Khi cơ thể thiếu nước, hoạt động của các cơ quan sẽ thay đổi dẫn đến các triệu chứng bất thường. Khi đó, chúng ta có thể đã gặp phải tình trạng gọi là mất nước. Và khi thời tiết chuyển nóng dần lên nhu cầu cấp nước càng nhiều, đặc biệt với những người đang hoạt động ngoài trời.
Một điều đáng chú ý là khi cơ thể thiếu nước, biểu hiện của cơ thể sẽ không đơn giản chỉ là khát nước. Vậy cơ thể mất nước là như thế nào, có nguy hiểm không, các triệu chứng khác ra sao?… Tất cả sẽ được giải đáp thông qua nội dung chi tiết bên dưới đây. Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Cao Quốc Hưng – Giám đốc Y khoa của Drip Hydration.
Cơ thể thiếu nước là gì?
Cơ thể con người nước chiếm khoảng 75% trong tế bào, giữa các tế bào, trong mạch máu… Lượng nước cần thiết mỗi ngày của 1 người không giống nhau. Trung bình một người trưởng thành cần uống 2 lít nước mỗi ngày. Mỗi ngày, lượng nước trong cơ thể bị mất đi qua đường mồ hôi, nước mắt, nước bọt, tiểu tiện,… Thông thường, lượng nước này sẽ được chúng ta bù đắp qua đường ăn uống. Hiện tượng cơ thể thiếu nước (mất nước) là tình trạng cơ thể sử dụng hoặc mất nhiều nước hơn lượng nước được nạp vào.
Do đó, nếu lượng nước thiếu hụt không được bù đắp đủ thì cơ thể chúng ta sẽ rơi vào trạng thái mất nước. Thiếu nước khiến các cơ quan trong cơ thể không thể thực hiện các hoạt động, chức năng bình thường của chúng. Từ đó, các triệu chứng sẽ xuất hiện từ nhẹ đến nặng, thậm chí tử vong.
Mức độ thiếu nước trong cơ thể
Thiếu nước mức độ nhẹ
Dù nhẹ nhưng tình trạng cơ thể mất nước vẫn gây cảm giác khó chịu. Bạn sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, uể oải, đau đầu, chóng mặt, táo bón, thay đổi tâm trạng, cáu gắt, tăng lo lắng, chuột rút, đau khớp. Ngoài ra, nhan sắc của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ khi cơ thể thiếu nước khiến mắt trũng sâu, da nhăn nheo.
Thiếu nước mức độ trầm trọng
Cơ thể cần 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày. Nếu bạn tập thể dục, lượng nước bạn cần sẽ nhiều hơn. Bạn nên uống nước ngay cả khi không khát để đảm bảo cung cấp đủ lượng nước đã mất. Vì tình trạng cơ thể mất nước kéo dài có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng cần điều trị tại bệnh viện như sốt, tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, mê sảng, bất tỉnh, tiêu chảy nặng hoặc nôn mửa.
Nguyên nhân cơ thể thiếu nước
Hai nhóm nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất nước trong cơ thể là do không cung cấp đủ nước và mất nước quá nhiều.
Do không cung cấp đủ nước cho cơ thể. Đây có thể là những nguyên nhân rất quen thuộc trong cuộc sống sinh hoạt. Ví dụ, bạn có thể không uống đủ nước vì quá bận hoặc bị bệnh. Bạn không muốn uống nước do viêm họng, loét miệng, bệnh dạ dày,… Hay đơn giản là bạn không mang theo nước sạch khi tham gia hoạt động ngoài trời như leo núi, cắm trại, v.v.
Nguyên nhân do mất nước quá nhiều:
- Tiêu chảy hoặc nôn mửa: có thể gây mất nước và điện giải trong thời gian ngắn. Tiêu chảy cũng là nguyên nhân hàng đầu làm cơ thể bị mất nước và tử vong, đặc biệt ở trẻ em và người già.
- Sốt: Sốt càng cao, cơ thể mất nước càng nhanh.
- Ra nhiều mồ hôi: do các hoạt động thể chất, đặc biệt là các hoạt động ngoài trời. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng cũng góp phần khiến cơ thể thiếu nước nếu bạn không bổ sung lượng nước phù hợp.
- Đi tiểu thường xuyên: nếu bạn có thói quen đi tiểu nhiều lần, điều này có thể dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu nước. Đi tiểu thường xuyên có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý. Đó có thể là bệnh tiểu đường, bệnh đái tháo nhạt. Thuốc cũng có thể gây đi tiểu nhiều lần như thuốc lợi tiểu, một số loại thuốc hạ huyết áp, thuốc chống loạn thần, v.v.
- Bỏng: tình trạng này làm tổn thương mạch máu, khiến chất lỏng từ lòng mạch chảy ra ngoài mô xung quanh. Gây ra mất nước trong cơ thể.
Dấu hiệu cơ thể mất nước
Những biểu hiện của tình trạng mất nước trong cơ thể rất dễ nhận thấy là khát, giảm lượng nước tiểu hoặc nước tiểu sậm màu. Bình thường nước tiểu vàng trong, khi thiếu nước lượng nước tiểu thường ít đi và màu sẫm hơn. Đặc biệt bạn không cảm thấy khát trong khi cơ thể đã thật sự mất nước. Những dấu hiệu tinh tế để nhận ra tình trạng thiếu nước trong cơ thể gồm có:
Ở trẻ em:
- Khô miệng và khô lưỡi.
- Khóc không có nước mắt.
- Tã của trẻ không ướt sau mỗi 3 giờ.
- Mắt trũng, má trũng.
- Trẻ kích thích, nặng hơn có thể lừ đừ.
Ở người lớn:
- Khô miệng.
- Ngủ gà, lơ mơ.
- Yếu cơ.
- Sốt / ớn lạnh.
- Hoa mắt, chóng mặt.
Các triệu chứng nặng hơn khi mất 10 – 15% tổng lượng nước trong cơ thể gồm: không chảy mồ hôi, mắt trũng, da khô hoặc nhăn nheo. Bên cạnh đó còn có huyết áp thấp, nhịp tim tăng, sốt, mê sảng, mất ý thức.
Cơ thể bị mất nước có nguy hiểm không?
- Quá trình trao đổi chất chậm lại: Khi cơ thể thiếu nước, quá trình trao đổi chất trong cơ thể bị chậm lại, khả năng đào thải và giải độc cũng bị ức chế. Một nghiên cứu cho thấy uống đủ nước giúp tăng tỷ lệ trao đổi chất lên 30%, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
- Làm tăng cảm giác đói: Khi cơ thể mất nước, dù ở mức độ nhẹ, cơ thể vẫn phải vật lộn với cơn đói, khiến bạn ăn khi không cần thiết. Điều này chắc chắn sẽ khiến bạn tăng cân không mong muốn.
- Tăng nhiệt độ cơ thể: Khi thiếu nước, cơ thể sẽ có cách riêng để thông báo cho bạn về tình trạng này. Đó có thể là sự tăng hoặc giảm nhiệt độ bất thường.
- Vấn đề tiêu hóa: Thường gặp là tình trạng táo bón. Có thể nó sẽ trở thành mãn tính. Và tất nhiên, cơ thể thiếu nước hoàn toàn không liên quan đến vấn đề cân nặng hay giảm cân.
- Mệt mỏi: Đây là cảm giác tỷ lệ thuận với tình trạng thiếu nước của cơ thể. Nếu mất nước ở mức độ nhẹ và vừa, bạn sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, không thể (hoặc không muốn) tập thể dục và không thể tập trung được. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến học tập hay công việc của bạn.
- Tăng lượng đường huyết: Cơ thể bạn cần nước để pha loãng hay tiêu hóa đường. Nếu bạn bị tiểu đường kèm theo cơ thể thiếu nước thì sẽ đặc biệt nguy hiểm.
Giải pháp bù nước tại nhà
- Đối với trẻ nhỏ: Có thể pha dung dịch tại nhà từ nước, đường, muối. Cho trẻ uống từng thìa (khoảng 5ml) cứ sau 1 đến 5 phút cho đến khi trẻ không cần nữa. Trẻ em nếu không thể uống hoặc còn rất nhỏ có thể cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
- Đối với người lớn: Các trường hợp mất nước nhẹ đến trung bình có thể được bù nước bằng cách uống nhiều nước hoặc các chất lỏng khác. Chú ý khi bị tiêu chảy nên hạn chế uống nước trái cây, nước ngọt vì chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này. Tránh các đồ uống có chứa cafein như cà phê, trà, soda… Khi bù nước bằng đường uống không thành công, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được bù dịch qua đường tĩnh mạch.
Một trong những phương pháp tốt, nhanh chóng và an toàn nhất là liệu pháp truyền cấp nước Dehydration ngay tại nhà. Truyền cấp nước bổ sung nhanh chất điện giải, bù nước, khoáng ở cấp độ tế bào, phù hợp với điều trị chống mất nước cấp tính và mãn tính.
Biện pháp phòng tránh tình trạng cơ thể thiếu nước
- Uống đủ nước, ăn thức ăn chứa nhiều nước, nhất là vào mùa hè. Các chuyên gia khuyên không nên đợi đến khi cơ thể phát tín hiệu khát mới uống nước. Nên uống thành từng ngụm nhỏ, đều đặn. Khi thời tiết không quá nóng, nước ấm là sự lựa chọn tốt hơn cho cơ thể bạn.
- Bổ sung nhiều nước hơn bình thường khi bị tiêu chảy, nôn mửa.
- Bạn làm công việc nặng nhọc, đặc biệt nếu ở ngoài trời thì nên uống nước trước và trong khi làm việc. Có thể đánh giá cơ thể đủ nước nếu nước tiểu loãng, có màu vàng trong.
- Khi thời tiết chuyển lạnh bạn cũng cần bổ sung nước vì lúc này không khí thường khô hơn dẫn đến cơ thể bị mất nước qua hơi ẩm.
- Người cao tuổi mắc các bệnh nhẹ như cảm lạnh, viêm phế quản, nhiễm trùng bàng quang nên uống nhiều nước hơn bình thường dù chưa xuất hiện các triệu chứng mất nước.
Cơ thể thiếu nước trong một số trường hợp có thể đe dọa đến tính mạng như huyết áp thấp, sốc nhiệt,… cũng như gây ra nhiều biến chứng đáng lo ngại khác. Vì vậy, điều quan trọng nhất là uống đủ nước, đặc biệt khi bạn hoạt động nặng trong điều kiện nắng nóng. Đồng thời, cần chú ý các dấu hiệu mất nước sớm ở các đối tượng có nguy cơ như trẻ em, người già để kịp thời điều trị.
Bài viết của: Trần Ngọc Huy