Rối loạn nhận thức là một trong những bệnh lý rối loạn sức khỏe tâm thần hiện nay. Bệnh gây ra những khó khăn đối với các hoạt động hằng ngày, khả năng học tập làm việc cũng như ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của người bệnh. Cùng tìm hiểu tại sao lại bị rối loạn nhận thức và cách dự phòng qua bài viết sau đây.
1. Tại sao lại bị rối loạn nhận thức?
Rối loạn nhận thức là tình trạng suy giảm các chức năng nhận thức như trí nhớ, kiến thức, khả năng tập trung chú ý, khả năng quản lý, đưa ra quyết định, lập kế hoạch, lý luận, phán đoán, nhận thức, hiểu, ngôn ngữ lời nói và chức năng không gian thị giác, cùng nhiều chức năng khác. Chính vì vậy, chứng rối loạn nhận thức thần kinh gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng làm việc học tập và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Suy giảm nhận thức có thể xảy ra từ khi sinh ra hoặc sau này do các yếu tố môi trường như chấn thương sọ não, bệnh tâm thần, rối loạn thần kinh. Không phải người cao tuổi nào cũng bị suy giảm nhận thức, nhưng tình trạng suy giảm nhận thức phổ biến hơn ở người cao tuổi.
Khi tuổi tác ngày càng tăng, các tình trạng như đột quỵ, mê sảng, mất trí nhớ, trầm cảm, tâm thần phân liệt, sử dụng rượu mãn tính, lạm dụng chất gây nghiện, u não, thiếu vitamin, mất cân bằng nội tiết tố và một số bệnh mãn tính có thể gây ra tình trạng suy giảm nhận thức. Ngoài ra các loại thuốc như thuốc an thần, thuốc kháng cholinergic, glucocorticoid cũng có liên quan đến tình trạng suy giảm nhận thức.
2. Ai dễ mắc rối loạn nhận thức?
2.1 Người có tiền sử gia đình
Một số rối loạn nhận thức, chẳng hạn như chứng mất trí nhớ Huntington và Frontotemporal có thể là do di truyền. Nghiên cứu cho thấy rằng một tỷ lệ đáng kể những người mắc các bệnh này có người thân mắc bệnh này.
Bệnh Alzheimer cũng có yếu tố di truyền gia đình. Một số gen có thể thúc đẩy diễn tiến sớm của bệnh. Ngoài ra, nếu bạn có bố mẹ mắc bệnh Alzheimer thì khả năng bạn mắc bệnh này cao hơn những người khác.
2.2 Người cao tuổi
Tuổi càng cao, thể tích và chức năng của não bộ càng suy giảm, đi kèm với nhiều bệnh lý mạn tính khiến người cao tuổi có nguy cơ mắc chứng rối loạn nhận thức thần kinh cao hơn. Tuy nhiên, không phải người cao tuổi nào cũng mắc chứng rối loạn nhận thức.
2.3 Người bị chấn thương sọ não
Chấn thương vùng đầu có thể dẫn đến chứng rối loạn nhận thức thần kinh. Tùy thuộc vào vùng não bị tổn thương, điều này có thể tác động đến một số khía cạnh nhất định của chức năng nhận thức. Ví dụ, chấn thương ở thùy trán có thể ảnh hưởng đến khả năng lập kế hoạch và tâm trạng, trong khi chấn thương ở vùng Broca có thể ảnh hưởng đến lời nói.
2.4 Người bị đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi có sự gián đoạn trong việc cung cấp máu lên não, do đó làm tổn thương một số vùng nhất định của não. Tùy vào vị trí tổn thương não bộ mà có những ảnh hưởng đến những chức năng nhận thức khác nhau.
2.5 Nhiễm trùng não
Nhiễm trùng cũng có thể gây rối loạn nhận thức. Cả vi khuẩn và vi rút (ví dụ: vi rút gây bệnh dại) đều có thể làm rối loạn chức năng não. Một trong những dạng nhiễm trùng não phổ biến nhất là viêm màng não. Viêm màng não có thể gây điếc, các dạng suy giảm nhận thức khác và trong trường hợp nặng có thể tử vong.
2.6 Người tiếp xúc chất độc thần kinh
Tiếp xúc nhiều lần hoặc đáng kể với các hóa chất độc hại như kim loại (ví dụ: chì, thủy ngân), ma túy (ví dụ: cocaine, rượu) hoặc các chất khác (ví dụ: sơn, keo dán, v.v.) có thể gây suy giảm nhận thức. Loại suy giảm nhận thức do chất độc thần kinh tạo ra phụ thuộc vào loại chất độc, mức độ phơi nhiễm (lượng chất được đưa vào và trong bao lâu) và độ tuổi phơi nhiễm xảy ra. Thông thường, trẻ nhỏ tiếp xúc với chất độc thần kinh có nhiều khả năng bị rối loạn nhận thức (vì não của chúng đang phát triển nhanh hơn) so với người lớn.
2.7 Những người có nguy cơ thoái hoá não sớm
Những người thường xuyên chịu nhiều áp lực, hay lo lắng căng thẳng kéo dài, suy nghĩ nhiều và ngủ kém thường có nhiều nguy cơ thúc đẩy thoái hoá não bộ nhanh. Nghiên cứu cho thấy rằng với nhiều bệnh thoái hóa, chất xám và chất trắng trong não bị giảm đi và có sự khác biệt về thể tích ở một số bộ phận nhất định của não, cho thấy những thay đổi này ảnh hưởng đến sự tiến triển của suy giảm nhận thức.
2.8 Bệnh tâm thần
Một số tình trạng sức khỏe tâm thần có thể dẫn đến rối loạn nhận thức, chẳng hạn như tâm thần phân liệt, trầm cảm và rối loạn tăng động giảm chú ý. Những tình trạng này có thể gây suy giảm nhận thức liên quan đến trí nhớ, khả năng hiểu, sự tập trung và lập kế hoạch.
3. Cách nào ứng phó và dự phòng bệnh rối loạn nhận thức?
Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn nhận thức thần kinh, trong đó có cả yếu tố không thể thay đổi và yếu tố có thể thay đổi được. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh rối loạn nhận thức, bạn cần tích cực thực hiện các cách sau đây:
3.1 Chú ý đến chế độ ăn
Tiêu thụ nhiều cá béo, trái cây, rau quả có thể làm giảm nguy cơ rối loạn nhận thức. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy chế độ ăn nhiều cá có liên quan đến việc ít suy giảm nhận thức hơn và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Nghiên cứu cho thấy tiêu thụ trái cây và rau quả hàng ngày được phát hiện có liên quan đến việc giảm 28% nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ do mọi nguyên nhân.
Bên cạnh đó chế độ ăn giàu axit béo omega-3 cũng có lợi trong việc phòng ngừa rối loạn nhận thức. Axit béo omega-3 có nhiều trong các loại cá béo, dầu hạt cải, dầu hạt lanh và dầu óc chó.
3.2 Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ chất lượng có vai trò rất quan trọng đối với trí nhớ nhận thức cũng như sức khỏe của não bộ. Một giấc ngủ ngon sau ngày làm việc, học tập căng thẳng sẽ giúp cơ thể và bộ não của bạn được nghỉ ngơi thư giãn, làm chậm quá trình thoái hoá não bộ cũng như suy giảm nhận thức trí nhớ.
Hãy ngủ đủ từ 7-8 tiếng/ngày để bảo vệ sức khỏe não bộ. Để có một giấc ngủ ngon, bạn cần hạn chế sử dụng caffein, trà xanh và các chất kích thích trước khi đi ngủ. Bạn cũng cần hạn chế xem tivi, điện thoại, máy tính trước khi đi ngủ 1-2 tiếng để nâng cao chất lượng giấc ngủ hơn. Việc sử dụng tinh dầu thơm, nghe nhạc thư giãn, đọc vài trang sách hoặc tắm nước ấm cũng mang đến cảm giác thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ hơn.
3.3 Giảm căng thẳng, suy nghĩ quá mức
Khi bạn suy nghĩ, căng thẳng, lo lắng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến não bộ, từ đó làm thúc đẩy quá trình rối loạn nhận thức. Vì vậy, để phòng ngừa chứng rối loạn nhận thức thần kinh, bạn cần giữ tinh thần thoải mái, lạc quan vui vẻ, tích cực làm những điều mình yêu thích. Việc tập thiền và hít thở cũng giúp bạn thư giãn đầu óc và cải thiện tâm trạng.
3.4 Tránh xa thuốc lá, các chất kích thích
Thuốc lá và các chất kích thích làm suy giảm thể tích não bộ, bao gồm cả chất xám và chất trắng. Chúng sẽ làm giảm hoạt động của các tế bào não bộ, thúc đẩy quá trình suy giảm nhận thức và trí nhớ. Vì vậy, việc cai thuốc lá và các chất kích thích cũng như tránh xa khói thuốc lá sẽ giúp bạn phòng ngừa thoái hoá não bộ, rối loạn nhận thức và suy giảm trí nhớ
3.5 Tăng cường tập luyện thể thực
Tập luyện thể lực thể thao có vai trò rất quan trọng trong phòng ngừa rối loạn nhận thức cũng như nhiều bệnh lý não bộ khác. Tập thể dục làm tăng cường quá trình trao đổi chất, tăng lượng oxy đưa vào cơ thể cũng như tăng cường lượng máu lưu thông tới não bộ. Từ đó sẽ giúp bạn phòng ngừa suy giảm nhận thức và trí nhớ.
Các nghiên cứu đã chứng minh nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ do mạch máu thấp hơn khoảng 70-75% khi đi bộ, hoạt động thể chất vừa phải và hoạt động thể chất toàn diện. Nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ được điều chỉnh thấp hơn gần 40% ở những người tập thể dục ít nhất ba lần một tuần.
3.6 Tích cực tương tác xã hội
Các nghiên cứu đã chứng minh, những người thường xuyên giao tiếp, hoạt động tương với với xã hội có nguy cơ rối loạn nhận thức ít hơn so với người ít hoạt động. Vì vậy, bạn hãy tích cực trò chuyện cùng người thân bạn bè, tham gia các hội nhóm từ thiện hoặc các câu lạc bộ về sở thích của bản thân.
Bài viết đã giúp bạn tìm hiểu được tại sao lại bị rối loạn nhận thức cũng như các cách phòng bệnh. Việc chủ động nâng cao sức khỏe não bộ, phòng ngừa chấn thương não bộ sẽ giúp bạn phòng ngừa rối loạn nhận thức và nhiều bệnh lý thần kinh khác.
Nguồn: health.harvard.edu – ncbi.nlm.nih.gov
Bài viết của: Trần Thị Thuý Hiếu