Tiểu đường là một trong số các căn bệnh mãn tính chưa có phương thức điều trị dứt điểm. Người bị tiểu đường trên toàn thế giới đều có nguy cơ gặp các biến chứng như lở loét hay các vấn đề về gan thận, tim mạch dẫn đến tử vong. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến hậu quả của bệnh tiểu đường và một số phương pháp giúp nâng cao sức khỏe cho người bệnh.
1. Hiểu thế nào là bệnh tiểu đường?
Tiểu đường là tình trạng suy giảm sản xuất insulin và thay đổi độ nhạy cảm insulin ở ngoại vi, dẫn đến tình trạng cơ thể không tự điều chỉnh nồng độ glucose trong máu được.
Các triệu chứng ban đầu liên quan đến việc tăng glucose trong máu bao gồm người bệnh cảm thấy khát nhiều, uống nước nhiều, tiểu nhiều và bị tình trạng nhìn mờ mắt. Các biến chứng muộn của bệnh tiểu đường bao gồm bệnh lý mạch máu, bệnh thần kinh ngoại vi, bệnh thận. Đặc biệt, người bị tiểu đường còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Chẩn đoán bệnh được thực hiện thông qua việc đo lượng glucose trong huyết tương.
Hiện nay, có nhiều phương pháp giúp hạn chế biến chứng tiểu đường và giúp người bệnh có thể duy sức khỏe hàng ngày đó là ăn kiêng, tập thể dục, sử dụng các loại thuốc insulin để hỗ trợ ổn định đường huyết. Quan trọng là việc kiểm soát đường huyết tốt có thể giúp trì hoãn hoặc phòng ngừa các biến chứng; bệnh lý tim mạch là nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường.
2. Bệnh tiểu đường nguy hiểm thế nào? Những biến chứng bệnh tiểu đường cần lưu ý
Theo Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế (IDF), hiện nay trên thế giới cứ mỗi 6 giây có 1 người tử vong do bệnh tiểu đường, tương đương với 5 triệu ca tử vong mỗi năm. Trong mỗi 11 người thì có 1 người mắc bệnh tiểu đường, tức là khoảng 415 triệu người. Trong mỗi 7 ca sinh thì có 1 ca bị ảnh hưởng bởi tiểu đường thai kỳ.
Các nhà khoa học dự đoán đến năm 2040, số người mắc bệnh tiểu đường sẽ tăng lên khoảng 642 triệu người trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Bộ Y tế thống kê rằng trong 10 năm qua, số bệnh nhân tiểu đường đã tăng 211%, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có tốc độ gia tăng bệnh nhân tiểu đường nhanh nhất thế giới. Có thể nói rằng, suy giảm sức khỏe vì bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể đem lại nhiều biến chứng nguy hiểm dẫn tới tử vong. Dưới đây là một số hậu quả bệnh tiểu đường nghiêm trọng mà bạn đọc cần lưu ý.
2.1. Tiểu đường và nguy cơ bệnh tim
Một trong những hậu quả của bệnh tiểu đường đó là gây ra các biến chứng trên tim mạch của người bệnh, điều này được chứng minh là có thể gây đột quỵ. Khi một người mắc bệnh tiểu đường, nồng độ đường trong máu duy trì ở mức cao trong thời gian dài có thể gây tổn thương cho các mạch máu.
Quá trình tổn thương này liên quan đến các biến đổi trong cấu trúc và chức năng của mạch máu, chẳng hạn như xơ vữa động mạch và giảm khả năng tự sửa chữa của các tế bào nội mô. Những biến đổi này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bao gồm nhồi máu cơ tim và đột quỵ
2.2. Bệnh võng mạc do tiểu đường
Hậu quả của bệnh tiểu đường có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng, bao gồm việc tổn thương võng mạc, hay còn gọi là bệnh võng mạc tiểu đường. Nguyên nhân của bệnh võng mạc đái tháo đường là do lượng đường trong máu quá cao, dẫn đến tổn thương các mạch máu nhỏ (mao mạch) nuôi dưỡng võng mạc. Các mao mạch này giãn ra, cho phép máu, dịch, mỡ và các chất khác thấm qua thành mao mạch, gây ra phù võng mạc. Khi phù xảy ra ở hoàng điểm, thị lực sẽ bị giảm sút.
2.3. Lở, loét, tổn thương thần kinh ở bàn chân
Biến chứng bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương dây thần kinh ở bàn chân người bệnh. Ở một số bệnh nhân, các biến chứng nặng của tiểu đường có thể dẫn tới việc người bệnh phải cắt bỏ chi nếu không điều trị kịp thời.
Bên cạnh tổn thương thần kinh ở bàn chân, tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến việc truyền tải thông tin giữa não và các bộ phận khác trong cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến khả năng nhìn, nghe, cảm nhận và di chuyển của chúng ta.
2.4. Nguy cơ bệnh thận do hậu quả của bệnh tiểu đường
Bên cạnh các bệnh lý liên quan đến thần kinh, biến chứng bệnh tiểu đường còn có thể gây ra suy thận, tổn thương thận trong thời gian dài.
2.5. Các rối loạn chức năng tình dục ở người bị tiểu đường
Hậu quả của bệnh tiểu đường lên các hoạt động tình dục ở người bệnh là hoàn toàn đáng ghi nhận. Theo nhiều khảo sát, tổn thương mạch máu và dây thần kinh do lượng đường trong máu cao có thể làm giảm lượng máu đến cơ quan sinh dục, dẫn đến mất cảm giác và khó bị kích thích tình dục hơn, có thể gây giảm ham muốn ở cả nam lẫn nữ.
Ngoài ra, suy giảm sức khỏe vì bệnh tiểu đường gây rối loạn chức năng cương dương. Ngoài ra, người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị tưa miệng và nhiễm trùng đường tiết niệu.
2.6. Các nguy cơ sức khỏe liên quan đến hậu quả của bệnh tiểu đường
Bên cạnh các bệnh mãn tính liên quan đến biến chứng bệnh tiểu đường, người bệnh cũng dễ phải đối mặt với một số yếu tố nguy cơ sau.
- Viêm nướu do tiểu đường, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm nha chu
- Nguy cơ mắc một số loại ung thư (vú, ruột già, thực quản,…)
3. Cải thiện sức khỏe cho người bị tiểu đường
Khi chẩn đoán một người mắc bệnh tiểu đường, chắc chắn các bác sĩ sẽ kê thuốc để ổn định hàm lượng đường huyết, bên cạnh đó, việc thực hiện một lối sống lành mạnh cũng giúp cho bạn có được sức khỏe tốt và tránh các biến chứng.
Nhiều người bị tiểu đường nhưng nhờ thực hiện lối sống lành mạnh và tuân thủ các nguyên tắc điều trị của bác sĩ nên vẫn có thể tận hưởng cuộc sống một cách bình thường và sống thọ đến 80,90 tuổi.
3.1. Quản lý mức đường huyết thông qua việc xét nghiệm
Giữ HbA1c trong phạm vi mục tiêu là rất quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng. Nếu lượng đường trong máu tăng, hãy thảo luận với bác sĩ để điều chỉnh phương pháp điều trị nhằm đưa HbA1c trở lại mục tiêu.
3.2. Bỏ thuốc lá
Hút thuốc gây khó khăn cho lưu thông máu đến các cơ quan như tim và chân. Việc dừng hút thuốc là quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng. Bác sĩ gia đình và nhóm điều trị bệnh tiểu đường có thể hỗ trợ bạn cai thuốc lá.
3.3. Thực hiện một chế độ ăn lành mạnh
Để hạn chế các hậu quả của bệnh tiểu đường, việc áp dụng các thực đơn ăn uống lành mạnh là điều vô cùng cần thiết. Bạn nên chọn thực phẩm lành mạnh giúp giảm cân, giảm chỉ số HbA1c theo hướng dẫn từ bác sĩ.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát huyết áp và giảm cholesterol cũng là điều nên thực hiện từ khâu dinh dưỡng. Hãy gặp chuyên gia dinh dưỡng để được trợ giúp thêm về việc ăn uống lành mạnh.
3.4. Nên tiến hành thăm khám định kỳ với bác sĩ của bạn
Bác sĩ cá nhân sẽ là một trong những người theo dõi sát sao sức khỏe cho bạn nếu như bạn bị tiểu đường. Do đó, hãy đi khám bệnh theo lịch hẹn của họ để được theo dõi tình trạng đường huyết ổn định hay không nhé.
Trên đây là những thông tin quan trọng đến cho bạn đọc về hậu quả của bệnh tiểu đường hiện nay. Bên cạnh việc tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh cũng có thể tham khảo thêm các biện pháp tăng cường sức khỏe và xây dựng lối sống lành mạnh để giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
Tài liệu tham khảo: Webmd.com, Healthline.com, Diabetes.org.uk, Betterhealth.vic.gov.au
Bài viết của: Trần Thanh Liêm