Người có hệ miễn dịch suy yếu như người nhiễm HIV có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, có nghĩa là những bệnh nhiễm trùng sẽ xảy ra nghiêm trọng hơn và thường xuyên hơn. Các bệnh nhiễm trùng cơ hội HIV có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, thậm chí là tử vong. Cùng tìm hiểu rõ hơn về bệnh nhiễm trùng cơ hội là gì và cách ngăn chặn các bệnh nhiễm trùng cơ hội HIV thông qua bài viết dưới đây.
1. Các bệnh nhiễm trùng cơ hội HIV là gì?
Nhiễm trùng cơ hội là những bệnh nhiễm trùng xảy ra nghiêm trọng hơn và thường xuyên hơn ở những người có hệ thống miễn dịch yếu hơn so với những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Trong đó, những người có hệ miễn dịch suy yếu bao gồm những người nhiễm HIV, ung thư hoặc sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch.
Các bệnh nhiễm trùng cơ hội HIV do nhiều loại vi trùng như vi rút, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng gây ra. Vi trùng gây bệnh nhiễm trùng cơ hội sẽ lây lan theo nhiều cách khác nhau như trong không khí, trong dịch cơ thể, trong thực phẩm hoặc trong nước bị ô nhiễm.
Một số bệnh nhiễm trùng cơ hội HIV thường gặp, bao gồm:
- Nhiễm virus Herpes simplex 1 – một bệnh nhiễm virus có thể gây viêm mắt, bệnh về miệng và họng, mụn rộp sinh dục và nhiễm trùng não. Bệnh lý này cũng có thể ảnh hưởng đến tuyến tiền liệt của nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
- Nhiễm khuẩn Salmonella – một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến ruột.
- Bệnh nấm candida – nhiễm nấm candida ở miệng, khí quản, phế quản, phổi, thực quản hoặc âm đạo.
- Viêm phổi do Pneumocystis – một bệnh nhiễm trùng phổi do nấm Pneumocystis jiroveci gây ra.
- Bệnh lao – bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lao ảnh hưởng đến phổi và cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như da, hạch bạch huyết, mắt, não và thận.
Vậy tại sao người nhiễm HIV lại mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội? Khi một người nhiễm HIV, virus HIV sẽ bắt đầu nhân lên và làm tổn hại hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch suy yếu khiến cơ thể khó chống lại các bệnh nhiễm trùng cơ hội hơn. Thuốc điều trị HIV ngăn ngừa HIV làm tổn hại hệ thống miễn dịch. Nhưng nếu không điều trị bằng thuốc điều trị HIV, HIV có thể dần dần phá hủy hệ thống miễn dịch và tiến tới hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).
2. Các bệnh nhiễm trùng cơ hội HIV có nguy hiểm không và có dễ xảy ra không?
Các bệnh nhiễm trùng cơ hội HIV cực kỳ nguy hiểm vì một số lý do sau:
- Tử vong cao: Một số bệnh nhiễm trùng cơ hội có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là khi không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ví dụ, bệnh lao và viêm phổi do Pneumocystis là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người nhiễm HIV.
- Biến chứng nghiêm trọng: Các bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Ví dụ, Cytomegalovirus có thể dẫn đến mù lòa, còn nhiễm Toxoplasma gondii có thể gây viêm não, dẫn đến các vấn đề thần kinh nghiêm trọng.
- Khả năng lan rộng: Một số bệnh nhiễm trùng cơ hội HIV có thể lan rộng và ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể.
- Suy giảm chất lượng cuộc sống: Nhiễm trùng cơ hội có thể gây ra đau đớn, khó chịu và các triệu chứng kéo dài, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ví dụ, nhiễm nấm Candida có thể gây viêm nhiễm và đau đớn ở miệng, thực quản và âm đạo.
- Phức tạp trong điều trị: Việc điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội thường phức tạp và kéo dài. Một số bệnh cần sử dụng thuốc kháng sinh hoặc kháng nấm mạnh trong thời gian dài, có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng và đòi hỏi sự theo dõi y tế chặt chẽ.
- Tăng nguy cơ kháng thuốc: Việc điều trị không đúng cách hoặc không hoàn toàn có thể dẫn đến sự phát triển của các chủng vi khuẩn hoặc nấm kháng thuốc, khiến cho quá trình điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn.
- Gánh nặng y tế và kinh tế: Các bệnh nhiễm trùng cơ hội tạo ra gánh nặng y tế lớn đối với hệ thống y tế và kinh tế, đòi hỏi sự chăm sóc y tế đặc biệt, chi phí điều trị cao và thời gian phục hồi lâu dài.
Các bệnh nhiễm trùng cơ hội HIV hiện nay ít phổ biến hơn so với thời kỳ tình trạng nhiễm HIV chưa có phương pháp điều trị. Các loại thuốc điều trị HIV ngày nay có khả năng làm giảm lượng virus HIV trong cơ thể và giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn. Nhờ đó, người nhiễm HIV có khả năng chống lại nhiễm trùng tốt hơn và giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Tuy nhiên, một số người nhiễm HIV vẫn có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội vì một số nguyên nhân sau:
- Họ có thể không biết rằng mình bị nhiễm HIV, do đó họ không được điều trị HIV.
- Họ có thể biết rằng mình bị nhiễm HIV nhưng họ không được điều trị HIV.
- Họ có thể được điều trị HIV, nhưng thuốc điều trị HIV không kiểm soát được virus HIV của họ.
- Họ đã nhiễm HIV trong một thời gian dài trước khi được chẩn đoán, do đó hệ thống miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng.
3. Cách nào ngăn chặn nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội HIV?
Một số biện pháp có khả năng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội HIV, bao gồm:
3.1. Tránh tiếp xúc với vi trùng có thể gây bệnh nhiễm trùng cơ hội
Vi trùng gây bệnh nhiễm trùng cơ hội có thể lây lan theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả trong chất dịch cơ thể hoặc trong phân.
Để tránh các bệnh nhiễm trùng cơ hội và bệnh lây truyền tình dục, bạn hãy sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Nếu bạn tiêm chích ma túy, không dùng chung dụng cụ tiêm chích với người khác. Ngoài ra, sau khi tiếp xúc với phân người hoặc động vật, hãy rửa tay kỹ bằng nước xà phòng.
3.2. Cẩn thận về những gì bạn ăn và uống
Thực phẩm và nước có thể bị nhiễm vi trùng gây bệnh nhiễm trùng cơ hội. Để an toàn, bạn không nên ăn một số loại thực phẩm, bao gồm trứng chưa nấu chín, các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng, nước ép trái cây hoặc mầm hạt sống. Ngoài ra, không uống nước trực tiếp từ hồ và sông.
3.3. Sử dụng thuốc kháng virus
Điều trị bằng thuốc kháng retrovirus (ART) là biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát HIV và giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. ART giúp giảm tải lượng virus HIV trong cơ thể, cải thiện hệ miễn dịch và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
3.4. Tuân thủ lịch kiểm tra sức khỏe định kỳ
Người nhiễm HIV nên đi khám định kỳ để theo dõi sức khỏe và phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng cơ hội. Đồng thời, xét nghiệm định kỳ để kiểm tra số lượng tế bào CD4 và tải lượng virus HIV.
3.5. Duy trì lối sống lành mạnh
Để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, người nhiễm HIV cần duy trì một số thói quen lành mạnh như sau:
- Ăn uống cân bằng, bổ sung đủ vitamin và khoáng chất để hỗ trợ hệ miễn dịch.
- Vệ sinh miệng và răng miệng hàng ngày để ngăn ngừa các nhiễm trùng miệng.
- Duy trì tâm lý thoải mái và quản lý căng thẳng thông qua các hoạt động thư giãn như yoga, thiền, hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ.
- Ngủ đủ giấc mỗi đêm để duy trì mức năng lượng ổn định và nâng cao sức khỏe.
- Tập thể dục thường xuyên được chứng minh có khả năng cải thiện chức năng hệ thống miễn dịch.
3.6. Tiêm phòng
Tiêm các loại vắc-xin phù hợp như vắc-xin viêm gan B, cúm và phế cầu để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng có thể phòng ngừa bằng vắc-xin.
Bài viết đã cho chúng ta biết được các bệnh nhiễm trùng cơ hội là gì và cách ngăn chặn nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội HIV. Các bệnh nhiễm trùng cơ hội HIV không chỉ làm suy giảm chất lượng cuộc sống mà còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý này người nhiễm HIV cần sử dụng thuốc kháng virus, tránh tiếp xúc với vi trùng gây bệnh, duy trì lối sống lành mạnh và khám sức khỏe định kỳ.
Tài liệu tham khảo: Hiv.gov, Hivinfo.nih.gov
Bài viết của: Chu Yến Nhi