Trầm cảm là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi và phổ biến hơn với người già do rất nhiều nguyên nhân. Vậy có cách nào để dự phòng và giảm trầm cảm ở người lớn tuổi hay không?
1. Trầm cảm ở người già vì sao phổ biến?
Trầm cảm là một loại rối loạn tâm thần phổ biến, dấu hiệu đặc trưng được thể hiện như buồn bã, mất hứng thú, cảm thấy tội lỗi hoặc tự đánh giá thấp giá trị của bản thân. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ ai và đối tượng nào, cho dù người đó là người già hay trẻ. Tuy nhiên, ngày nay bệnh đang có xu hướng phổ biến hơn ở những người già.
Bệnh trầm cảm người già ngày càng phổ biến hơn do họ là đối tượng dễ rơi vào trạng thái biệt lập, họ cũng cảm thấy khó có thể diễn tả những cảm xúc, tâm tư suy nghĩ của mình thành lời nói. Chính vì thế, những người thân xung quanh cũng khó có thể nhận biết được những dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, bệnh trầm cảm ở người già đôi lúc khiến họ trở nên cáu kỉnh, lo lắng, buồn rầu, ưu tư.
Một số khác thì cho rằng, mình đã già và trở nên vô dụng nên họ có thể biểu đạt về sự không thỏa mãn với cuộc sống hiện tại. Họ dễ cáu kỉnh, nhưng cũng dễ buồn và dễ khóc và thường xuyên tự trách bản thân mình.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác khiến bệnh trầm cảm người già ngày càng gia tăng là do họ có thể gặp một số những sự kiện làm đảo lộn cuộc sống như: về hưu, mất tài sản, chia ly, con cái hư hỏng, thay đổi nơi sống,… Bên cạnh đó còn một số yếu tố là do di truyền, sinh hóa, sử dụng thuốc, rượu bia, thiếu hụt vitamin, mắc các bệnh lý,…
2. Có thể dự phòng bệnh trầm cảm ở người già không?
Bệnh trầm cảm ở người già gây ra nhiều hậu quả về tâm sinh lý, cũng như thể chất của người bệnh nên việc phòng ngừa bệnh từ sớm là rất quan trọng. Với nguồn kiến thức y khoa được cập nhật cùng sự phát triển của thế giới y học hiện nay thì bệnh trầm cảm ở người già hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Một số các biện pháp phòng ngừa được đề xuất như sau:
2.1. Thường xuyên hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất không chỉ giúp nâng cao sức khỏe thể chất cho người trẻ mà còn mang đến rất nhiều lợi ích cho những người lớn tuổi. Việc này chính là tiền đề quan trọng để xây dựng xương chắc khỏe, duy trì cân nặng khỏe mạnh, cũng như tăng cường sự cân bằng, tính linh hoạt và khả năng phối hợp.
Duy trì hoạt động tích cực giúp người già luôn khỏe mạnh và tỉnh táo, giúp tránh những suy nghĩ tiêu cực và trầm cảm. Hãy tham gia các bài tập thể chất nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, thiền, yoga,… Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia các bài tập rèn luyện sức bền – sức mạnh, thực hành các bài tập linh hoạt,… để giúp xương khớp linh hoạt, dẻo dai,…
2.2.Xây dựng thói quen ngủ đều đặn
Để phòng ngừa bệnh trầm cảm ở người già thì việc xây dựng thói quen ngủ đều đặn rất quan trọng. Tương tự như những người trẻ thì người lớn cần ngủ từ 7-9 tiếng. Hãy hình thành thói quen ngủ lành mạnh và thiết lập chu kỳ ngủ – thức đều đặn bằng cách:
- Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần hoặc ngày lễ.
- Tạo thói quen thư giãn trước khi đi ngủ để thư giãn và chuẩn bị cho giấc ngủ, chẳng hạn như tắm nước ấm hoặc đọc sách.
- Tránh sử dụng điện thoại, tivi, các thiết bị thông minh để tránh tiếp xúc với ánh sáng xanh.
2.3. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất
Để phòng ngừa và giảm bệnh trầm cảm ở người già thì việc duy trì chế độ dinh dưỡng tốt là cực kỳ quan trọng. Chúng giúp duy trì năng lượng, giảm cân và tránh các bệnh lý là nguyên nhân có thể gây ra trầm cảm.
Theo đó, để ngăn ngừa bệnh trầm cảm bằng chế độ ăn uống lành mạnh thì người già nên:
- Ăn thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng: Hãy đảm bảo chế độ dinh dưỡng có nhiều rau xanh, vitamin, cá giàu axit béo omega-3 và các loại hạt giàu protein, chất xơ và khoáng chất.
- Tránh thực phẩm giàu calo nhưng không có chất dinh dưỡng: Tránh xa đồ ăn ăn vặt, đồ ăn đã chế biến sẵn, đồ uống có đường như soda, nước ép trái cây, đồ chiên rán và đồ ăn nhanh, đồng thời hạn chế tối đa việc uống rượu.
- Chọn thực phẩm ít cholesterol và ít chất béo: Những loại thực phẩm này làm giảm tình trạng viêm, căng thẳng oxy hóa trong cơ thể. Do đó, hãy áp dụng chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và các loại đậu.
2.4. Uống đủ nước
Tất cả mọi người, đặc biệt là người cao tuổi nên uống nhiều nước, bởi nếu cơ thể bị thiếu nước có thể làm thay đổi tâm trạng, mệt mỏi và suy giảm nhận thức, từ đó có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm. Do đó hãy uống đủ nước, trung bình khoảng 8 cốc 1 ngày.
2.5. Tham gia các hoạt động xã hội
Tham gia các hoạt động xã hội có thể giúp người cao tuổi có một tâm lý thoải mái và tinh thần tốt nhất. Tuy rằng việc tham gia các hoạt động xã hội có thể khó khăn nhưng hãy cố gắng để họ có nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè, đây là một phương pháp phòng tránh bệnh trầm cảm ở người già vô cùng hữu ích.
Tại cộng đồng đó họ có thể được giao lưu, chia sẻ, trò chuyện, chơi trò chơi… điều này sẽ giải tỏa được những tâm lý căng thẳng, mệt mỏi,… giúp họ xóa tan được những muộn phiền, buồn bã,…
2.6. Duy trì thói quen yêu thích
Việc cùng nhau tham gia vào các hoạt động mà người thân yêu của bạn thấy có ý nghĩa có thể giúp họ cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tham gia các hoạt động kích thích tinh thần hoặc hoạt động thể chất có thể tác động tích cực đến trí nhớ và cải thiện khả năng tư duy. Vì vậy, trong khi người cao tuổi làm bất cứ điều gì họ thích, họ cũng có thể cải thiện trí nhớ và khả năng nhận thức.
3. Các điểm cần lưu ý khi dự phòng bệnh trầm cảm ở người già
Việc dự phòng bệnh trầm cảm từ sớm là rất quan trọng, tránh để lại những hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo đó, bạn cần chú ý:
- Nên dự phòng bệnh trầm cảm từ sớm, tránh những triệu chứng bệnh xuất hiện
- Khi thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh thì nên thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị
- Tuân thủ, áp dụng đúng các phương pháp phòng tránh được khuyến khích
- Người già nên học cách chia sẻ, tâm sự để những người thân hiểu rõ tâm lý và sức khỏe của mình
- Với người thân có người già mắc bệnh trầm cảm nên quan tâm, động viên và chia sẻ để thấu hiểu, thông cảm và giúp đỡ họ.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về việc dự phòng và giảm bệnh trầm cảm người già để từ đó biết cách phòng ngừa hiệu quả, tránh để bệnh xuất hiện, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Nguồn tham khảo: cedarhurstliving.com
Bài viết của: Lương Thị Bích Trâm