Cuộc sống vốn dĩ là một bức tranh muôn màu, nơi mỗi ngày đều mang đến những trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Thế nhưng, đôi khi, gam màu tươi sáng ấy bị thay thế bởi những mảng xám xịt của sự buồn chán, vô vị. Khi niềm vui không còn hiện hữu là lúc ta đối diện với tình trạng bị mất hứng thú với mọi thứ. Vậy điều gì đã khiến ta đánh mất đi niềm vui sống và có cách nào để khắc phục tình trạng này?
1. Mất hứng thú là bệnh gì và nguyên nhân xảy ra?
Mất hứng thú, hay còn gọi là “hội chứng Anhedonia”, không chỉ đơn thuần là cảm giác chán nản thoáng qua. Đây là một trạng thái tâm lý kéo dài, trong đó người bệnh mất đi khả năng cảm nhận niềm vui và hứng thú từ những hoạt động, sự kiện hoặc mối quan hệ mà trước đây họ từng yêu thích. Mất hứng thú có thể là một triệu chứng của nhiều bệnh lý tâm thần khác nhau, trong đó phổ biến nhất là trầm cảm.
Nguyên nhân gây mất hứng thú với cuộc sống:
- Trầm cảm: Trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây ra mất hứng thú. Khi mắc trầm cảm, não bộ sản xuất ít serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng giúp điều chỉnh tâm trạng và cảm xúc.
- Rối loạn lo âu: Lo âu kéo dài và căng thẳng quá mức cũng có thể làm giảm hứng thú với cuộc sống. Người bệnh thường xuyên lo lắng, sợ hãi và khó thư giãn, dẫn đến mất khả năng tận hưởng những điều tích cực.
- Rối loạn lưỡng cực: Trong giai đoạn trầm cảm của rối loạn lưỡng cực, người bệnh thường trải qua cảm giác mất hứng thú, buồn bã và tuyệt vọng.
- Các bệnh lý khác: Một số bệnh lý khác như Parkinson, Alzheimer, đa xơ cứng, ung thư, HIV/AIDS, suy giáp… cũng có thể gây ra mất hứng thú.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc hạ huyết áp… có thể gây ra mất hứng thú như một tác dụng phụ không mong muốn.
- Các yếu tố môi trường và lối sống: Căng thẳng kéo dài, mất ngủ, lạm dụng chất kích thích, cô đơn, thiếu sự hỗ trợ xã hội… cũng là những yếu tố nguy cơ gây mất hứng thú.
2. Mất hứng thú với cuộc sống có tác hại/ ảnh hưởng gì?
Mất hứng thú không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn tác động tiêu cực đến nhiều mặt của cuộc sống:
- Sức khỏe tinh thần: Mất hứng thú kéo dài làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, thậm chí có thể dẫn đến ý định tự tử.
- Sức khỏe thể chất: Mất hứng thú thường đi kèm với các vấn đề về giấc ngủ, ăn uống, giảm sức đề kháng, khiến cơ thể dễ mắc bệnh.
- Công việc và học tập: Tình trạng này làm giảm động lực, khả năng tập trung và sáng tạo, mất hứng thú trong công việc, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và học tập.
- Các mối quan hệ: Người mất hứng thú thường trở nên khép kín, ít giao tiếp, xa lánh mọi người, làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội.
- Chất lượng cuộc sống: Mất hứng thú khiến cuộc sống trở nên vô vị, mất đi niềm vui và ý nghĩa.
3. Phải làm gì khi bị mất hứng thú với cuộc sống?
Nếu bạn đang trải qua tình trạng mất hứng thú với mọi thứ, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ. Dưới đây là một số gợi ý có thể giúp bạn cải thiện tình trạng này:
- Tìm đến chuyên gia tâm lý: Đây là bước quan trọng nhất. Chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn xác định nguyên nhân gây mất hứng thú và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
- Hãy làm mọi thứ thật chậm rãi, theo từng bước nhỏ. Một số hoạt động mà bạn có thể làm bao gồm:
- Hoàn toàn nghỉ ngơi, thả lỏng cơ thể mà không cảm thấy tội lỗi.
- Đi dạo nhẹ nhàng, dù chỉ loanh quanh 5-10 phút.
- Gặp gỡ những người bạn thân thiết, những người mà bạn có thể thoải mái bộc lộ con người thật của mình.
- Thử làm những việc gì đó mới mà bạn chưa từng làm, ví dụ: đi xem xiếc, nhạc kịch, ăn 1 món ăn lạ miệng…
- Tham gia 1 lớp học âm nhạc hoặc nghệ thuật trị liệu, ví dụ như: vẽ tranh, làm thiệp, nặn gốm…
- Cố gắng vận động mỗi ngày. Nếu cảm thấy quá sức bạn có thể thử các bài tập giãn cơ (stretch), yin yoga giúp thư giãn.
- Chia các nhiệm vụ lớn thành những đầu việc nhỏ hơn để bạn cảm thấy mình đã hoàn thành được việc gì đó.
- Tự thưởng cho bản thân mỗi khi hoàn thành một hoạt động.
- Ngủ đủ giấc mỗi đêm.
Nguồn: webmd.com – betterhelp.com – verywellmind.com – healthline.com
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My