tương tác với những loại thuốc khác nên cần được xem xét cẩn thận.
Một số loại thuốc có thể được chỉ định đó là:
- Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI): escitalopram (Lexapro)citalopram (Celexa),, paroxetine (Paxil ) fluoxetine (Prozac) và sertraline (Zoloft)
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin, norepinephrine (SNRI): desvenlafaxine (Pristiq), venlafaxine (Effexor) và duloxetine (Cymbalta)
- Chất điều chế và kích thích serotonin (SMS): vortioxetine (Trintellix ), vilazodone ( Viibryd)
- Thuốc chống trầm cảm không điển hình: mirtazapine (Remeron), bupropion (Aplenzin , Wellbutrin), và trazodone (Oleptro ER)
- Các chất ức chế Monamine oxidase (MAOIs): isocarboxazid ( Marplan), selegiline (Eldepryl , Emsam , Zelapar) phenelzine (Nardil) và tranylcypromine (Parnate).
3.2. Sử dụng liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý đặc biệt hữu ích cho những người đã trải qua một biến cố hay căng thẳng lớn trong cuộc sống. Liệu pháp này cũng được khuyến khích cho những người không muốn sử dụng thuốc và có triệu chứng bệnh trầm cảm ở người già thoáng qua. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng hữu ích cho những người già bị trầm cảm không thể dùng thuốc do tác dụng phụ, tương tác với các loại thuốc khác hoặc các bệnh nội khoa khác.
Sử dụng liệu pháp tâm lý có thể giúp cải thiện những hậu quả về chức năng và xã hội do bệnh trầm cảm gây ra. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể khuyến khích người bệnh thực liệu pháp tâm lý kết hợp với việc sử dụng thuốc chống trầm cảm.
3.3. Liệu pháp sốc điện
Liệu pháp sốc điện có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh trầm cảm ở người già. Nếu trong trường hợp họ không thể sử dụng thuốc do tác dụng phụ hoặc tương tác hoặc nếu bệnh trầm cảm ở thể nặng làm cản trở hoạt động hoặc xuất hiện những hành vi tự tử thì liệu pháp sốc điện có thể được chỉ định.
Hướng tiếp cận này nhấn mạnh vào việc cải thiện chức năng tế bào và sức khỏe thần kinh để điều trị các rối loạn tâm trạng. Ngoài ra, phác đồ này cũng nhằm vào việc cung cấp một phương tiện hỗ trợ tâm trạng, giúp giảm bớt lo âu và trầm cảm bằng cách tăng cường sức khỏe tế bào, cân bằng hóa học trong não, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống tổng thể.
Bên cạnh những lựa chọn điều trị, thì những người xung quanh cũng nên quan tâm, động viên những người già bị trầm cảm, bởi bản chất của trầm cảm là làm cản trở khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ của một người, làm hao mòn năng lượng và lòng tự trọng. Đặc biệt, với những người già bị trầm cảm họ có thể đang ở trong giai đoạn bệnh tâm thần bị kỳ thị và hiểu lầm. Thậm chí, điều này còn khó khăn hơn, nếu họ không tin đây là một căn bệnh thực sự nghiêm trọng, họ sợ xấu hổ khi được yêu cầu giúp đỡ hoặc lo lắng sẽ là gánh nặng cho con cháu.
Những người thân hãy cố gắng động viên, cổ vũ họ, hãy lắng nghe, bao dung để họ luôn cảm nhận được tình yêu thương, mang đến niềm hy vọng lớn. Bên cạnh đó, hãy đảm bảo rằng họ sẽ được thăm khám, điều trị và chăm sóc đầy đủ để mang đến hiệu quả điều trị tốt nhất, giúp cải thiện sức khỏe về thể chất và tinh thần.
Tài liệu tham khảo: Helpguide.org, Welpguide.org
Bài viết của: Lương Thị Bích Trâm