Bệnh Graves là một bệnh lý tự miễn dịch ảnh hưởng đến tuyến giáp, một tuyến nằm ở vùng cổ. Mặc dù có thể xảy ra ở mọi đối tượng và mọi độ tuổi, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn vào sau.
1. Bệnh Graves là gì?
Bệnh Graves là một bệnh lý tự miễn dịch tác động đến chức năng của tuyến giáp. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây cường giáp, một tình trạng mà tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone thyroxine (T4). Sự tăng sản xuất này kích hoạt quá trình trao đổi chất, khiến cơ thể sản sinh năng lượng vượt quá nhu cầu cơ thể.
Bệnh Graves xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào tuyến giáp, thúc đẩy hoạt động quá mức và sản xuất quá nhiều thyroxine. Những mức hormone thừa này gây ra sự rối loạn trong các quá trình sinh lý bình thường của cơ thể, dẫn đến các triệu chứng của bệnh. Các yếu tố nguy cơ bao gồm di truyền có tiền sử gia đình mắc bệnh và hệ miễn dịch suy yếu do các bệnh lý khác.
2. Các triệu chứng và biến chứng của bệnh Graves
Các triệu chứng và biến chứng của bệnh Graves có thể đa dạng và mức độ nghiêm trọng khác nhau tùy thuộc vào từng người. Những dấu hiệu thông thường bao gồm sụt cân, mất ngủ, cảm giác không thoải mái, tăng tiết mồ hôi, run tay, nhạy cảm với nhiệt, cảm giác thèm ăn tăng cao, mệt mỏi, đánh trống ngực, yếu cơ, sưng cổ và bệnh Graves ở mắt (mắt lồi).
Thường thấy nhất là giảm cân và nhịp tim nhanh là những dấu hiệu ban đầu của bệnh Graves. Cảm giác thèm ăn và khó ngủ thường đi kèm với các triệu chứng này. Mắt lồi, sưng quanh mắt, đỏ và ngứa mắt cũng là những biểu hiện phổ biến khác.
Nếu không được điều trị kịp thời, các triệu chứng của bệnh Graves có thể nghiêm trọng hơn và dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như phì đại tuyến giáp (bướu cổ), nhịp tim bất thường, loãng xương, bão tuyến giáp (bùng phát nghiêm trọng), vô sinh và vấn đề về mắt Graves.
Các thay đổi về cảm xúc như thay đổi tâm trạng và trầm cảm cũng có thể xảy ra với những người mắc bệnh Graves. Việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế sớm là rất quan trọng nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào.
3. Ai dễ mắc bệnh Graves
Các đối tượng dễ mắc bệnh Graves bao gồm những nhân tố sau đây:
- Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp.
- Những người thường xuyên gặp căng thẳng.
- Những người mắc các bệnh tự miễn dịch khác như tiểu đường loại 1 hoặc viêm khớp dạng thấp.
- Các yếu tố di truyền, ví dụ như có người trong gia đình mắc bệnh Graves, cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho cá nhân đó.
Ngoài ra, hút thuốc và tiếp xúc với bức xạ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh Graves. Các yếu tố khác như căng thẳng, sử dụng một số loại thuốc, tuổi tác và tiếp xúc với độc tố môi trường cũng có thể đóng vai trò trong việc phát triển bệnh.
Việc nhận biết bất kỳ thay đổi nào trong cơ thể là rất quan trọng để có thể tìm kiếm chăm sóc y tế kịp thời nếu có nghi ngờ về bệnh Graves.
4. Bệnh Graves được chẩn đoán và điều trị như nào?
Bệnh Graves được chẩn đoán và điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Ban đầu, bác sĩ của bạn sẽ tiến hành kiểm tra thể chất để tìm kiếm các dấu hiệu như phì đại tuyến giáp và lấy tiền sử bệnh chi tiết để loại trừ các bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự.
Bạn có thể được yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu để đo mức độ hormone tuyến giáp trong cơ thể và các xét nghiệm hình ảnh để đánh giá kích thước và hình dạng của tuyến giáp. Điều trị bệnh Graves thường bao gồm sử dụng các loại thuốc để giảm sản xuất hormone tuyến giáp hoặc điều trị bằng i-ốt phóng xạ để phá hủy tế bào sản xuất hormone của tuyến giáp.
Trong một số trường hợp, phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp có thể được đề xuất. Thay đổi lối sống như ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên cũng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Điều quan trọng là giảm căng thẳng để ngăn ngừa bùng phát các triệu chứng.
Bệnh Graves là một rối loạn tự miễn dịch nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp và các cơ quan khác trong cơ thể. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng lâu dài. Do đó, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên là rất quan trọng để phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Nguồn: Driphydration.com
Bài viết của: Đinh Thị Hải Yến