Tình trạng trầm cảm người cao tuổi ngày càng trở nên phổ biến. Nguyên nhân có thể là do người lớn tuổi gặp các vấn đề về sức khỏe, tâm lý tuổi già khiến cho nguy cơ mắc bệnh gia tăng. Do đó, cần đặc biệt cảnh giác với bệnh trầm cảm người cao tuổi.
1. Người cao tuổi có nguy cơ trầm cảm cao như thế nào?
Theo ước tính có khoảng 80% người lớn tuổi mắc ít nhất một tình trạng sức khỏe mãn tính và 50% mắc hai bệnh trở lên. Trầm cảm phổ biến hơn ở những người mắc các bệnh khác như bệnh lý về tim mạch, ung thư hoặc những người có chức năng bị hạn chế.
Tình trạng trầm cảm người cao tuổi là một rối loạn tâm trạng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến cách cảm nhận, hành động và suy nghĩ. Trầm cảm người cao tuổi được xác định là do họ gặp phải các vấn đề sức khỏe như sau:
- Rối loạn trầm cảm nặng: Bao gồm các triệu chứng kéo dài ít nhất hai tuần làm cản trở khả năng thực hiện các công việc hàng ngày của một người
- Rối loạn trầm cảm dai dẳng: Là tình trạng tâm trạng chán nản kéo dài hơn hai năm, nhưng người bệnh vẫn có thể thực hiện các công việc hàng ngày, không giống như người mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng
- Rối loạn trầm cảm do chất/ thuốc gây ra: Tình trạng trầm cảm này có liên quan đến việc sử dụng chất gây nghiện, như rượu hoặc thuốc giảm đau
- Rối loạn trầm cảm do tình trạng bệnh lý: Tình trạng bệnh trầm cảm này có liên quan đến một bệnh lý khác như bệnh lý về tim mạch hoặc bệnh đa xơ cứng.
- Các dạng trầm cảm khác bao gồm trầm cảm tâm thần, trầm cảm sau mãn kinh và rối loạn cảm xúc theo mùa.
Tình trạng trầm cảm người cao tuổi có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong do bệnh tật cao hơn. Đồng thời, trầm cảm người cao tuổi cũng làm giảm khả năng phục hồi của người già. Triệu chứng trầm cảm người cao tuổi cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong sau cơn đau tim.
2. Vì sao người cao tuổi có nguy cơ cao bị trầm cảm?
Những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị trầm cảm người cao tuổi bao gồm:
- Nữ giới có tỷ lệ mắc trầm cảm người cao tuổi cao hơn so với nam giới
- Những người độc thân, chưa kết hôn, ly hôn hoặc góa bụa
- Những người già thiếu mạng xã hội hỗ trợ
- Cuộc sống căng thẳng
- Các tình trạng thể chất như đột quỵ, tăng huyết áp, rung tâm nhĩ, tiểu đường, ung thư, mất trí nhớ và đau mãn tính càng làm tăng nguy cơ trầm cảm
- Sử dụng một số loại thuốc hoặc sự kết hợp của các loại thuốc
- Những vấn đề liên quan đến hình ảnh cơ thể do cắt cụt chi, phẫu thuật ung thư hoặc đau tim
- Sự phụ thuộc, dù là nằm viện hay cần chăm sóc sức khỏe tại nhà
- Khuyết tật
- Tiền sử gia đình có người mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng
- Sống một mình, cách ly xã hội
- Gặp phải những cơn đau mãn tính hoặc nghiêm trọng
- Tiền sử trầm cảm trước đây
- Sự mất mát gần đây của một hay những người thân yêu
- Lạm dụng chất gây nghiện
Kết quả quét não của những người mắc bệnh trầm cảm người cao tuổi thường cho thấy những điểm trong não có thể không nhận được đủ lưu lượng máu, được cho là do huyết áp cao kéo dài nhiều năm. Những thay đổi hóa học trong các tế bào não này có thể làm tăng khả năng bị trầm cảm, tách biệt khỏi mọi căng thẳng trong cuộc sống.
3. Cách nào dự phòng để tránh bị trầm cảm ở tuổi già?
Hầu hết những người bị trầm cảm người cao tuổi cảm thấy rằng sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè, sự tham gia vào các nhóm tự lực và hỗ trợ cũng như liệu pháp tâm lý đều hữu ích. Cách dự phòng để tránh mắc bệnh trầm cảm ở người cao tuổi có thể bao gồm:
- Tham gia các hoạt động thể chất và duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh: Điều này có thể giúp tránh những căn bệnh gây ra tình trạng khuyết tật hoặc trầm cảm. Một số chế độ ăn kiêng có thể áp dụng để dự phòng nguy cơ trầm cảm người cao tuổi bao gồm chế độ ăn DASH ít natri.
- Đảm bảo chất lượng giấc ngủ: Ngủ trung bình từ 7 đến 9 giờ đồng hồ mỗi đêm giúp sức khỏe người cao tuổi được đảm bảo và nâng cao.
- Giữ liên lạc với bạn bè và những người thân trong gia đình.
- Tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao hoặc văn nghệ theo sở thích.
- Tâm sự với bạn bè, gia đình và bác sĩ khi bạn đang gặp phải các triệu chứng trầm cảm.
Tình trạng trầm cảm người cao tuổi, thậm chí trầm cảm nặng, có thể được điều trị. Điều quan trọng là phải tìm cách điều trị ngay khi bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu. Một số loại thuốc hoặc tình trạng bệnh lý đôi khi có thể gây ra các triệu chứng tương tự như trầm cảm. Bác sĩ có thể loại trừ những bệnh lý này thông qua khám sức khỏe, tìm hiểu về sức khỏe và tiền sử cá nhân cũng như các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Nếu bác sĩ nhận thấy không có tình trạng bệnh lý nào gây ra trầm cảm, bác sĩ có thể đề nghị đánh giá tâm lý và giới thiệu đến chuyên gia sức khỏe tâm thần như nhà tâm lý học để thực hiện bài kiểm tra này.
Nguồn: webmd.com – nia.nih.gov
Bài viết của: Ngô Thị Thảo Hiền