Trầm cảm là một tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng với nhiều triệu chứng khác nhau. Một số người mô tả sự tiến triển của bệnh theo từng giai đoạn và khi đã sang giai đoạn 2 bạn phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn so với giai đoạn 1. Vậy trầm cảm giai đoạn 2 là gì và làm cách nào để điều trị các dấu hiệu trầm cảm giai đoạn 2?
1. Trầm cảm giai đoạn 2 là gì và đặc điểm của bệnh?
Trầm cảm là một tình trạng phổ biến, góp phần gây ra nhiều vấn đề phức tạp trên toàn thế giới. Ước tính có khoảng 300 triệu người trên toàn cầu đang sống chung với các triệu chứng trầm cảm.
Một số nhà nghiên cứu tin rằng việc phân loại các tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm có thể giúp chúng ta có cách tiếp cận chung phù hợp cho việc điều trị trên từng cá nhân. Một mô hình năm 2017 dựa trên ý tưởng này đã phân loại trầm cảm thành ba giai đoạn: giai đoạn 1: đau khổ, giai đoạn 2: rối loạn trầm cảm, giai đoạn 3: trầm cảm tái phát hoặc kháng trị.
Khi bước vào bệnh trầm cảm giai đoạn 2, các triệu chứng sẽ trở nên rõ rệt và dễ dàng nhận biết hơn. Điều này yêu cầu người bệnh cần được điều trị nội khoa và hỗ trợ bằng trị liệu tâm lý, cùng với việc tự chăm sóc tại nhà.
Khi đã chuyển sang trầm cảm giai đoạn 2, người bệnh thường trải qua một loạt các triệu chứng như tâm trạng giảm sút liên tục, mất hứng thú với các hoạt động, cảm giác mệt mỏi và mất nguồn năng lượng, tự ti, cảm thấy vô giá trị, khó tập trung, và thậm chí có suy nghĩ tự tử.
2. Các dấu hiệu của trầm cảm giai đoạn 2
Nếu trầm cảm giai đoạn 1 là mức độ nhẹ và khó nhận biết thì giai đoạn 2 người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng rõ rệt và ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày.
Dưới đây là các dấu hiệu trầm cảm giai đoạn 2 mà bạn hoặc người thân cần chú ý để phát hiện sớm.
- Tâm trạng trầm buồn: Người bệnh thường trải qua tình trạng lo âu, buồn chán, u uất thường xuyên. Họ có xu hướng tiêu cực, dễ cáu gắt, và hay khóc mà không rõ nguyên nhân.
- Rối loạn giấc ngủ: Mất ngủ hoặc khó ngủ thường là những dấu hiệu trầm cảm giai đoạn 2 đầu tiên có thể nhận thấy. Kết hợp với tâm trạng căng thẳng và bi quan, tình trạng này khiến người bệnh mệt mỏi và suy sụp tinh thần, gây khó khăn trong việc vào giấc ngủ hoặc thậm chí gây mất ngủ.
- Mất hứng thú trong cuộc sống: Người bệnh trầm cảm giai đoạn 2 thường không còn cảm nhận được niềm vui từ những hoạt động mà trước đây họ yêu thích. Họ có xu hướng tự cô lập và tránh tiếp xúc với người khác, bao gồm cả những người thân quen.
- Mất niềm tin vào tương lai: Khi ở giai đoạn 2 của trầm cảm, người bệnh thường có tư duy tiêu cực và bi quan đối với cuộc sống, đặc biệt sau khi trải qua những sự kiện đau buồn hoặc mất mát. Họ mất đi động lực sống, có thể tìm đến rượu và thuốc an thần để tự an ủi.
- Mất cảm giác hạnh phúc: Do sự giảm sút hoặc không đủ sản xuất hormone serotonin trong não (hormone liên quan đến cảm giác hạnh phúc), người bệnh trở nên lạnh lùng và không còn cảm nhận được niềm vui như trước đây.
- Sụt giảm năng suất công việc: Sự suy sụp tinh thần và bi quan làm cho người bệnh khó tập trung vào công việc, dẫn đến khả năng hoàn thành công việc giảm đi so với trước đây.
Nếu bạn hoặc ai đó bạn biết có những dấu hiệu này thì cần tìm sự tới sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế, như bác sĩ hoặc nhà tâm lý học, để được đánh giá chính xác và có hướng điều trị phù hợp.
3. Làm gì khi bị trầm cảm giai đoạn 2?
Có một số cách bạn có thể thử để đối phó với tình trạng trầm cảm giai đoạn 2 như sau:
3.1 Tìm kiếm sự hỗ trợ xã hội
Điều đầu tiên người trầm cảm nên làm đó là hạn chế tiếp xúc với người khiến bạn căng thẳng. Thay vào đó hãy cố gắng duy trì các kết nối xã hội lành mạnh khác. Một số ý tưởng bao gồm:
- Tham gia cộng đồng phục hồi trầm cảm
- Hoạt động nhóm như thể thao đồng đội
- Các nhóm sở thích đặc biệt như làm vườn hoặc nghệ thuật
3.2 Duy trì một thói quen
Nghiên cứu từ năm 2016 cho thấy cấu trúc thời gian có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm. Do đó, người bệnh có thể tham khảo và duy trì một vài thói quen sau:
- Sử dụng ứng dụng có báo thức có thể giúp bạn tuân thủ lịch trình, đặc biệt nếu chứng trầm cảm đang ảnh hưởng đến trí nhớ hoặc động lực của bạn.
- Có thể thử thiết lập thời gian ngủ và thức nhất quán để chống lại ảnh hưởng của trầm cảm đến lịch trình giấc ngủ hàng ngày.
- Lên kế hoạch cho các bữa ăn và thói quen vệ sinh cá nhân có thể giúp bạn có thêm điểm tựa trong ngày. Thời gian được chỉ định để tập thể dục, sở thích và tiếp xúc xã hội cũng có thể hữu ích.
3.3 Tập trung vào sức khỏe thể chất
Sức khỏe thể chất ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của não và có thể tác động đến các triệu chứng giai đoạn 2 của trầm cảm. Bạn có thể hỗ trợ sức khỏe thể chất bằng cách nhắm mục tiêu vào một số lĩnh vực chính:
- Ngủ đầy đủ và chất lượng
- Sử dụng thực phẩm bổ dưỡng
- Tập thể dục thường xuyên
- Giảm căng thẳng
- Giảm uống rượu
- Uống đủ nước
3.4 Điều trị nội khoa
Sau khi bắt đầu sử dụng thuốc chống trầm cảm, người bệnh có thể trải qua sự cải thiện trong vòng một hoặc hai tuần đầu. Tuy nhiên, nếu sau vài tuần mà người bệnh không cảm thấy cải thiện hoặc cảm thấy ít cải thiện, bác sĩ điều trị có thể điều chỉnh liều lượng thuốc, thêm vào hoặc thay thế bằng một loại thuốc chống trầm cảm khác. Điều quan trọng là người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu thuốc không hiệu quả hoặc gây ra tác dụng phụ.
Thường thì các bác sĩ khuyến nghị bệnh nhân tiếp tục sử dụng thuốc ít nhất sáu tháng sau khi triệu chứng đã được cải thiện. Điều trị kéo dài trong thời gian dài có thể giảm nguy cơ tái phát bệnh trong tương lai đối với những người có nguy cơ cao.
Như vậy, trầm cảm giai đoạn 2 là một trạng thái nghiêm trọng và có ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của người bệnh. Vì thế nếu bạn hoặc ai đó trong gia đình có các dấu hiệu của trầm cảm giai đoạn 2 hãy tìm đến các chuyên gia để nhận được sự tư vấn và điều trị phù hợp.
Nguồn: psychcentral.com – verywellhealth.com
Bài viết của: Nguyễn Thị Thanh Thuý