Hiện nay trong một số ngành sản xuất công nghiệp cũng như trong đời sống sinh hoạt khá, việc đốt than củi khá phổ biến. Điều này có thể khiến những người thường xuyên tiếp xúc với than đốt bị ngộ độc khí than và gây ra những ảnh hưởng nguy hiểm đối với sức khỏe. Vậy khi bị nhiễm độc khí than phải làm sao?
1. Nhiễm độc khí than là gì? Vì sao nó xảy ra?
Nhiễm độc khí than hay ngộ độc khí than là tình trạng ngộ khí cacbon monoxit (CO) sản sinh trong quá trình đốt than củi, than hoa. Tình trạng này có thể gặp trong một số ngành công nghiệp sản xuất sử dụng than đốt như ngành điện, ngành sản xuất xi măng, gang thép, sản xuất giấy và một số ngành khác. Bên cạnh đó, ngộ độc khí than cũng có thể xảy ra trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Ngộ độc khí than thường xảy ra vào mùa đông, khi con người sử dụng than củi để đốt sưởi ấm trong phòng kín hoặc không gian chật hẹp. Thông thường, việc đốt than trong không gian rộng rãi, thoáng mát sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ ngộ độc khí than. Những người đốt than củi trong phòng kín hoặc không gian hẹp sẽ khiến cho lượng khí oxy trong phòng bị đốt cháy hết, sản sinh ra khí CO không mùi, không vị. Vì vậy, con người thường không nhận biết được rằng mình đang hít phải khí CO, đặc biệt là những người ngủ say.
Ngoài ra, những người làm việc ở lò đốt, lò luyện than, buồng đốt và những nơi có nhiều CO cũng có khả năng bị nhiễm độc cao.
2. Hậu quả của nhiễm độc khí than?
Khi bị nhiễm độc khí than, nồng độ khí CO sẽ tăng nhanh trong cơ thể làm giảm nồng độ O2 của cơ thể. Bên cạnh đó, khả năng kết hợp của khí CO với hemoglobin rất lớn. Hemoglobin có vai trò vận chuyển O2 từ phổi đến các tế bào vào các cơ quan. Khi khí CO tăng cường liên kết với hemoglobin, sẽ làm giảm khả năng vận chuyển oxy đến các tế bào và cơ quan trong cơ thể. Điều này gây tổn thương nhiều cơ quan, đặc biệt là những cơ quan cần nhiều oxy như tim và não bộ.
Các triệu chứng ngộ độc khí than giai đoạn đầu thường thoáng qua và không đặc hiệu.
Trường hợp nhiễm độc khí than mức độ nhẹ thường cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn ói.
Trường hợp nhiễm độc khí than mức độ vừa thường có triệu chứng khó thở, đau tức ngực, nhìn mờ, khó tập trung, mạch nhanh, thở nhanh, hoại tử cơ, thất điều vận động.
Trường hợp nhiễm độc khí than mức độ nặng: thường thấy khó thở nhiều, đau tức ngực ngực, rối loạn nhịp tim, hồi hộp đánh trống ngực, thiếu máu cơ tim, tụt huyết áp, rối loạn đại tiểu tiện, hôn mê, co giật. Có thể tím tái, tím vùng môi và đầu chi kèm khó thở, thở trào bọt hồng do thiếu oxy máu.
Tổn thương não bộ dẫn đến các di chứng tâm thần kinh thường gặp ở nhiều trường hợp ngộ độc CO. Các triệu chứng bao gồm rối loạn vận động, liệt nửa người, đi đứng cử động khó khăn, run tay chân, suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung. Những biểu hiện này chiếm tới 40% trường hợp nạn nhân bị ngộ độc khí CO, được gọi là hội chứng thần kinh – tâm thần muộn.
3. Cách giảm hậu quả do nhiễm độc khí than
Vậy khi có người nghi ngờ bị nhiễm độc khí than phải làm sao? Bạn cần nhanh chóng mở rộng các cửa để làm thông thoáng phòng, di chuyển người bệnh ra nơi thoáng khí và tiến hành hô hấp nhân tạo. Sau đó lập tức đưa bệnh nhân đến cấp cứu ở các cơ sở y tế gần nhất.
Để giảm hậu quả do nhiễm độc khí than, tuyệt đối không đốt than, củi trong phòng kín hoặc không gian hẹp. Ở những nơi làm việc như lò đốt, lò luyện kim, lò gạch, xưởng máy thường có khí CO, cần phải được đo nồng độ CO định kỳ và đảm bảo cho nồng độ CO không vượt quá ngưỡng cho phép.
Như vậy, nhiễm độc khí than là một tình trạng nhiễm độc phổ biến do quá trình đốt than, củi gây ra. Tình trạng này có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí có thể tử vong. Vì vậy, việc hạn chế đốt than củi trong phòng kín và đảm bảo an toàn trong quá trình lao động là điều cần thiết để phòng ngừa ngộ độc khí than.
Bài viết của: Trần Thị Thuý Hiếu