Viêm da dị ứng có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào và gây nhiều bất tiện cho cuộc sống người bệnh. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu về căn bệnh này cũng như các phương pháp điều trị viêm da dị ứng hiện nay.
1. Viêm da dị ứng là gì?
Viêm da dị ứng (eczema) là bệnh chàm cơ địa, còn gọi là chàm thể tạng. Mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm da dị ứng nhưng thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Khác với các bệnh da liễu, eczema không có tính lây lan. Tùy vào đặc điểm bệnh, viêm da dị ứng được phân thành 5 loại như sau:
- Viêm da dị ứng tiếp xúc: Xảy ra do hệ thống miễn dịch phản ứng với các yếu tố gây dị ứng như kim loại, mỹ phẩm, hóa chất, nọc độc côn trùng,…Bệnh thường tự khỏi sau 1 – 4 tuần.
- Viêm da dị ứng tiếp xúc bội nhiễm: Là tình trạng viêm da dị ứng thể nặng khiến các mụn nước vỡ ra tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Do có yếu tố bội nhiễm, da bị sưng, đỏ, ngứa, và đau rát. Bệnh có thể tái phát nhiều lần nếu không điều trị dứt điểm và nguy cơ biến chứng cao.
- Viêm da dị ứng thời tiết: Bệnh xảy ra do sự thay đổi thời tiết đột ngột, thường là thời điểm giao mùa hoặc mùa đông khi thời tiết lạnh lẽo và hanh khô.
- Viêm da dị ứng cơ địa: Thường gặp ở những người có gen dị ứng hoặc cơ địa dị ứng. Bệnh có tính chất di truyền nên rất khó kiểm soát và chữa khỏi hoàn toàn.
Triệu chứng của viêm da dị ứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Viêm da dị ứng khiến da khô ráp, nứt nẻ, phát ban, ngứa ngáy, nổi cục u nhỏ trên da màu nâu hoặc đen, da dày hơn, đóng vảy và rỉ nước. Bệnh thường khởi phát trước 5 tuổi và có thể kéo dài tới tuổi trưởng thành. Trong một vài trường hợp, bệnh khởi phát rồi tự khỏi sau một khoảng thời gian nhất định.
2. Cách điều trị viêm da dị ứng
Bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ da liễu nếu xuất hiện các triệu chứng sau:
- Các triệu chứng của viêm da dị ứng kể trên.
- Các triệu chứng gây khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ và hoạt động hàng ngày
- Xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng da như chảy mủ, đóng vảy vàng.
- Các triệu chứng không thuyên giảm mặc dù đã tiến hành biện pháp chăm sóc tại nhà.
Viêm da dị ứng được chẩn đoán thông qua các đánh giá lâm sàng, tổn thương da cũng như tiền sử phơi nhiễm. Nguyên tắc điều trị viêm da dị ứng tập trung vào các biện pháp chăm sóc hỗ trợ (chườm lạnh, băng gạc, thuốc chống histamine), tránh các dị nguyên gây bệnh và điều trị bằng corticosteroid dùng tại chỗ hoặc dạng uống. Bệnh có thể diễn ra dai dẳng và tái phát nhiều lần ngay cả khi điều trị thành công. Do đó, người bệnh cần thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau trong thời gian dài để kiểm soát bệnh.
2.1. Dùng thuốc
Hiện nay, có nhiều loại thuốc bôi da giúp người bệnh viêm da cơ địa kiểm soát tốt các cơn ngứa và phục hồi da hiệu quả. Thuốc được bào chế dưới dạng gel, kem hoặc thuốc mỡ. Người bệnh nên bôi thuốc theo chỉ dẫn trong tờ hướng dẫn sử dụng, hoặc hỏi ý kiến bác sĩ da liễu để sử dụng thuốc an toàn và đúng cách. Bạn nên bôi thuốc trước khi dưỡng ẩm để thuốc thẩm thấu vào da tốt hơn. Tuyệt đối không lạm dụng corticosteroid bôi ngoài da vì nguy cơ dẫn đến các tác dụng phụ nguy hiểm như mỏng da, hội chứng Cushing,…
Kem hoặc thuốc mỡ có thành phần calcineurin (tacrolimus, pimecrolimus) là cách trị viêm da dị ứng phù hợp cho bệnh nhân trên 2 tuổi. Người bệnh nên thoa kem trước khi dưỡng ẩm, thoa theo hướng dẫn sử dụng và tránh ánh nắng mặt trời.
Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng như bọng nước, mụn nước, triệu chứng lan tỏa khắp cơ thể, người bệnh có thể được chỉ định điều trị bằng kháng sinh hoặc corticosteroid dạng uống (prednisone 60 mg 1 lần/ngày trong 7 – 14 ngày), cyclosporine, methotrexate, mycophenolate, azathioprine. Những thuốc này không nên sử dụng lâu dài do các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra.
Bệnh nhân viêm da dị ứng mức độ trung bình – nặng không đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị khác có thể chuyển sang dùng thuốc sinh học đường tiêm như dupilumab, tralokinumab. Các nghiên cứu cho thấy nhóm thuốc sinh học an toàn và hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm da dị ứng. Dupilumab dành cho những bệnh nhân trên 6 tuổi. Tralokinumab dành cho người lớn từ 18 tuổi trở lên.
2.2. Quang trị liệu
Quang trị liệu là cách chữa viêm da dị ứng áp dụng cho bệnh nhân tái phát nhanh chóng hoặc không cải thiện sau khi chỉ định các phương pháp điều trị tại chỗ. Hình thức đơn giản nhất của quang trị liệu là phơi vùng da bị viêm dưới một lượng ánh sáng mặt trời tự nhiên có kiểm soát. Bên cạnh ánh sáng mặt trời, tia UVA nhân tạo hoặc UVB dải hẹp đơn sắc cũng cho hiệu quả tương tự. Phương pháp này có thể kết hợp với dùng thuốc để cho kết quả điều trị tốt hơn.
Mặc dù quang trị liệu cho kết quả điều trị viêm da dị ứng khá khả quan nhưng phương pháp này có thể gây lão hóa da sớm, tăng sắc tố da, tăng nguy cơ ung thư da nếu áp dụng dài hạn. Do đó, quang trị liệu thường không áp dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
3. Làm thế nào để bệnh không tái phát?
Như đã đề cập, viêm da dị ứng rất dễ tái phát nếu người bệnh không biết cách vệ sinh và chăm sóc da đúng cách. Để ngăn tình trạng này xảy ra, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Dưỡng ẩm cho da ít nhất 02 lần/ngày: Để làm mềm và ngăn ngừa tình trạng khô da, bạn nên tập dưỡng ẩm cho da ít nhất 02 lần một ngày. Kem dưỡng ẩm không nên chứa thuốc nhuộm, cồn, hương liệu và các chất gây kích ứng da. Sau khi thoa, hạn chế chạm vào da để kem thẩm thấu một cách tự nhiên trước khi mặc quần áo.
- Thoa kem chống ngứa vào vùng da bị ảnh hưởng: Bạn có thể dùng kem bôi OTC chứa ít nhất 1% hydrocortisone để tạm thời làm dịu cơn ngứa. Không nên bôi kem quá 02 lần/ngày và bôi kem trước khi dưỡng ẩm. Sau khi bớt ngứa, bạn có thể giảm tần suất sử dụng thuốc để ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
- Dùng thuốc chống dị ứng hoặc giảm ngứa đường uống: Bạn có thể sử dụng thuốc kháng histamine như cetirizine, fexofenadine, diphenhydramine để chống dị ứng và làm dịu các cơn ngứa. Tuy nhiên, nhóm histamin đời đầu này tác dụng lên thần kinh nên có thể gây buồn ngủ. Do đó, để tránh tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến học tập và làm việc, bạn nên dùng thuốc trước giờ đi ngủ.
- Hạn chế gãi: Khi bị ngứa, hãy ấn hoặc vỗ nhẹ vào da thay vì gãi. Nếu có thể, hãy che luôn vùng da bị ngứa và cắt móng tay để cơ thể quên đi cơn ngứa. Trẻ em có thể đi tất hoặc đeo găng tay vào ban đêm để tránh việc gãi ngứa làm tổn thương lên vùng da bị viêm.
- Tắm nước ấm mỗi ngày: Nên tắm bằng nước ấm, không tắm nước nóng vì nhiệt độ cao có thể khiến da bị khô hơn. Thời gian tắm nên tối đa 10 phút, lau khô da sau khi tắm và thoa kem dưỡng thể trong vòng ba phút khi da vẫn còn ẩm.
- Sử dụng sữa tắm, sữa rửa mặt nhẹ dịu cho da và không chứa xà phòng: Ưu tiên chọn sản phẩm không chứa thuốc nhuộm, chất kích ứng, cồn, hương liệu hoặc xà phòng Các chất này có thể rửa trôi lớp dầu tự nhiên trên da, khiến da bị tổn thương và trở nên thô ráp.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Không khí trong nhà khô, nóng có thể làm da nhạy cảm trở nên khô ráp, khiến tình trạng ngứa và bong tróc da trầm trọng hơn. Máy tạo độ ẩm gia đình di động là sự lựa chọn hoàn hảo để bổ sung độ ẩm cho không khí trong nhà, nhất là vào những ngày mùa đông hanh khô.
- Mặc quần áo mát mẻ, mịn màng: Tránh mặc quần áo bó hoặc thô ráp. Nên chọn quần áo mỏng nhẹ, thấm hút mồ hôi tốt khi tập thể dục hoặc khi tiết trời nắng nóng. Tránh sử dụng chất tẩy rửa mạnh và chất làm mềm vải trong quá trình giặt sấy.
- Điều trị căng thẳng và lo âu: Căng thẳng và các rối loạn cảm xúc khác có thể khiến tình trạng viêm da dị ứng trầm trọng thêm. Nhận thức được nguyên nhân gây nên căng thẳng – lo âu và thực hiện các biện pháp cải thiện sức khỏe cảm xúc cũng là một cách hiệu quả để giúp ích cho làn da của bạn.
Bài viết trên để cung cấp những thông tin đầy đủ và quan trọng về cách điều trị viêm da dị ứng. Nhìn chung, bệnh rất khó điều trị khỏi hoàn toàn do yếu tố di truyền và cơ chế gây bệnh chưa rõ. Do đó, người bệnh cần thực hiện các biện pháp chăm sóc da và dưỡng ẩm hàng ngày để làn da luôn khỏe mạnh, trẻ trung, tránh nguy cơ mắc bệnh eczema nói riêng và các bệnh da liễu nói chung.
Bên cạnh những phương pháp chăm sóc da truyền thống, liệu pháp Red IV Laser của Drip Hydration mang đến một giải pháp đột phá trong việc trẻ hóa và phục hồi làn da. Công nghệ laser đỏ tiên tiến này không chỉ tác động trực tiếp vào tế bào da, kích thích hoạt động của ty thể và tăng cường sản xuất năng lượng, mà còn thúc đẩy tuần hoàn máu, cung cấp oxy dồi dào cho các mô. Nhờ đó, quá trình viêm nhiễm và stress oxy hóa được giảm thiểu đáng kể, giúp làn da khỏe mạnh, tươi trẻ và giảm thiểu các vấn đề về da, bao gồm cả viêm da dị ứng.
Tài liệu tham khảo: mayoclinic.org – nhs.uk – niaid.nih.gov – msdmanuals.com – tamanhhospital.vn
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My