Ngủ sau khi ăn có béo không? Đây là một câu hỏi mà nhiều người quan tâm, đặc biệt với những ai đang cố gắng duy trì cân nặng hoặc thực hiện quá trình giảm cân. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng thói quen này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa mà còn có thể góp phần vào việc tích tụ mỡ thừa và gây ra các vấn đề về sức khỏe.
1. Ăn xong đi ngủ luôn có gây béo không? Vì sao?
Ngủ sau khi ăn có béo không? Việc ăn xong rồi đi ngủ ngay có thể ảnh hưởng đến cân nặng và gây béo phì do một số lý do:
- Quá trình tiêu hóa và chuyển hóa năng lượng. Khi ăn, cơ thể cần thời gian để tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Nếu bạn đi ngủ ngay sau khi ăn, quá trình này có thể bị gián đoạn. Các nghiên cứu cho thấy rằng thời gian giữa bữa ăn tối và giấc ngủ có mối liên hệ với chỉ số khối cơ thể (BMI). Những người có khoảng cách giữa bữa ăn tối và giấc ngủ ngắn hơn thường có chỉ số BMI cao hơn.
- Chuyển hóa chất béo và tích tụ năng lượng dư thừa. Cơ thể chúng ta đốt cháy ít calo hơn khi nghỉ ngơi so với khi hoạt động. Do đó, nếu ăn xong đi ngủ luôn, năng lượng từ thức ăn có thể không được tiêu thụ hoàn toàn và có khả năng được lưu trữ dưới dạng mỡ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian đi ngủ ngay sau bữa ăn tối có thể làm tăng nguy cơ béo phì và các vấn đề liên quan đến chuyển hóa, như hội chứng chuyển hóa.
- Ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Việc tiêu hóa thức ăn đòi hỏi năng lượng và có thể gây khó chịu cho dạ dày, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng ăn uống không đúng giờ, đặc biệt là ăn tối muộn làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và dẫn đến rối loạn giấc ngủ, từ đó ảnh hưởng đến cân nặng.
- Điều chỉnh hormone. Insulin và ghrelin điều chỉnh cảm giác đói và no, và chúng bị ảnh hưởng bởi thời gian ăn và giấc ngủ. Minh chứng từ nghiên cứu cho thấy rằng thiếu ngủ hoặc giấc ngủ không đều đặn có thể làm tăng mức ghrelin (hormone gây đói) và giảm mức leptin (hormone gây nổ), từ đó làm tăng cảm giác thèm ăn và nguy cơ tăng cân.

Ăn xong đi ngủ có béo phì không? Dựa vào những giải thích ở trên cho thấy việc ngủ ngay sau khi ăn có thể khiến cơ thể béo phì nhanh chóng. Vì vậy để cải thiện tình trạng này cần quan tâm đến thời gian ngủ và một vài vấn đề liên quan đến lựa chọn, bữa ăn, thói quen sinh hoạt…
Ngoài ra, ăn xong đi ngủ luôn còn gây ra các ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ và tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây: Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD), chất lượng giấc ngủ kém, rối loạn tiêu hóa, tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, rối loạn hormone…
2. Nên ngủ sau khi ăn bao lâu?
Ăn xong đi ngủ luôn sẽ không phù hợp với những người đang thực hiện quá trình giảm cân hay những người mong muốn có một thân hình thon gọn. Để tối ưu hóa quá trình tiêu hóa và giảm nguy cơ tăng cân, nên ngủ sau khi ăn ít nhất 2-3 giờ.
Lý do nên thực hiện thời gian ngủ như trên được giải thích thông qua các yếu tố sau:
- Quá trình tiêu hóa hoàn thiện. Thức ăn cần thời gian để tiêu hóa hoàn toàn trong dạ dày và ruột trước khi cơ thể có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng. Khi bạn nằm xuống ngay sau khi ăn, quá trình này có thể bị gián đoạn và gây ra các vấn đề tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc ợ nóng.
- Kiểm soát cân nặng. Nếu ăn xong đi ngủ luôn, cơ thể sẽ ít đốt cháy calo hơn trong khi nghỉ ngơi so với khi bạn hoạt động. Điều này có thể dẫn đến tích tụ năng lượng dư thừa dưới dạng mỡ. Nghiên cứu cho thấy rằng có một khoảng cách thời gian giữa bữa ăn tối và giấc ngủ dài hơn có liên quan đến giảm nguy cơ béo phì và các vấn đề liên quan đến chuyển hóa.
- Chất lượng giấc ngủ. Khi tiêu hóa thức ăn, cơ thể sử dụng năng lượng và có thể gây khó chịu cho dạ dày, làm gián đoạn giấc ngủ. Một khoảng thời gian đủ dài giữa bữa ăn và giấc ngủ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Minh chứng từ nghiên cứu cho thấy rằng ăn tối muộn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ và gây rối loạn giấc ngủ.

3. Các điểm cần lưu ý
Dưới đây là các điểm cần lưu ý để duy trì sức khỏe tiêu hóa tốt và kiểm soát cân nặng hiệu quả khi cân nhắc thời gian ăn và ngủ:
- Thời gian giữa bữa ăn và giấc ngủ. Nên chú ý đến khoảng thời gian giữa các bữa ăn cũng như khoảng cách lúc ăn và lúc ngủ. Nên có ít nhất 2-3 giờ giữa bữa ăn cuối cùng và giấc ngủ để đảm bảo quá trình tiêu hóa diễn ra hoàn chỉnh.
- Lựa chọn thực phẩm. Nên lựa chọn các loại thực phẩm dễ tiêu hoá để giảm áp lực cho dạ dày và các cơ quan khác trong cơ thể. Trước khi đi ngủ, chọn các thực phẩm dễ tiêu như rau củ, trái cây, và protein nhẹ. Bên cạnh đó, cũng nên tránh các loại thực phẩm khó tiêu gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá. Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều chất béo, đường, hoặc cay nóng vì chúng có thể gây khó tiêu và làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày.
- Chất lượng giấc ngủ: Tạo môi trường ngủ yên tĩnh, thoải mái và không bị ánh sáng hoặc tiếng ồn làm phiền. Đồng thời cố gắng duy trì thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời gian mỗi ngày để giúp cơ thể điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ.
- Hoạt động nhẹ sau bữa ăn: Sau bữa ăn, hãy đi bộ nhẹ nhàng khoảng 10-15 phút để giúp tiêu hóa tốt hơn và tránh tình trạng trào ngược dạ dày. Tránh vận động mạnh sau khi ăn vì có thể làm căng dạ dày và gây khó chịu.
- Lượng thức ăn: Tránh ăn quá nhiều vào bữa tối. Ăn lượng vừa phải giúp cơ thể dễ tiêu hóa và không tạo áp lực quá lớn lên dạ dày.
- Thức uống: Uống nước đủ trong ngày nhưng tránh uống quá nhiều nước ngay trước khi đi ngủ để tránh tiểu đêm. Không nên uống các loại cà phê, trà, và đồ uống có cồn trước khi đi ngủ vì chúng có thể làm gián đoạn giấc ngủ.
- Điều chỉnh thói quen ăn uống: Ăn chậm, nhai kỹ giúp giảm áp lực lên hệ tiêu hóa và giúp cơ thể hấp thụ dưỡng chất tốt hơn. Bên cạnh đó cố gắng ăn đúng giờ và duy trì thói quen ăn uống đều đặn để cơ thể có thể thích nghi và hoạt động hiệu quả hơn.
- Theo dõi cơ thể: Theo dõi phản ứng của cơ thể sau khi ăn và điều chỉnh thói quen ăn uống nếu cảm thấy khó chịu hoặc gặp vấn đề tiêu hóa. Nếu gặp vấn đề về tiêu hóa hoặc cân nặng, hãy tư vấn bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được lời khuyên và hỗ trợ chuyên môn.
Tóm lại, để tránh tăng cân và bảo vệ sức khỏe tiêu hóa, hãy đợi ít nhất 2-3 giờ sau bữa ăn trước khi đi ngủ. Việc duy trì thói quen này không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm nguy cơ mắc các vấn đề tiêu hóa.
Nguồn: bearaby.com – share.upmc.com – livestrong.com
Bài viết của: Vũ Thị Quỳnh Chi