Cơn đau dạ dày thường có tính chất đau nhói, thắt chặt, nóng rát và có thể kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, nôn, ợ chua và ợ nóng. Đau dạ dày thường khiến người bệnh khó chịu và khổ sở vì cơn đau kéo dài và thường xuyên tái phát. Cùng tìm hiểu về những cách làm giảm cơn đau dạ dày ngay lập tức thông qua bài viết dưới đây.
1. Vì sao cơn đau dạ dày thường làm người bệnh khó chịu, khổ sở?
Cơn đau dạ dày thường làm người bệnh khó chịu và khổ sở vì một số những lý do sau:
- Vị trí và mức độ đau: Đau dạ dày thường xuất hiện ở vùng trên bụng, phía dưới xương sườn và có thể lan ra sau lưng.
- Nguyên nhân: Đau dạ dày thường liên quan đến các vấn đề như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày hoặc nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Đây là những nguyên nhân thường gặp gây tổn thương niêm mạc dạ dày và làm gia tăng cảm giác đau đớn.
- Tính chất đau: Đau dạ dày thường có tính chất đau nhói, nóng rát, thắt chặt và có thể kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, ợ chua và ợ nóng. Cường độ đau dạ dày có thể khác nhau từ đau quặn thắt, đau nhẹ, đến đau âm ỉ.
- Triệu chứng kèm theo: Ngoài cơn đau, người bệnh còn có thể gặp phải các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn mửa, ợ chua, ợ nóng, chán ăn, sụt cân và cảm giác đầy bụng.
- Tác động tâm lý: Cơn đau dạ dày thường kéo dài và tái phát, gây ra sự lo lắng, căng thẳng và mệt mỏi cho người bệnh. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tinh thần của họ.
- Tần suất và thời gian đau: Đau dạ dày thường kéo dài và tái phát, trong khi đau bụng thông thường có thể ngắn hạn và tự hết sau một thời gian ngắn.
2. Hướng dẫn các cách giảm đau dạ dày ngay lập tức
Một số cách làm giảm cơn đau dạ dày ngay lập tức, bao gồm:
2.1. Uống nước
Cơ thể cần nước để tiêu hóa và hấp thụ hiệu quả các chất dinh dưỡng từ thực phẩm và đồ uống. Việc mất nước khiến quá trình tiêu hóa trở nên khó khăn hơn và kém hiệu quả hơn, làm tăng khả năng đau bụng. Ngay cả tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể cản trở quá trình tiêu hóa, gây ra đau bụng, buồn nôn và táo bón.
Vì vậy, khi bạn bị đau bụng điều đầu tiên bạn nên làm là uống một cốc nước. Ngoài ra, uống nước có thể giúp làm giảm triệu chứng ợ nóng.
2.2. Tránh nằm xuống ngay sau khi ăn
Khi bạn nằm xuống ngay sau khi ăn, axit trong dạ dày có nhiều khả năng di chuyển ngược lại và trào ngược lên trên, gây ra chứng ợ nóng. Do đó, những người bị đau dạ dày nên tránh nằm xuống hoặc đi ngủ sau 2 đến 3 tiếng sau khi ăn.
2.3. Gừng
Gừng là một loại rễ thơm đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ để điều trị chứng đau dạ dày, buồn nôn và nôn mửa.
Gừng có sẵn dưới dạng chiết xuất, thuốc nhỏ giọt, viên ngậm, chất bổ sung và trà, nhưng bạn cũng có thể dùng gừng sống để làm giảm các triệu chứng tiêu hóa. Một số người sẽ dùng gừng sống để pha trà gừng, trong khi những người khác nhai gừng tươi đã gọt vỏ để giúp giảm buồn nôn.
2.4. Trà hoa cúc
Trà hoa cúc là một loại đồ uống có nguồn gốc từ cây hoa cúc, rất hữu ích trong việc điều trị đau dạ dày. Nguyên nhân là do hoa cúc có đặc tính chống viêm có thể giúp làm giảm các bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng viêm như viêm dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản.
Ngoài ra, hoa cúc còn cung cấp cho cơ thể hợp chất polyphenol có tác dụng thư giãn hệ tiêu hóa, làm giảm các triệu chứng như khó tiêu, đau bụng kinh và nôn mửa.
2.5. Bạc hà
Bạc hà rất hữu ích trong việc giảm đau dạ dày do chứa các hợp chất hoạt tính menthol và methyl salicylate có tác dụng chống co thắt giúp làm dịu cơn đau dạ dày và triệu chứng buồn nôn.
Tinh dầu bạc hà pha loãng trong nước đôi khi được dùng để điều trị chứng đau dạ dày do hội chứng ruột kích thích, cúm dạ dày và dị ứng thực phẩm.
Bạc hà cũng giúp dịch tiêu hóa, được gọi là mật di chuyển dễ dàng qua đường tiêu hóa và giúp thức ăn phân hủy nhanh hơn. Điều này sẽ giúp ích với những bệnh nhân đau dạ dày đi kèm với táo bón.
2.6. Chườm ấm
Một miếng chườm ấm sẽ giúp làm dịu cơn đau dạ dày bằng cách làm giãn các cơ dạ dày và giảm co thắt.
Nếu bạn không có miếng đệm sưởi, chỉ cần tắm nước nóng hoặc ngâm mình trong bồn nước nóng cũng có thể mang lại hiệu quả tương tự.
2.7. Giấm táo
Có một số bằng chứng cho thấy giấm táo có thể giúp làm dịu cơn đau dạ dày liên quan đến viêm dạ dày mãn tính. Giấm táo chứa lợi khuẩn có thể giúp cân bằng môi trường vi khuẩn của dạ dày và làm dịu chứng đầy hơi, đau dạ dày và trào ngược do nhiễm trùng H. pylori.
Tuy nhiên, khi sử dụng giấm táo cần được pha loãng với nước để tránh làm tăng độ axit trong dạ dày và làm cho các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản và loét dạ dày tá tràng trở nên trầm trọng hơn.
2.8. Nước ép lô hội
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng lô hội có thể giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng.
Ngoài ra, uống nước ép lô hội cũng giúp làm giảm các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản như đau dạ dày, ợ nóng, ợ hơi, đầy hơi, ợ chua, buồn nôn và nôn.
2.9. Tránh hút thuốc lá và uống rượu
Hút thuốc và uống rượu có thể gây ra chứng khó tiêu và các tình trạng đường tiêu hóa khác, chẳng hạn như bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của mọi người và giảm nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe nhất định, chẳng hạn như ung thư.
2.10. Tránh các loại thực phẩm khó tiêu
Khi bị đau dạ dày bạn cần tránh tiêu thụ một số loại thực phẩm khó tiêu, bao gồm:
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ
- Các sản phẩm từ lúa mì
- Thực phẩm cay nóng
Tránh các loại thực phẩm khó tiêu có thể giúp làm dịu dạ dày và giảm khó chịu và đau đớn. Ngoài ra, các loại thực phẩm dễ tiêu hóa hơn, chẳng hạn như trái cây và rau quả, có thể giúp thúc đẩy chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng.
2.11. Probiotics
Probiotics là vi khuẩn có lợi có trong đường tiêu hóa. Tiêu chảy, đầy hơi và chướng bụng có thể xảy ra khi hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng. Ăn thực phẩm giàu probiotic hoặc dùng thực phẩm bổ sung probiotic có thể giúp cân bằng lại và làm dịu cơn đau dạ dày.
2.12. Tập thể dục
Tập thể dục có thể giúp làm giảm đau dạ dày, tùy thuộc vào nguyên nhân. Đi bộ hỗ trợ tiêu hóa, thúc đẩy nhu động ruột và giúp giảm táo bón và khí bị mắc kẹt.
Ngoài ra, các bài tập như yoga và thái cực quyền cũng có thể làm giảm sự khó chịu ở bụng. Các động tác đưa đầu gối gần ngực hơn có ích trong việc làm giảm chuột rút và đau bụng đầy hơi.
2.13. Hít thở sâu
Các bài tập thở bằng cơ hoành cũng có thể hữu ích để làm dịu cơn đau dạ dày. Khi bạn tập trung hít thở vào cơ hoành, cơ này sẽ cọ xát vào đường tiêu hóa massage ruột và dạ dày.
Thở bằng cơ hoành cũng kích hoạt phản ứng thư giãn của hệ thần kinh phó giao cảm làm dịu đường tiêu hóa. Điều này giúp giảm đau bụng, đầy hơi, táo bón và buồn nôn.
Các bước thực hành thở bằng cơ hoành như sau:
- Một tay đặt lên ngực và tay còn lại đặt lên bụng.
- Hít vào bằng mũi trong vòng bốn nhịp, cảm nhận bụng phồng lên.
- Nín thở trong vòng hai nhịp.
- Thở ra từ từ bằng miệng trong vòng sáu nhịp.
- Lặp lại trong vài phút.
3. Lưu ý khi áp dụng cách giảm đau dạ dày
Khi thực hiện các cách giảm đau dạ dày bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
3.1. Tham khảo ý kiến của bác sĩ
Trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo rằng phương pháp đó phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh lý của bạn.
3.2. Không tự ý dùng thuốc
Bạn nên sử dụng các loại thuốc điều trị đau dạ dày theo chỉ định của bác sĩ. Tránh tự ý dùng thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs) như ibuprofen và aspirin, vì chúng có thể gây kích ứng dạ dày.
Đồng thời, sử dụng thuốc giảm axit hoặc thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày theo hướng dẫn để tránh những rủi ro không mong muốn.
3.3. Điều trị nguyên nhân gốc rễ
Nếu đau dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori, cần điều trị bằng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, bạn cũng cần được chẩn đoán và điều trị các bệnh lý cơ bản như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản hoặc viêm dạ dày.
3.4. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế
Tình trạng dạ dày có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như đầy hơi và khó tiêu. Tuy nhiên, đau dạ dày cũng có thể là dấu hiệu của các tình trạng nghiêm trọng hơn như xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột và viêm ruột thừa.
Bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bị đau dạ dày kèm theo những triệu chứng sau:
- Đau dữ dội hoặc đột ngột
- Nôn ra máu
- Phân có máu hoặc có màu đen
- Khó thở
- Đau ngực
- Giảm cân
- Chán ăn
- Vàng da.
Bài viết đã giúp chúng ta biết được những cách làm giảm cơn đau dạ dày ngay lập tức. Bạn có thể áp dụng một số cách giảm đau dạ dày như uống nước, trà gừng, trà hoa cúc, tránh những thực phẩm khó tiêu và tập thể dục mỗi ngày. Chúc bạn thành công!
Tài liệu tham khảo: Medicalnewstoday.com, Medicinenet.com, Verywellhealth.com
Bài viết của: Chu Yến Nhi