Để duy trì sức khỏe tốt chúng ta cần xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng nhiều thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin B tự nhiên như rau xanh, các loại hạt, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, nấm và trứng. Vậy vitamin B có tác dụng gì, vitamin B tăng năng lượng cho cơ thể như thế nào?
1. Vitamin B có tác dụng gì với sức khỏe con người?
Mỗi loại trong số 8 vitamin của phức hợp vitamin nhóm B – B complex đều có những lợi ích sức khỏe riêng. Ví dụ, vitamin B1 rất quan trọng cho sự tăng trưởng, phát triển và chức năng của các tế bào trong cơ thể. Các vitamin khác như B2 sẽ phối hợp với các vitamin B còn lại để chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Vitamin B2 chuyển đổi B6 thành dạng có thể sử dụng được và hỗ trợ sản xuất niacin (vitamin B3) – chất chủ yếu thu được từ thực phẩm và rất cần thiết cho hoạt động bình thường của tế bào.
Vitamin B5 giúp phân hủy chất béo và carbohydrate để tạo năng lượng và giúp cơ thể sử dụng các vitamin khác, chẳng hạn như riboflavin (vitamin B2). Vitamin B6 có liên quan đến chức năng miễn dịch được cơ thể sử dụng để dự trữ protein và carbohydrate từ thức ăn dưới dạng glycogen trong cơ thể.
B7 giúp cơ thể chuyển hóa chất béo, carbohydrate và protein từ thực phẩm bạn ăn thành năng lượng. Chúng cũng cần thiết để tạo ra các axit béo duy trì sức khỏe của xương và tóc. Vitamin B9 cần thiết để giúp tế bào sản xuất và duy trì DNA (vật liệu di truyền có trong tất cả các tế bào cơ thể). Vitamin B12 rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa các loại protein.
2. Vitamin B thúc đẩy tăng năng lượng cho cơ thể như thế nào?
Vitamin B không cung cấp trực tiếp năng lượng cho cơ thể và trên thực tế cũng không có vitamin nào có tác dụng cung cấp năng lượng. Calo mới chính là yếu tố cung cấp cho cơ thể năng lượng, vitamin B thì không chứa calo. Nguồn năng lượng calo chủ yếu đến từ glucose, chúng thường có trong thực phẩm chứa carbohydrate (ngũ cốc, đậu, rau, trái cây, sữa).
Các tế bào của cơ thể phân hủy glucose thành một phân tử quan trọng thường được gọi là ATP, đây là dạng năng lượng mà tế bào sử dụng để cung cấp năng lượng cho các hoạt động duy trì sự sống. Nếu tế bào không thể tạo ra ATP, bạn sẽ chết.
Các vitamin B đóng vai trò thiết yếu trong bộ máy sinh hóa phức tạp giúp phân hủy glucose thành ATP, giải phóng năng lượng từ thực phẩm chúng ta ăn. Bằng cách đó, vitamin B giúp cơ thể sử dụng năng lượng tốt hơn, từ đó vitamin B tăng năng lượng của cơ thể – nhưng bạn cần hiểu rằng chúng không chứa năng lượng.
3. Cách nào bổ sung vitamin B để cơ thể có thêm năng lượng?
Nếu ăn một chế độ ăn đa dạng, bạn có thể nhận đủ lượng B complex. Vitamin B12 chỉ được tìm thấy trong các sản phẩm động vật, vì vậy người ăn chay thường phải bổ sung B12, trừ khi họ ăn thực phẩm được tăng cường thêm vitamin B12. Mức vitamin B12 hoặc B6 thấp có thể gây thiếu máu và nhiều người gặp khó khăn trong việc hấp thụ B12 khi già đi.
Vitamin B được tìm thấy chủ yếu trong các nguồn thực phẩm động vật, mặc dù nhiều loại rau, trái cây, các loại hạt và cây họ đậu cũng chứa một lượng vitamin B nhất định. Dưới đây là những nguồn thực phẩm phổ biến mà bạn có thể sử dụng để nhận được vitamin B tăng năng lượng:
- Vitamin B1 (thiamin): Ngũ cốc ăn sáng tăng cường, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt và giàu dinh dưỡng (bao gồm bánh mì nguyên hạt, gạo, mì và bột mì), thịt heo, cá hồi, đậu đen, cá ngừ.
- Vitamin B2 (riboflavin): Sữa và các sản phẩm từ sữa, gan bò, nghêu, hạnh nhân và thịt gà.
- Vitamin B3 (niacin): Trứng, cá, bánh mì và ngũ cốc, gạo, các loại hạt, sữa, thịt gà, thịt bò, gà tây, thịt cừu, nội tạng, đậu phộng.
- Vitamin B5 (axit pantothenic): Thịt, bơ, bông cải xanh, cải xoăn, trứng, sữa, nấm, ngũ cốc, nội tạng, thịt gia cầm, khoai tây và các loại đậu.
- Vitamin B6 (pyridoxine): Đậu xanh, gan bò, cá ngừ, cá hồi, ức gà, ngũ cốc, khoai tây, gà tây, trái cây (trừ cam quýt) và thịt bò.
- Vitamin B7 (biotin): Gan bò, lòng đỏ trứng, mầm lúa mì, thịt lợn, thịt bò, hạt hướng dương, khoai lang, hạnh nhân, ngũ cốc nguyên hạt, cá mòi, rau bina và bông cải xanh.
- Vitamin B9 (folate): Rau bina, gan bò, bông cải xanh, mầm Brussels, các loại đậu, măng tây, nước cam, đậu phộng, quả bơ, rau lá xanh đậm, ngũ cốc và cá hồi.
- Vitamin B12 (cobalamin): Gan bò (và các loại nội tạng khác), nghêu và các động vật có vỏ, thịt bò, thịt gà, cá, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, một số loại ngũ cốc.
Nguồn: seattletimes.com – verywellfit.com
Bài viết của: Đỗ Mai Thảo