Ngộ độc thạch tín (asen) là vấn đề sức khỏe toàn cầu ảnh hưởng đến hàng triệu người. Ô nhiễm do asen từ các nguồn địa chất tự nhiên ngấm vào tầng chứa nước, làm ô nhiễm nước uống và cũng có thể xảy ra từ khai thác mỏ và sản xuất công nghiệp. Cùng tìm hiểu dấu hiệu nhiễm độc thạch tín mãn tính để chủ động có cách phòng tránh hiệu quả.
1. Nhiễm độc thạch tín mãn tính là gì?
Con người bị nhiễm độc thạch tín do hít phải, hấp thụ qua da và chủ yếu là do uống phải. Ví dụ, nước uống bị ô nhiễm chứa nhiều thạch tín.
Nhiễm độc thạch tín mãn tính là tình trạng tích tụ thạch tín trong cơ thể trong thời gian dài. Asen tích tụ trong gan, thận, tim và phổi và một lượng nhỏ hơn trong cơ, hệ thần kinh, đường tiêu hóa và lá lách. Mặc dù hầu hết asen được đào thải khỏi những nơi này, nhưng lượng còn lại vẫn nằm trong các mô giàu keratin, móng tay, tóc và da. Sau khoảng hai tuần tiêu thụ, asen sẽ lắng đọng trong tóc và móng tay.
2. Dấu hiệu nhiễm độc thạch tín mãn tính là gì?
Bị nhiễm độc thạch tín (asen) lâu dài dẫn đến bệnh đa cơ quan và hậu quả nghiêm trọng nhất là bệnh ác tính. Các đặc điểm lâm sàng của ngộ độc asen khác nhau giữa các cá nhân, nhóm dân cư và khu vực địa lý. Ở những người bị nhiễm độc asen mãn tính, thường có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau. Bệnh khởi phát âm thầm với các triệu chứng không đặc hiệu như đau bụng, tiêu chảy và đau họng. Các dấu hiệu nhiễm độc thạch tín mãn tính xảy ra ở các cơ quan trong cơ thể bao gồm:
2.1 Da
Nhiều thay đổi về da xảy ra khi tiếp xúc lâu dài. Những dấu hiệu nhiễm độc thạch tín ở da thường gặp và xuất hiện sớm bao gồm tăng sắc tố, dày sừng lòng bàn tay. Dày sừng da có thể xuất hiện dưới dạng dày đồng đều hoặc dưới dạng các nốt rời rạc.
Tăng sắc tố do nhiễm độc thạch tín mãn tính xảy ra dưới dạng các đốm nâu sẫm lan tỏa, hoặc da sẫm màu lan tỏa ít hơn, hoặc có hình dạng “giọt mưa” đặc trưng. Bệnh ung thư da liên quan đến asen không phổ biến ở người châu Á và có thể liên quan đến sắc tố da, hàm lượng melanin trong da cao và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều. Asen có thể gây ra ung thư biểu mô tế bào đáy ở vùng da không có sắc tố melanin.
2.2 Hệ tiêu hóa
Mặc dù tiêu chảy là triệu chứng chính và khởi phát sớm trong ngộ độc asen cấp tính, nhưng trong nhiễm độc mãn tính, tiêu chảy xảy ra theo từng đợt tái phát và có thể liên quan đến nôn mửa. Vì vậy, các triệu chứng tiêu hoá ở người bị nhiễm độc thạch tín mãn tính không đặc trưng.
Bạn nên nghi ngờ về việc nhiễm độc thạch tín mạn tính nếu có các biểu hiện khác như thay đổi da và bệnh lý thần kinh ngoại biên. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy ở người bị nhiễm độc thạch tín có nguy cơ mắc bệnh xơ gan cao hơn.
2.3 Hệ tim mạch
Nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên được báo cáo ở các công nhân nhà máy luyện kim do tiếp xúc với asen. Trong một nghiên cứu ở Hoa Kỳ tỷ lệ tử vong do bệnh tim tăng huyết áp xảy ra sau phơi nhiễm asen tăng đáng kể ở cả nam và nữ.
Một số nghiên cứu khác cho thấy có mối liên hệ giữa bệnh tim thiếu máu cục bộ và phơi nhiễm asen lâu dài. Asen gây tổn thương cơ tim trực tiếp, gây rối loạn nhịp tim và bệnh cơ tim.
2.4 Hệ thần kinh
Hệ thống thần kinh là mục tiêu chính chịu tác động độc hại của một số kim loại, đặc biệt là các kim loại nặng như thủy ngân, chì và asen. Các ảnh hưởng lên thần kinh của asen rất nhiều và đa dạng. Phát hiện thường gặp nhất là bệnh lý thần kinh ngoại biên giống hội chứng Guillain-Barré với các dấu hiệu điện cơ tương tự.
2.5 Hệ thống sinh dục
Nghiên cứu cũng báo cáo cho thấy ở những người bị nhiễm độc thạch tín, tỷ lệ tử vong do viêm thận và ung thư tuyến tiền liệt tăng lên. Một số báo cáo cho thấy hàm lượng asen cao trong nước uống từ giếng có liên quan đến ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp của bàng quang, thận, niệu quản và tất cả các bệnh ung thư niệu đạo ở cả nam và nữ, và ung thư biểu mô tuyến bàng quang ở nam giới.
2.6 Hệ hô hấp
Tình trạng khó thở và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là các dấu hiệu nhiễm độc thạch tín thường gặp. Các nghiên cứu cho thấy bệnh hô hấp phổ biến hơn ở những bệnh nhân có tổn thương da đặc trưng do ngộ độc asen mãn tính.
2.7 Bệnh ác tính
Mối quan hệ giữa asen và bệnh ác tính đang ngày càng được quan tâm vì hàng triệu người có thể là nạn nhân. Một số nghiên cứu cho thấy, asen có liên quan đến ung thư da, phổi, gan, thận và bàng quang.
Các cơ chế, mặc dù chưa được xác định đầy đủ, có thể có tác động bất lợi đến việc sửa chữa DNA, quá trình methyl hóa DNA và tăng sự hình thành gốc tự do cũng như kích hoạt protooncogene c-myc. Asen có thể hoạt động như chất đồng gây ung thư, chất kích thích khối u hoặc chất làm phát triển khối u trong một số trường hợp nhất định.
3. Làm gì để thải độc thạch tín trong cơ thể?
Hiện tại không có phương pháp điều trị nào có lợi ích đã được chứng minh để điều trị nhiễm độc thạch tín mãn tính. Các phương án điều trị được đề xuất là bổ sung vitamin, khoáng chất và liệu pháp chống oxy hóa.
Ngoài ra, một số phương pháp thải độc thạch tín bằng chất tạo phức cũng được đưa ra. Các tác nhân tạo phức như dimercaprol (BAL), axit dimercaptosuccinic (DMSA) và axit dimercaptopanesulfonic (DMPS) được sử dụng trong điều trị nhiễm độc thạch tín mãn tính.
Có thể thấy hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như tiếp xúc với các chất thải công nghiệp khiến nguy cơ nhiễm độc ngày một tăng lên, trong đó có nhiễm độc thạch tín.
Như vậy, nhiễm độc thạch tín mạn tính gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng lên nhiều cơ quan trong cơ thể. Việc chủ động phòng ngừa phơi nhiễm thạch tín cũng như thường xuyên thải độc cho cơ thể là biện pháp quan trọng giúp bạn phòng bệnh và nâng cao sức khoẻ.
Bài viết của: Trần Thị Thuý Hiếu