Viêm dạ dày là một trong những bệnh lý về đường tiêu hóa phổ biến nhất hiện nay. Tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm dạ dày có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày. Vậy viêm dạ dày là gì? Những ai thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh cao? Và làm thế nào để bảo vệ sức khỏe dạ dày của mình?
1. Viêm dạ dày là gì? Nguyên nhân gây viêm dạ dày
Viêm dạ dày, hay còn gọi là viêm niêm mạc dạ dày, là một trong những bệnh lý tiêu hóa thường gặp nhất. Căn bệnh này xảy ra khi lớp niêm mạc, vốn có vai trò như “hàng rào” bảo vệ dạ dày, bị tổn thương và suy yếu. Tình trạng này thường do vi khuẩn hoặc các tác nhân khác gây ra, và để chẩn đoán chính xác, bác sĩ cần phân tích mẫu mô dạ dày để tìm dấu hiệu viêm nhiễm.
Niêm mạc dạ dày không chỉ đơn thuần là một lớp lót, mà còn là “người bảo vệ thầm lặng” của dạ dày, giúp ngăn chặn sự tấn công của acid và vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, khi lớp bảo vệ này bị tổn thương, viêm dạ dày sẽ xuất hiện và có thể tiến triển thành viêm loét dạ dày nếu không được điều trị kịp thời.
Có 2 con đường chính dẫn đến tình trạng này:
- Từ bên ngoài: Vi khuẩn xâm nhập và tấn công trực tiếp niêm mạc, gây tổn thương. Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm dạ dày. Chúng sống trong niêm mạc dạ dày và tiết ra các chất gây tổn thương niêm mạc.
- Từ bên trong: Sự mất cân bằng trong cơ thể dẫn đến việc bài tiết acid dạ dày quá mức, làm tổn thương niêm mạc từ bên trong. Thói quen ăn uống thất thường và chế độ dinh dưỡng không lành mạnh kéo dài chính là nguyên nhân thúc đẩy quá trình này.
2. Viêm dạ dày biểu hiện như thế nào?
Viêm dạ dày thường xuất hiện khởi đầu với những cơn đau khó chịu vùng thượng vị. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể gặp phải một loạt các triệu chứng khác như buồn nôn, chán ăn, cảm giác khó chịu trong bụng, ợ chua và ợ hơi.
Cụ thể hơn, những dấu hiệu viêm dạ dày thường gặp bao gồm:
- Cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội vùng thượng vị, có thể xuất hiện khi đói, sau khi ăn hoặc cả hai.
- Cảm giác no nhanh, đầy bụng sau khi ăn, khiến người bệnh không thể ăn nhiều như bình thường.
- Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng thường xuyên (do acid dạ dày trào ngược lên thực quản).
- Chán ăn, không còn cảm giác thèm ăn (do dạ dày bị viêm nhiễm, giảm khả năng tiêu hóa thức ăn).
- Buồn nôn và nôn mửa (có thể nôn ra thức ăn hoặc dịch vị).
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những triệu chứng này không phải là của riêng viêm dạ dày. Chúng cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tiêu hóa khác như trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày tá tràng, thậm chí là ung thư dạ dày. Do đó, nếu gặp phải những triệu chứng trên, bạn nên đến bệnh viện để được khám và chẩn đoán chính xác.
3. Đối tượng nguy cơ mắc viêm dạ dày
Viêm dạ dày cấp có thể đến với bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác. Tuy nhiên, đây không phải là một căn bệnh dễ dàng mắc phải. Bằng cách thiết lập chế độ ăn uống khoa học và lối sống lành mạnh, bạn hoàn toàn có thể ngăn chặn viêm dạ dày cấp “gõ cửa”.
Tuy nhiên, có một số nhóm người có nguy cơ mắc viêm dạ dày cao hơn so với người bình thường, bao gồm:
- Người sống trong môi trường vệ sinh kém: Môi trường sống không đảm bảo vệ sinh là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) – thủ phạm chính gây viêm dạ dày – sinh sôi và phát triển.
- Người lớn tuổi: Người cao tuổi thường có thời gian nhiễm HP kéo dài hơn, đồng thời cũng là nhóm đối tượng thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau chống viêm (NSAIDs). Cả 2 yếu tố này đều làm tăng nguy cơ tổn thương niêm mạc dạ dày và dẫn đến viêm dạ dày.
- Người có những thói quen không lành mạnh: Ví dụ, uống rượu bia, hút thuốc lá. Rượu bia gây tổn thương trực tiếp đến niêm mạc dạ dày. Còn hút thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ nhiễm HP.
- Người bị stress kéo dài: Căng thẳng stress không chỉ tăng hormone cortisol mà còn làm tăng tiết acid dạ dày, dẫn đến suy yếu niêm mạc dạ dày.
Viêm dạ dày là bệnh lý phổ biến nhưng không thể xem thường. Hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và đối tượng nguy cơ sẽ giúp chúng ta chủ động phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả.
Nguồn: healthline.com – ncbi.nlm.nih.gov – tamanhhospital.vn
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My