Thủy ngân là kim loại nặng ánh bạc thường tồn tại trạng thái lỏng và dễ bay hơi ở nhiệt độ thường, chúng sẽ lan rộng ra môi trường xung quanh và gây độc. Vậy ai là người có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân cao và phòng tránh nhiễm độc thủy ngân như thế nào?
1. Nhiễm độc thủy ngân là gì?
Thủy ngân là một chất tự nhiên có trong lớp vỏ trái đất và tồn tại ở 3 dạng:
- Thủy ngân nguyên tố như thủy ngân trong nhiệt kế và chất trám răng;
- Thủy ngân hữu cơ: thủy ngân nguyên tố được vi khuẩn trong nước chuyển đổi thành metyl thủy ngân, được cá ăn vào hoặc hấp thụ và đi vào chuỗi thức ăn;
- Thủy ngân vô cơ: có sẵn tự nhiên kết hợp với các nguyên tố khác trong quặng khoáng sản. Thủy ngân vô cơ có thể được giải phóng vào không khí khi đốt than để tạo ra điện. Nó cũng được tạo ra như một sản phẩm thải trong nhiều quy trình công nghiệp khác nhau.
Ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tiếp xúc với thủy ngân trong môi trường của bạn là cách tốt nhất để giảm nguy cơ ngộ độc thủy ngân. Có một số nguồn tiếp xúc thủy ngân phổ biến bao gồm:
- Các loài cá lớn: nếu ăn với số lượng lớn có thể làm tăng lượng thủy ngân trong cơ thể bạn. Phần lớn sự phơi nhiễm thủy ngân ở con người là thông qua metyl thủy ngân xâm nhập vào chuỗi thức ăn thông qua cá. Thông thường, loài cá càng lớn hoặc sống càng lâu năm thì mức thủy ngân càng cao.
- Đèn huỳnh quang, bóng đèn tiết kiệm điện và pin: nếu bị vỡ, có nguy cơ hít phải hơi thủy ngân và hấp phụ thủy ngân qua da;
- Nhiệt kế thủy ngân: thủy ngân nguyên chất từ nhiệt kế bị vỡ có thể gây ra một số rủi ro cho con người nếu họ hít phải hơi thủy ngân và hấp thụ thủy ngân qua tiếp xúc với da;
- Trám răng: Trám răng Amalgam chứa thủy ngân, khi được thay thế và loại bỏ khỏi răng, chúng sẽ làm tăng nguy cơ tiếp xúc với thủy ngân do hít phải hơi thủy ngân và nuốt phải các mảnh amalgam.
Các triệu chứng ngộ độc thủy ngân dạng thủy ngân nguyên tố:
- Run rẩy;
- Đau đầu;
- Khó ngủ;
- Suy yếu;
- Yếu cơ và co giật;
- Thay đổi tâm trạng, cáu kỉnh, hay lo lắng;
- Tổn thương thận;
- Khó thở;
- Tử vong.
Các triệu chứng ngộ độc hữu cơ (methyl thủy ngân) từ cá: Hầu hết mọi người đều có một số methyl thủy ngân trong mô nhưng chúng ở mức không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Methyl thủy ngân dư thừa trong cơ thể đặc biệt ảnh hưởng đến các triệu chứng thần kinh.
Triệu chứng ngộ độc thủy ngân vô cơ: Loại ngộ độc này có nhiều khả năng liên quan đến việc tiếp xúc với công nghiệp. Các triệu chứng ngộ độc thủy ngân vô cơ bao gồm:
- Các tình trạng da như phát ban và viêm da;
- Vấn đề về hô hấp;
- Thay đổi tâm trạng;
- Vấn đề về trí nhớ;
- Vấn đề sức khỏe tâm thần;
- Giảm sức mạnh cơ bắp.
2. Ai dễ có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân?
Tác động của việc tiếp xúc với thủy ngân phụ thuộc vào loại thủy ngân. Nhìn chung, thủy ngân thường có xu hướng ảnh hưởng nhiều hơn cả đến hệ thần kinh. Điều này có nghĩa là trẻ sơ sinh và thai nhi có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân cao hơn vì hệ thần kinh của chúng đang phát triển. Những người có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân cao do tiếp xúc với thủy ngân bao gồm:
- Trẻ chưa chào đời;
- Trẻ sơ sinh;
- Trẻ em dưới 6 tuổi;
- Những người bị bệnh thận;
- Những người sinh ra trước những năm 1950 thường tiếp xúc với thủy ngân trong các sản phẩm dành cho trẻ em thời đó và mắc bệnh hồng;
- Công nhân làm việc trong các khu công nghiệp có sử dụng hoặc sản xuất thủy ngân.
3. Cách phòng chống nhiễm độc thủy ngân
Có một số biện pháp phòng ngừa mà bạn có thể thực hiện để giảm thiểu việc tiếp xúc với thủy ngân cũng như giảm lượng thủy ngân trong môi trường.
3.1. Giảm thiểu tiếp xúc với thủy ngân từ cá
Tìm hiểu về các loại cá có khả năng chứa hàm lượng thủy ngân cao. Hầu hết mọi người vẫn có thể ăn cá có hàm lượng thủy ngân cao, Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc và New Zealand (FSANZ) khuyến cáo rằng nên ăn ít cá nước sâu hơn. Phụ nữ mang thai, phụ nữ có kế hoạch mang thai, trẻ em và những người bệnh thận nên hạn chế tiêu thụ cá.
Các sản phẩm và thực phẩm bổ sung dầu cá không phải là nguồn chính chứa thủy ngân trong chế độ ăn uống và không cần phải hạn chế lượng tiêu thụ do hàm lượng thủy ngân.
3.2. Giảm thiểu tiếp xúc với thủy ngân từ đèn huỳnh quang và bóng đèn tiết kiệm năng lượng
Vào năm 2010, các tiêu chuẩn mới đã được đưa ra đối với bóng đèn tiết kiệm năng lượng tại Úc. Các bóng đèn chứa thủy ngân bao gồm đèn huỳnh quang và bóng đèn tiết kiệm năng lượng nhỏ gọn chủ yếu được sử dụng trong gia đình.
Mặc dù lượng thủy ngân trong một bóng đèn rất nhỏ và không có khả năng gây hại cho con người, nhưng cần phải cẩn thận khi bóng đèn bị vỡ vì điều này sẽ giải phóng hơi thủy ngân.
3.3. Giảm thiểu tiếp xúc với thủy ngân từ nhiệt kế và các thiết bị khác
Nhiệt kế chứa cồn hiện đã có sẵn rộng rãi, nhưng một số người vẫn sử dụng nhiệt kế chứa thủy ngân. Khi còn nguyên vẹn, chúng không nguy hiểm, nhưng khi bị vỡ sẽ có khả năng tiếp xúc với thủy ngân thông qua việc hít phải hơi thủy ngân và hấp thụ thủy ngân qua tiếp xúc với da. Những vết đổ vỡ này phải được lau sạch ngay lập tức và cẩn thận.
3.4. Giảm thiểu tiếp xúc với thủy ngân từ miếng trám răng
Cách tốt nhất là chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt. Trám răng để điều trị răng bị hư hoặc mòn có thể được làm bằng amalgam hoặc vật liệu thay thế có màu tương tự như màu sắc của răng. Amalgam thường được sử dụng vì độ bền của nó, đặc biệt là ở răng hàm chịu nhiều áp lực trong quá trình nhai.
Các vật liệu thay thế để trám răng có màu tương tự như răng không bền bằng amalgam, nhưng chúng không chứa thủy ngân. Tuy nhiên, các miếng trám kim loại amalgam “cũ” chứa hàm lượng thủy ngân cao hơn nhiều, khi loại bỏ hoặc thay thế có thể giải phóng hơi thủy ngân mà bệnh nhân hít phải.
Khi loại bỏ các miếng trám amalgam cũ này, các nha sĩ sẽ đặt một tấm bảo vệ lên miệng bệnh nhân trong quá trình thực hiện thủ thuật nha khoa. Tấm này sẽ giữ lại bất kỳ mảnh amalgam nào trước khi bệnh nhân nuốt vào. Một thiết bị hút áp suất cao sẽ được dùng để loại bỏ hầu hết amalgam rắn và hơi thủy ngân nếu có.
Một số người được khuyên không nên trám amalgam và tránh loại bỏ hoặc thay thế amalgam hiện có bao gồm:
- Phụ nữ mang thai: thủy ngân có thể đi qua nhau thai và đi vào máu của thai nhi;
- Phụ nữ đang cho con bú: thủy ngân có thể truyền sang em bé qua sữa mẹ;
- Trẻ em: nồng độ thủy ngân có thể ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh vẫn đang phát triển;
- Người bị bệnh thận: nồng độ thủy ngân cao có thể ảnh hưởng đến thận, do đó bạn nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với thủy ngân.
Nguồn tham khảo: betterhealth.vic.gov.au
Bài viết của: Đỗ Mai Thảo