Thải độc sau truyền hóa chất là quá trình giúp cơ thể người bệnh loại bỏ những chất độc hại và sản phẩm phụ tích tụ sau khi hóa trị. Quá trình này sẽ giúp người bệnh giảm thiểu các tác dụng phụ như buồn nôn, mệt mỏi và rụng tóc, đồng thời hỗ trợ phục hồi cơ thể và hỗ trợ chức năng gan thận. Cùng tìm hiểu lý do vì sao cần thải độc sau truyền hóa chất thông qua bài viết dưới đây.
1. Thải độc sau truyền hóa chất là gì?
Thải độc sau truyền hóa chất là một loạt các biện pháp và quy trình nhằm giúp cơ thể loại bỏ hoặc giảm thiểu các chất độc hại và sản phẩm phụ tích tụ sau quá trình điều trị bằng hóa trị liệu.
Hóa trị liệu được hiểu đơn giản là phương pháp điều trị bệnh ung thư bằng hóa chất. Bác sĩ sẽ đưa thuốc vào cơ thể bệnh nhân qua nhiều con đường khác nhau như uống, truyền tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da.
Các hóa chất này được truyền vào cơ thể người bệnh nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư, từ đó giúp ngăn ngừa tế bào ác tính phân chia, phát triển và xâm lấn đến các cơ quan khác. Chu kỳ tế bào của các tế bào ung thư thường bị rối loạn khiến tốc độ phân chia của chúng nhanh hơn nhiều lần so với tế bào bình thường. Khi đưa hóa chất vào cơ thể, hóa chất sẽ xem các tế bào ác tính này là đích và hoạt động với vai trò ức chế quá trình tăng sinh của những tế bào này.
Tuy nhiên, trong quá trình tiêu diệt các tế bào ác tính thì hóa chất cũng có thể gây hại cho các tế bào khỏe mạnh, dẫn đến nhiều tác dụng phụ và tích tụ độc tố trong cơ thể. Tác dụng phụ của liệu pháp hóa trị có thể tồn tại trong thời gian ngắn rồi tự hết hoặc kéo dài dai dẳng ngay cả khi đợt truyền hóa chất đã kết thúc. Phương pháp thải độc sau truyền hóa chất sẽ giúp người bệnh giảm thiểu tác dụng phụ và hỗ trợ phục hồi cơ thể.

2. Vì sao cần thải độc sau truyền hóa chất?
Sau khi truyền hóa chất cơ thể người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bao gồm:
- Buồn nôn: Buồn nôn là tác dụng phụ thường gặp nhất sau khi truyền hóa chất. Triệu chứng buồn nôn có thể xuất hiện từ rất sớm ngay sau thời gian vào thuốc khoảng 1 đến 2 giờ. Đối với một số người bệnh triệu chứng buồn nôn có thể kéo dài tới vài tuần sau điều trị.
- Mệt mỏi: Trong giai đoạn điều trị, hầu hết bệnh nhân sau truyền hóa chất đều trong trạng thái cảm thấy cơ thể mệt mỏi không có sức sống. Bệnh nhân có thể cảm thấy kiệt sức, nặng nề tay chân hoặc buồn ngủ.
- Rối loạn tiêu hóa: Truyền hóa chất có thể khiến người bệnh bị rối loạn tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy khiến thói quen đại tiện của bệnh nhân thay đổi.
- Nhiễm độc tủy xương: Hóa chất có thể làm bất hoạt một phần quá trình sản xuất máu của tủy xương. Hậu quả là làm giảm số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong máu.
- Thay đổi hình thái và kết cấu của da, móng: Sau truyền hóa chất bệnh nhân có thể gặp tình trạng da trở nên mẫn cảm hơn, dễ bong tróc hoặc chuyển sang màu đen sạm. Ngoài ra, móng tay cũng trở nên giòn và khô hơn.
- Rụng tóc: Rụng tóc cũng là một trong những tác dụng phụ khá phổ biến sau truyền hóa chất. Lông mi, lông nách và lông mày cũng có thể rụng theo. Tình trạng rụng tóc thường xảy ra cách thời điểm truyền thuốc lần đầu tiên khoảng 2 đến 3 tuần. Sau đợt điều trị hóa chất, người bệnh có thể mất tối thiểu 4 tháng để tóc mọc đều trở lại.
- Viêm loét miệng: Viêm loét miệng cũng là tác dụng phụ thường gặp ở những bệnh nhân sau khi truyền hóa chất. Trong trường hợp bệnh nhân có sẵn các bệnh lý vùng răng miệng thì vấn đề này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Sau truyền hóa chất bệnh nhân sẽ phải đối mặt với rất nhiều tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, quá trình thải độc sau truyền hóa chất đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện những tác dụng không mong muốn cho người bệnh. Một số lợi ích của việc thải độc sau khi truyền hóa chất đối với sức khỏe người bệnh, bao gồm:
- Giảm thiểu tác dụng phụ: Hóa trị liệu thường gây ra nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, mệt mỏi, rụng tóc và giảm chức năng gan, thận. Thải độc giúp loại bỏ các chất độc hại làm giảm bớt các triệu chứng này và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
- Hỗ trợ phục hồi cơ thể: Quá trình hóa trị liệu làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh, do đó việc thải độc giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng hơn. Kết quả là bệnh nhân cảm thấy ít mệt mỏi hơn và có nhiều năng lượng hơn để thực hiện các hoạt động hàng ngày.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Hóa trị liệu có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và bệnh tật. Việc thải độc giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Hỗ trợ chức năng gan và thận: Gan và thận là hai cơ quan chính chịu trách nhiệm loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Quá trình thải độc giúp giảm tải công việc cho gan và thận, cải thiện chức năng và sức khỏe của hai cơ quan này.
- Giảm tình trạng viêm nhiễm và đau nhức: Việc đào thải các chất độc tích tụ sẽ giúp giảm viêm và đau, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
- Hỗ trợ phục hồi tế bào và mô: Các biện pháp thải độc, đặc biệt là thông qua dinh dưỡng sẽ cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho quá trình tái tạo và phục hồi tế bào và mô bị tổn thương do hóa trị liệu.
- Cải thiện tâm trạng và tinh thần: Sức khỏe tổng thể được cải thiện cũng đồng nghĩa với việc tâm trạng và tinh thần của bệnh nhân cũng được nâng cao. Việc thải độc giúp giảm bớt cảm giác lo lắng, căng thẳng và trầm cảm thường gặp ở những người điều trị ung thư.
- Hỗ trợ tiêu hóa: Thải độc giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, làm cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Điều này giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phục hồi.
3. Cách thải độc sau truyền hóa chất an toàn, hiệu quả
Một số cách thải độc sau khi truyền hóa chất an toàn và hiệu quả, bao gồm:
3.1. Chế độ ăn uống lành mạnh
Bắt đầu quá trình thải độc sau khi truyền hóa chất, người bệnh cần loại bỏ các thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn vặt khỏi chế độ ăn uống hàng ngày. Thay vào đó, người bệnh nên lựa chọn những thực phẩm nguyên chất và giàu chất dinh dưỡng như trái cây, rau xanh, protein nạc và chất béo lành mạnh.
Ngoài ra, một số loại thực phẩm có thể giúp hỗ trợ quá trình thải độc tự nhiên của cơ thể như rau lá xanh, rau họ cải, tỏi và quả mọng.

3.2. Tăng lượng chất xơ tiêu thụ
Sau khi trải qua quá trình hóa trị, cơ thể người bệnh có thể trải qua những thay đổi trong thói quen đại tiện. Chất xơ có thể giúp giảm táo bón và các vấn đề tiêu hóa khác.
3.3. Uống nhiều nước
Uống nhiều nước là điều cần thiết để loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Người bệnh nên đặt mục tiêu uống ít nhất 8-10 cốc nước mỗi ngày nhằm thúc đẩy quá trình thải độc sau khi truyền hóa chất diễn ra nhanh hơn.
3.4. Tập thể dục
Tập thể dục sẽ giúp cơ thể loại bỏ những độc tố tích tụ sau quá trình truyền hóa chất. Ngoài ra, thường xuyên rèn luyện thể chất cũng giải phóng endorphin có thể làm giảm mệt mỏi và trầm cảm.
Người bệnh sau khi truyền hóa chất có thể bắt đầu bằng các bài tập nhẹ như đi bộ hoặc yoga, sau đó chuyển sang các bài tập nặng hơn như chạy bộ hoặc cử tạ sau khi cơ thể hồi phục sau điều trị.
3.5. Quản lý căng thẳng
Tình trạng căng thẳng kéo dài do bệnh tật có thể cản trở quá trình thải độc sau truyền hóa chất của người bệnh. Quản lý căng thẳng thông qua các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, yoga và thiền có thể giúp hỗ trợ quá trình thải độc tự nhiên của cơ thể.
3.6. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt
Ngủ là thời gian giúp cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thải độc sau truyền hóa chất. Vì vậy, đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt cũng là một cách thải độc sau khi truyền hóa chất hiệu quả.
Bài viết đã giúp chúng ta biết được thải độc sau truyền hóa chất là gì và cách thải độc sau khi truyền hóa chất an toàn và hiệu quả. Thải độc sau truyền hóa chất sẽ giúp cơ thể loại bỏ các chất độc hại và sản phẩm phụ tích tụ sau quá trình hóa trị. Nhờ đó, quá trình này sẽ giúp người bệnh giảm thiểu tác dụng phụ, phục hồi cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch.
Tài liệu tham khảo: Cancercenterforhealing.com
Bài viết của: Chu Yến Nhi