Thủy ngân là 1 kim loại nặng tồn tại ở dạng lỏng, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ công nghiệp đến y tế. Tuy nhiên ít người biết rằng thủy ngân là 1 chất cực độc, có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu tiếp xúc hoặc hấp thụ vượt ngưỡng cho phép. Vậy nhiễm độc thủy ngân hàm lượng bao nhiêu thì nguy hiểm và chúng ta cần lưu ý gì để bảo vệ sức khỏe của mình?
1. Nhiễm độc thủy ngân hàm lượng bao nhiêu thì gây độc?
Thực tế, không có một ngưỡng an toàn tuyệt đối nào cho việc hấp thụ thủy ngân. Ngay cả một lượng nhỏ cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu. Tuy nhiên, hàm lượng thủy ngân gây độc sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại thủy ngân, đường tiếp xúc, thời gian phơi nhiễm và cơ địa của mỗi người.
Loại thuỷ ngân | Đặc điểm |
Thuỷ ngân hữu cơ (Methylmercury) | Là thủy ngân kết hợp với các hợp chất chứa carbon. Đây là dạng thủy ngân hữu cơ độc hại nhất, thường được tìm thấy trong hải sản. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hấp thụ methylmercury với liều lượng 0.4-0.7 microgam/kg thể trọng/ngày có thể gây ra các triệu chứng nhiễm độc như run tay, mất phối hợp động tác, suy giảm thị lực và thính lực. |
Thủy ngân nguyên tố | Là một chất lỏng màu bạc, không mùi, bay hơi chậm ở nhiệt độ phòng và trở thành hơi. Thường có trong nhiệt kế, bóng đèn huỳnh quang. Hít phải hơi thủy ngân với nồng độ 20 microgam/m3 không khí trong thời gian dài có thể gây tổn thương phổi, thận và hệ thần kinh. |
Các hợp chất thủy ngân vô cơ | Là thủy ngân kết hợp với các nguyên tố hóa học khác như clo, lưu huỳnh hoặc oxy, thường có trong các sản phẩm công nghiệp và thuốc trừ sâu. Tiếp xúc với các hợp chất này với lượng lớn có thể gây ra nhiễm độc cấp tính với các biểu hiện như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, tổn thương thận hay thậm chí tử vong. |
2. Các trường hợp nào dễ bị nhiễm độc thuỷ ngân
Nhiễm độc thủy ngân có thể xảy ra với bất kỳ ai, tuy nhiên, có những nhóm người có nguy cơ cao hơn do đặc thù công việc hoặc thói quen sinh hoạt:
- Người tiêu thụ nhiều hải sản: Cá biển lớn như cá thu, cá kiếm, cá ngừ… có thể chứa hàm lượng methylmercury cao do tích tụ qua chuỗi thức ăn.
- Người làm việc trong các ngành công nghiệp liên quan đến thủy ngân: Như sản xuất nhiệt kế, bóng đèn huỳnh quang, khai thác mỏ thủy ngân, nha khoa…
- Người sống gần các khu vực ô nhiễm thủy ngân: Như khu vực khai thác vàng, các nhà máy nhiệt điện than…
Các phương pháp được chấp nhận phổ biến nhất để đánh giá phơi nhiễm thủy ngân là xét nghiệm nước tiểu hoặc máu. Cả 2 xét nghiệm thường đo mức thủy ngân tổng (nguyên tố, vô cơ và hữu cơ).
- Nồng độ thủy ngân cao trong nước tiểu thường chỉ ra việc tiếp xúc với nguồn thủy ngân nguyên tố hoặc vô cơ, chẳng hạn như từ một công việc sử dụng thủy ngân.
- Nồng độ thủy ngân cao trong máu thường chỉ ra việc tiếp xúc với thủy ngân hữu cơ (chẳng hạn như từ việc ăn cá có chứa methylmercury) hoặc tiếp xúc gần đây với hơi thủy ngân nguyên tố ở mức độ cao. Đối với hầu hết mọi người, nồng độ thủy ngân trong máu cao liên quan đến việc ăn cá và hải sản có chứa thủy ngân hữu cơ.
3. Cần lưu ý gì để tránh nhiễm độc thuỷ ngân?
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, chúng ta cần lưu ý một số điểm sau:
- Hạn chế tiêu thụ các loại cá biển lớn: Nên ưu tiên chọn ăn các loại cá nhỏ, ít tích tụ thủy ngân như cá hồi, cá trích, cá mòi…
- Thận trọng khi sử dụng các sản phẩm chứa thủy ngân: Không nên tự ý đập vỡ nhiệt kế thủy ngân, thay thế bóng đèn huỳnh quang bằng đèn LED…
- Nếu làm việc trong môi trường có nguy cơ phơi nhiễm thủy ngân: Cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn lao động, sử dụng đồ bảo hộ và khám sức khỏe định kỳ.
- Khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc thủy ngân: Như mệt mỏi, run rẩy tay chân, đau đầu, rối loạn cảm giác… bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Bài viết trên đã chia sẻ nhiễm độc thủy ngân hàm lượng bao nhiêu thì ảnh hưởng tới sức khoẻ. Nhiễm độc kim loại này là một vấn đề đáng lo ngại, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh và giảm thiểu nguy cơ bằng cách hiểu rõ về các nguồn phơi nhiễm, mức độ an toàn và các biện pháp phòng ngừa. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân trước tác hại của thủy ngân.
Nguồn: who.int – health.ny.gov – medlatec.vn
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My