Người già là đối tượng dễ mắc bệnh do sức đề kháng suy giảm, quá trình lão hóa,… đặc biệt khi nhiễm bệnh họ cũng là đối tượng có nguy cơ tử vong cao hơn. Vậy có cách nào cải thiện suy giảm miễn dịch ở người già hay không?
1. Vì sao người già bị suy giảm miễn dịch?
Cũng như nhiều các cơ quan khác trong cơ thể, hệ miễn dịch của chúng ta cũng suy yếu theo tuổi tác. Người già có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và khi mắc bệnh thì mức độ cũng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, sự suy giảm miễn dịch có liên quan đến độ tuổi vào cơ chế gây bệnh rất khó xác định do một số nguyên nhân liên quan đến lão hóa.
Cụ thể, nguyên nhân khiến người già bị suy giảm miễn dịch được liệt kê như sau:
- Hệ miễn dịch suy giảm theo tuổi tác: Hệ miễn dịch giúp các sinh vật có thể phân biệt giữa bản thân và vô bản thân, đồng thời góp phần bảo vệ các tác nhân gây bệnh từ yếu tố môi trường. Khi hệ miễn dịch bị tổn thương có thể do bệnh lý nguyên phát hoặc do các bệnh thứ phát. Dù các yếu tố thứ phát do nguyên nhân từ môi trường nhưng cũng xuất phát từ nguyên nhân lão hóa – tức là tình trạng lão hóa miễn dịch, làm giảm sự hấp thu dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng. Vì vậy, những người già thường dễ mắc bệnh hơn so với những người trẻ.
- Tác động của tình trạng suy dinh dưỡng: Bên cạnh những thay đổi liên quan đến tình trạng lão hóa miễn dịch thì sự suy giảm miễn dịch ở người già còn bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng, điển hình là các loại vitamin và khoáng chất như canxi, kẽm, vitamin D và vitamin E – đây đều là các loại vitamin rất quan trọng với sức khỏe miễn dịch. Theo đó, nguy cơ thiếu hụt canxi sẽ tăng lên ở người cao tuổi do quá trình lão hóa và ruột cũng hấp thu lượng canxi kém hơn.
- Do bệnh lý đi kèm: Ngoài quá trình lão hóa và dinh dưỡng thì những bệnh lý đi kèm, sử dụng thuốc điều trị cũng khiến sự suy giảm miễn dịch ở người già gia tăng. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa số lượng bệnh đi kèm và mức độ giảm đáp ứng miễn dịch. Theo đó, bản chất ức chế miễn dịch của một số bệnh mãn tính có thể làm ức chế hệ miễn dịch như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tiểu đường. Ngoài ra, việc sử dụng các loại corticosteroid cũng làm trầm trọng thêm tình trạng ức chế miễn dịch. Hoặc việc sử dụng kháng sinh dài có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh, làm xáo trộn hệ vi sinh vật hội sinh và góp phần gây ra các bệnh nhiễm trùng cơ hội, được tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhiễm trùng khác phát triển.
2. Cách cải thiện suy giảm miễn dịch ở người già từ sớm?
Một số cách cải thiện hệ thống miễn dịch ở người già như sau:
2.1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng giàu dưỡng chất
Người già nên xây dựng chế độ dinh dưỡng giàu dưỡng chất, đầy đủ các nhóm chất như: nhóm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin – khoáng chất và các chất chống oxy hóa.
Để nâng cao khả năng miễn dịch ở người cao tuổi, bạn cần bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết như vitamin nhóm B, A, C, E, Kẽm,…
Người già không nên thực hiện các chế độ ăn kiêng khem quá mức sẽ khiến cơ thể bị suy yếu. Tuy nhiên, cũng không nên ăn quá nhiều, có thể dẫn đến béo phì, thừa cân,…
Hãy xây dựng một tháp dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp và kiên trì thực hiện.
2.2. Uống đủ nước cho cơ thể
Bổ sung đủ nước cũng là cách cải thiện hệ thống miễn dịch ở người già. Bạn nên uống đủ từ 1,5 – 2,5 lít nước bao gồm cả nước lọc, nước trái cây, sữa – có thể tùy thuộc vào nhu cầu hoạt động và thời tiết. Bạn nên uống đầy đủ vào ban ngày, buổi tối nên hẹn chế để tránh tình trạng tiểu đêm gây mất ngủ.
Tránh sử dụng rượu, bia và những loại đồ uống có cồn.
2.3. Vận động thể lực
Tập thể dục là hình thức đơn giản để nâng cao thể lực, duy trì sức khỏe và gia tăng sức đề kháng. Bạn có thể thực hiện các bài tập đi bộ, chạy bộ, chơi cờ, tập yoga hoặc tham gia các hoạt động xã hội cũng giúp kích thích các tế bào bạch cầu hoạt động tốt hơn, đồng thời giúp giải phóng hormon endorphin có khả năng giảm đau, giảm căng thẳng, từ đó giúp người già ngủ ngon, cải thiện hệ miễn dịch tốt hơn.
2.4. Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc cũng là một cách tránh sự suy giảm miễn dịch ở người già, bởi khi ngủ sẽ giúp bạn ngăn chặn được tế bào tránh bị hư hại và nâng cao khả năng tái tạo. Ngược lại nếu bạn bị thiếu ngủ, mất ngủ sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, mất năng lượng vào ban ngày. Vì vậy, hãy thiết lập đồng hồ sinh học, để phòng ngủ thông thoáng để có một giấc ngủ sâu và ngon nhất.
2.5. Kiểm soát bệnh lý
Người già là đối tượng dễ mắc bệnh, chính vì thế việc kiểm soát bệnh lý và được chăm sóc y tế tốt sẽ giúp bạn nâng cao sức đề kháng và bảo vệ sức khỏe.
2.6. Tiêm chủng vắc-xin
Mặc dù việc tiêm chủng vắc-xin ở người già không mang đến hiệu quả cao như những người trẻ, nhưng đây vẫn là cách phòng bệnh hiệu quả, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng. Vì vậy, hãy thực hiện tiêm chủng đầy đủ vắc-xin theo khuyến cáo.
2.7. Kiểm soát sự căng thẳng
Căng thẳng là yếu tố gây suy giảm miễn dịch ở người già, theo đó chúng gây ra những áp lực, làm khởi phát nhiều vấn đề trong cuộc sống như mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, ăn uống,… làm suy yếu tế bào, mất năng lượng.
3. Các điểm cần lưu ý giúp người già nâng cao hệ miễn dịch
Người già là đối tượng dễ bị suy giảm miễn dịch, vì vậy để bảo vệ và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, bạn cần lưu ý:
- Thực hiện đầy đủ các bước cải thiện suy giảm miễn dịch ở người già
- Sống vui, khỏe, không lo lắng
- Giảm các yếu tố gây căng thẳng, stress, mệt mỏi
- Thăm khám sức khỏe định kỳ
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, giàu dưỡng chất
- Hạn chế tiếp xúc với những người bệnh, người ốm
- Thực hiện tốt vệ sinh cơ thể hàng ngày, rửa tay chân sạch sẽ khi ăn uống
- Tránh sử dụng các loại thuốc lá, các chất kích thích như bia, rượu
- Tiêm chủng vắc – xin đầy đủ định kỳ theo hướng dẫn phác đồ của Bộ Y tế.
- Nên tham gia các hoạt động xã hội, tăng sức khỏe hệ thần kinh
Điều quan trọng là người già nên thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Khi có các dấu hiệu bất thường thì cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ về sự những nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch ở người già, đồng thời hiểu rõ về những cách nâng cao, cải thiện hệ miễn dịch, hướng đến một cuộc sống lành mạnh, vui khỏe và trường thọ.
Tài liệu tham khảo: Sciencedirect.com
Bài viết của: Lương Thị Bích Trâm