Benzen là một chất hóa học được tìm thấy trong các sản phẩm làm từ than, dầu mỏ, chất bôi trơn, cao su và nhựa. Bệnh nhiễm độc benzen nghề nghiệp là bệnh lý liên quan đến việc tiếp xúc lâu dài hoặc thường xuyên với benzen trong môi trường làm việc. Nhiễm độc benzen có thể gây hại cho da, mắt, phổi, hệ thần kinh trung ương cũng như sức khỏe về lâu dài.
1. Bệnh nhiễm độc benzen nghề nghiệp là bệnh gì?
Benzen là chất lỏng không màu, dễ cháy và bốc hơi nhanh vào không khí. Benzen đã được chứng minh là có thể gây tổn thương da, mắt, đường hô hấp, phổi và hệ thần kinh.
Nhiễm độc benzen nghề nghiệp là tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng do tiếp xúc thường xuyên và lâu dài với benzen trong môi trường làm việc. Khả năng mắc bệnh nhiễm độc benzen nghề nghiệp sẽ phụ thuộc vào liều lượng, thời gian và công việc đang thực hiện.
Với thời gian phơi nhiễm từ dưới 5 năm đến hơn 30 năm, nhiều cá nhân đã mắc bệnh bạch cầu và tử vong. Phơi nhiễm lâu dài với benzen có thể ảnh hưởng đến tủy xương và quá trình sản xuất máu trong cơ thể. Phơi nhiễm thời gian ngắn với nồng độ benzen cao có thể gây chóng mặt, buồn ngủ, bất tỉnh và thậm chí là tử vong.
Tiếp xúc ngắn hạn với benzen có thể gây ra các triệu chứng cấp tính, bao gồm:
- Hệ thần kinh trung ương: Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, lú lẫn hoặc mất trí nhớ tạm thời và co giật trong trường hợp nghiêm trọng.
- Hệ hô hấp: Khó thở, ho, kích thích mũi và họng.
- Hệ tiêu hóa: Buồn nôn, nôn mửa và đau bụng.
- Hệ tuần hoàn: Nhịp tim không đều.
- Da và mặt: Kích thích da và mắt gây đỏ, ngứa hoặc rát.
Tiếp xúc dài hạn với benzen có thể gây ra các triệu chứng mãn tính và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Hệ huyết học: Thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu và mất chức năng tủy xương.
- Ung thư: Bệnh bạch cầu, đặc biệt là bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính.
- Hệ miễn dịch: Suy giảm miễn dịch khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng.
- Các hệ thống khác: Tổn thương gan, thận và hệ thống sinh sản có thể gây vô sinh hoặc sảy thai.
Việc nhận biết và chẩn đoán sớm các triệu chứng của bệnh nhiễm độc benzen là rất quan trọng để điều trị và phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Nếu bạn hoặc những người xung quanh có nguy cơ nhiễm độc benzen, thì nên tìm kiếm sự tư vấn y tế ngay lập tức và thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết trong môi trường làm việc.
2. Ai có nguy cơ mắc bệnh nhiễm độc benzen nghề nghiệp?
Benzen được tìm thấy trong các sản phẩm được làm từ than và dầu mỏ. Chất bôi trơn, nhựa, cao su, thuốc nhuộm và các hóa chất khác có thể được sản xuất bằng benzen.
Do đó, một số những đối tượng lao động có nguy cơ mắc bệnh nhiễm độc benzen nghề nghiệp, bao gồm:
- Công nhân trong các nhà máy hóa chất: Sử dụng benzen như một nguyên liệu hoặc dung môi trong quá trình sản xuất.
- Công nhân trong ngành lọc dầu và sản xuất xăng dầu: Tiếp xúc với hơi benzen trong quá trình sản xuất, vận chuyển và lưu trữ xăng dầu.
- Công nhân sản xuất và xử lý nhựa cao su: Tiếp xúc với benzen trong quá trình xử lý, đúc khuôn và sản xuất các sản phẩm từ nhựa và cao su.
- Công nhân sản xuất mực in và sơn: Tiếp xúc với hơi benzen trong quá trình pha chế và sử dụng các sản phẩm này.
- Nhân viên phòng thí nghiệm: Tiếp xúc với benzen qua việc thao tác và xử lý các mẫu chất chứa benzen.
- Công nhân xây dựng và bảo trì đường ống dẫn dầu: Làm việc trong việc lắp đặt, bảo trì và sửa chữa các đường ống dẫn dầu, nơi benzen có thể tồn tại trong các sản phẩm dầu mỏ.
- Công nhân sản xuất dược phẩm: Làm việc trong ngành công nghiệp dược phẩm, nơi benzen có thể được sử dụng như một dung môi trong quá trình sản xuất các hợp chất dược phẩm.
Việc hiểu rõ và nhận biết các nguy cơ này là rất quan trọng để thực hiện các biện pháp bảo vệ và phòng ngừa nhiễm độc benzen. Công nhân làm việc trong các ngành nghề có nguy cơ cao nên được đào tạo về an toàn lao động, sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân, đồng thời thực hiện những biện pháp giảm thiểu tiếp xúc với benzen trong quá trình làm việc.
3. Phải làm gì khi mắc bệnh nhiễm độc benzen nghề nghiệp?
Khi mắc bệnh nhiễm độc benzen nghề nghiệp, bạn cần thực hiện một số biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu các tác động tiêu cực, bao gồm:
3.1 Loại bỏ tiếp xúc với benzen
Bạn cần ngừng làm việc trong môi trường có benzen ngay lập tức nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc. Đồng thời, báo cáo tình hình sức khỏe cho bộ phận an toàn lao động để được xử trí kịp thời.
3.2 Tìm kiếm sự giúp đỡ của y tế
Tìm kiếm sự chăm sóc y tế chuyên nghiệp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đánh giá mức độ nhiễm độc và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Bạn cũng cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe, đồng thời phát hiện sớm các biến chứng.
3.3 Điều trị triệu chứng và bệnh lý liên quan
Bạn có thể sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để giảm bớt các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, thiếu máu và các vấn đề về máu khác.
Nếu phát hiện các bệnh lý nghiêm trọng như thiếu máu, giảm bạch cầu, hoặc bệnh bạch cầu, bạn cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và theo dõi sức khỏe chặt chẽ.
3.4 Điều trị hỗ trợ
Người bệnh mắc bệnh nhiễm độc benzen nghề nghiệp cần duy trì một số biện pháp sau để hỗ trợ quá trình phục hồi và cải thiện sức khỏe, bao gồm:
- Chế độ ăn uống cân bằng: Người bệnh cần đảm bảo tiêu thụ đủ lượng rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại protein như thịt gà, cá, đậu và sữa. Đồng thời, giảm tiêu thụ chất béo bão hòa và đường để giúp duy trì cân nặng và hỗ trợ sức khỏe.
- Tập thể dục đều đặn: Các bài tập như aerobic nhẹ nhàng, đi bộ, đạp xe, tập yoga hoặc bơi lội có thể giúp người bệnh nâng cao sức khỏe tổng thể.
- Giảm căng thẳng: Người bệnh có thể giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng bằng cách thực hành thiền định, tập yoga hoặc tham gia các hoạt động giải trí yêu thích.
3.5 Phòng ngừa tái nhiễm độc
Trong quá trình làm việc bạn cũng cần thực hiện những biện pháp phòng ngừa tái nhiễm độc, bao gồm:
- Sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân: Đeo mặt nạ phòng độc, găng tay và quần áo bảo hộ khi làm việc trong môi trường có benzen.
- Cải thiện thông gió: Đảm bảo không gian làm việc có hệ thống thông gió tốt để giảm nồng độ benzen trong không khí.
- Giáo dục và đào tạo: Nâng cao nhận thức về nguy cơ và biện pháp phòng ngừa nhiễm độc benzen thông qua các chương trình đào tạo và giáo dục an toàn lao động.
Trên đây là những thông tin về bệnh nhiễm độc benzen nghề nghiệp là gì và cách xử trí khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh. Bệnh benzen nghề nghiệp thường xảy ra ở những người làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với benzen. Khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh nhiễm độc benzen nghề nghiệp bạn cần ngừng tiếp xúc với benzen ngay lập tức và tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ. Đồng thời, cũng cần nâng cao sức khỏe bằng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và kết hợp với giải pháp thải độc cơ thể.
Nguồn: cdc.gov
Bài viết của: Chu Yến Nhi