“Suy nhược thần kinh” không phải là một chẩn đoán y khoa. Tuy nhiên, đó là một loại khủng hoảng sức khỏe tâm thần hoặc cảm xúc. Bạn có thể cảm thấy vô cùng căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm. Đổi lại, bạn không thể hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn sẽ làm việc với bạn để xác định (các) tác nhân gây căng thẳng, xây dựng kế hoạch điều trị và giúp bạn đối phó.
1. Làm sao để không bị suy nhược thần kinh?
Thuật ngữ suy nhược thần kinh không hẳn là một thuật ngữ y khoa và cũng không phải là tên của một tình trạng sức khỏe tâm thần cụ thể. Nó được sử dụng để mô tả một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần, còn có thể được gọi là suy sụp tinh thần. Trong cuộc khủng hoảng này, một người cảm thấy căng thẳng, lo lắng và những cảm xúc tiêu cực khác. Người đó không thể đối phó với căng thẳng và nhu cầu cảm xúc, dẫn đến sự gián đoạn trong cuộc sống và hoạt động hàng ngày.
Vấn đề đặt ra là bị suy nhược thần kinh làm sao cho hết? Theo nhiều nghiên cứu, khi một đối tượng nào đó gặp phải tình huống này, các bác sĩ chuyên khoa tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần sẽ chẩn đoán đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần nói chung hoặc có thể là một dạng rối loạn tâm thần tiềm ẩn chỉ xuất hiện trong một điều kiện cụ thể. Thông thường, những chẩn đoán phổ biến nhất dành cho người bị suy nhược thần kinh sẽ là rối loạn lo âu, trầm cảm nặng hoặc rối loạn căng thẳng cấp tính. Khi đó việc điều trị suy nhược thần kinh sẽ bao gồm các liệu pháp tâm thần, sử dụng thuốc kết hợp thay đổi lối sống. Việc giao tiếp với bác sĩ tâm lý trị liệu có thể giúp người bị suy nhược thần kinh quản lý được những cảm xúc tiêu cực của bản thân, tìm ra nguyên nhân, đồng thời thay đổi được suy nghĩ lẫn hành vi để giảm thiểu căng thẳng, từ đó đối phó với căng thẳng tốt hơn. Bác sĩ trị liệu cũng có thể hướng dẫn người bị suy nhược thần kinh về các chiến lược đối phó và kỹ năng thư giãn để quản lý hoặc ngăn ngừa những đợt suy nhược kế tiếp.
Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể chỉ định thuốc để kiểm soát tình trạng suy nhược thần kinh, và thường gặp nhất ở những trường hợp được chẩn đoán mắc một số bệnh lý tâm thần tiềm ẩn. Ví dụ, nếu một người được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm, thuốc chống trầm cảm có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh và ngăn ngừa tình trạng suy nhược thần kinh trong tương lai.
Vấn đề được đặt ra tiếp theo là làm sao để không bị suy nhược thần kinh? Theo bác sĩ, bất cứ ai đã từng bị suy nhược thần kinh đều nên cân nhắc việc thay đổi lối sống và tự có biện pháp chăm sóc bản thân tốt hơn để loại bỏ hoặc kiểm soát căng thẳng, có thể bao gồm những giải pháp như thay đổi công việc, chấm dứt một mối quan hệ gây căng thẳng, cắt giảm trách nhiệm hoặc điều chỉnh các hoạt động có nguy cơ cao gây stress… Kèm theo đó, nếu không thể đối phó tốt với căng thẳng thì bạn có thể sẽ được hưởng lợi từ việc chăm sóc bản thân tốt hơn bằng những lời khuyên sau đây:
- Giao tiếp nhiều hơn với bạn bè và người thân vì những hỗ trợ xã hội là yếu tố rất quan trọng giúp quản lý căng thẳng tốt hơn;
- Tập thể dục nhiều hơn để đối phó với căng thẳng;
- Thực hiện các kỹ thuật giúp thư giãn như ngồi thiền, viết nhật ký hoặc tập hít thở;
- Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh;
- Cố gắng ngủ đủ giấc mỗi đêm;
- Dành nhiều thời gian hơn để thực hiện các hoạt động yêu thích hoặc tạo ra cảm hứng;
- Đôi khi dành thời gian ở một mình khi cần thiết cũng giúp chúng ta quản lý căng thẳng hiệu quả hơn.
2. Đối tượng nào cần đặc biệt chú ý và phải phòng bệnh suy nhược thần kinh sớm?
Theo bác sĩ, những đối tượng sau đây cần đặc biệt chú ý và phải có biện pháp phòng bệnh suy nhược thần kinh sớm, vì nguy cơ phản ứng mãnh liệt trước căng thẳng, bao gồm:
- Người có tiền sử cá nhân hoặc tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn lo âu;
- Người đã được chẩn đoán mắc một bệnh lý nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động;
- Người mắc chứng rối loạn tâm thần có nguy cơ tồi tệ hơn khi đối mặt với căng thẳng.
Suy nhược thần kinh có thể là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khiến người mắc không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày, vì phải vật lộn để đối phó với căng thẳng. Mặc dù mỗi người sẽ cách xử lý căng thẳng khác nhau và sẽ có người có khả năng đối phó với căng thẳng tốt hơn những người khác nhưng khi căng thẳng gây suy nhược thần kinh và khiến bạn không còn khả năng thực hiện các công việc hàng ngày, đơn giản như ra khỏi giường, đánh răng hoặc đi làm, thì đã đến lúc cần tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia, đặc biệt là với các đối tượng nguy cơ cao được liệt kê ở trên.
3. Các điểm cần lưu ý khi phòng bệnh suy nhược thần kinh
Nhiều lời khuyên từ các chuyên gia về vấn đề phòng bệnh suy nhược thần kinh đều liên quan đến việc tự điều chỉnh, thay đổi lối sống. Thực tế cũng cho thấy biện pháp này mặc dù có thể không ngăn chặn hoàn toàn căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm nhưng ít nhiều chúng sẽ giúp làm giảm cường độ và tần suất của các giai đoạn suy nhược thần kinh.
Sau đây là một số lưu ý để việc thay đổi lối sống giúp phòng bệnh suy nhược thần kinh hiệu quả hơn:
- Như đã đề cập, thư giãn là cách giải tỏa căng thẳng tốt nhất, do đó chúng ta nên học cách thư giãn bằng nhiều biện pháp như thiền, yoga, tập các bài giãn cơ và nhiều phương pháp thư giãn khác;
- Tự thay đổi để chăm sóc bản thân tốt hơn, bao gồm dinh dưỡng cân bằng, nghỉ ngơi đầy đủ và tập thể dục. Bên cạnh đó cần tránh các tác nhân kích thích như rượu và caffeine (có trong cà phê, trà…);
- Xây dựng thời gian biểu hợp lý để kiểm soát cuộc sống tốt hơn, bao gồm việc lập danh sách những cần làm, hay những thứ cần ưu tiên, hay dành thời gian nghỉ giải lao khi làm việc. Chú ý không tự trách móc bản thân nếu không hoàn thành được mọi thứ đúng như thời gian biểu đã lập ra, thay vào đó hãy linh hoạt thay đổi công việc cho phù hợp hơn;
- Trao đổi với các chuyên gia sức khỏe tâm thần để tìm hiểu về những biện pháp kiểm soát căng thẳng, lo âu và trầm cảm.
Tài liệu tham khảo: bridgestorecovery.com.my.clevelandclinic.org
Bài viết của: Đỗ Mai Thảo