Trầm cảm cười là hội chứng tâm lý mà một người che giấu sự trầm cảm sau nụ cười. Một người mắc chứng trầm cảm khi cười có vẻ ngoài hạnh phúc nhưng thực tế, họ có thể đang phải vật lộn với cảm giác tuyệt vọng và buồn bã bên trong. Vì họ có thể che giấu chứng trầm cảm rất tốt nên những người mắc chứng trầm cảm cười thường không được điều trị kịp thời. Những người sống chung với chứng trầm cảm hay cười không được điều trị có thể có nguy cơ tự làm tổn thương bản thân và tử vong do tự tử cao hơn.
Hội chứng trầm cảm cười là gì?
Trầm cảm cười không phải là một chẩn đoán y khoa, mà nó là một thuật ngữ mà mọi người dùng để mô tả những người che giấu các dấu hiệu triệu chứng trầm cảm đằng sau nụ cười. Tình trạng này đặc trưng ở một người luôn tỏ ra vui vẻ hay làm hài lòng người khác, tuy nhiên, họ có thể đang phải trải qua tất cả các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Tình trạng bệnh trầm cảm ảnh hưởng đến mỗi người một cách khác nhau và có nhiều triệu chứng khác nhau, nổi bật nhất là nỗi buồn sâu sắc, kéo dài. Các triệu chứng có xu hướng phát triển dần dần qua nhiều ngày hoặc nhiều tuần và có thể khác nhau tùy theo từng người. Mặc dù bề ngoài luôn mỉm cười và giả vờ hạnh phúc, những người mắc chứng trầm cảm khi cười vẫn gặp phải các triệu chứng trầm cảm điển hình, bao gồm:
- Tâm trạng hay rơi vào trạng thái chán nản;
- Cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng hoặc kiệt sức;
- Xuất hiện cơn cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng;
- Rối loạn lo âu, lo lắng hoặc có xu hướng lo lắng;
- Xuất hiện những suy nghĩ thường xuyên về cái chết hoặc ý định hoặc ý định tự tử;
- Cảm giác bản thân vô dụng, tội lỗi hoặc vô vọng;
- Xuất hiện những suy nghĩ ám ảnh hoặc những suy nghĩ xâm phạm;
- Cảm giác mất hứng thú với các hoạt động vui chơi;
- Thay đổi khẩu vị hoặc cân nặng;
- Tránh các tương tác hoặc sự kiện xã hội;
- Khó có khả năng tập trung hoặc khó khăn khi đưa ra quyết định;
- Các vấn đề về giấc ngủ.
Một người mắc chứng trầm cảm cười có thể gặp phải một số hoặc tất cả những điều trên, nhưng ở những nơi đông người thì những triệu chứng này hầu như ít hoặc không thể hiện. Đối với người nhìn từ bên ngoài, một người mắc chứng trầm cảm hay cười có thể trông giống như:
- Một người năng động, có chức vụ cao;
- Một người có công việc ổn định, có một gia đình và đời sống xã hội lành mạnh;
- Một người có vẻ vui vẻ, lạc quan và nhìn có vẻ hạnh phúc;
Trầm cảm cười khác gì các loại trầm cảm khác?
Trầm cảm hay cười không phải là một chẩn đoán y khoa. Thay vào đó, đây là thuật ngữ mà các chuyên gia sức khỏe tâm thần sử dụng để mô tả những người mắc chứng rối loạn trầm cảm che giấu triệu chứng của mình với người khác.
Những người mắc chứng trầm cảm hay cười có thể tiếp tục hầu hết các hoạt động hàng ngày, tuy nhiên họ đang phải vật lộn với chứng rối loạn tâm trạng nghiêm trọng. Trong khi đó, những người mắc chứng trầm cảm thông thường có mức năng lượng thấp nên khó khăn trong giải quyết công việc hàng ngày.
Thông thường, những người mắc chứng trầm cảm nặng, cổ điển có thể có ý định tự tử nhưng không có đủ năng lượng để hành động theo cảm xúc của mình. Tuy nhiên, những người mắc chứng trầm cảm hay cười có khả năng lập kế hoạch và thực hiện đầy nghị lực. Đây là lý do tại sao hội chứng trầm cảm cười có thể nguy hiểm hơn một dạng trầm cảm nặng cổ điển.
Đối với chứng trầm cảm nỗi buồn thường không thuyên giảm trong thời gian dài, khiến một người cảm thấy không thể giải tỏa được cảm giác u ám và tuyệt vọng của mình. Trầm cảm là một trạng thái diễn biến dai dẳng có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng hoạt động của một người. Mặc dù có nhiều dạng trầm cảm khác nhau, việc giấu trầm cảm đằng sau nụ cười có thể xảy ra với bất kỳ rối loạn tâm trạng nào,
Vì sao trầm cảm cười lại xuất hiện?
Trầm cảm cười là tình trạng tỏ ra vui vẻ với người khác, mỉm cười theo đúng nghĩa đen nhưng trong lòng lại đang phải chịu đựng các triệu chứng trầm cảm. Trầm cảm hay cười thường không được phát hiện. Những người mắc chứng bệnh này thường coi nhẹ cảm xúc của chính mình và gạt chúng sang một bên. Họ thậm chí có thể không nhận thức được chứng trầm cảm của mình hoặc muốn thừa nhận các triệu chứng của mình do sợ bị coi là “yếu đuối”.
Đối với một người đang bị trầm cảm nhưng vẫn tiếp tục mỉm cười và khoác lên mình vẻ bề ngoài bình thường có thể do bản thân họ nghĩ rằng:
- Dấu hiệu trầm cảm sẽ là biểu hiện của sự yếu đuối;
- Tạo gánh nặng cho bất cứ ai bằng cách bày tỏ cảm xúc thật của mình;
- Cảm giác không bị trầm cảm chút nào, bởi vì bạn “ổn”;
- Mọi thứ trên thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu không có bạn;
Nguyên nhân của tình trạng trầm cảm hay cười là do nụ cười và vẻ bề ngoài là một cơ chế phòng vệ, một nỗ lực che giấu cảm xúc thật của họ. Họ thường duy trì công việc toàn thời gian, quản lý gia đình, tham gia thể thao và có đời sống xã hội khá năng động. Khi đeo “mặt nạ”, mọi thứ trông thật tuyệt, thậm chí có lúc hoàn hảo. Những người mắc chứng trầm cảm khi cười có thể không đưa ra dấu hiệu nào về vấn đề của họ với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, bên dưới lớp “mặt nạ” này, họ đang phải chịu đựng nỗi buồn, cơn hoảng loạn, lòng tự trọng thấp, mất ngủ và trong một số trường hợp là ý nghĩ tự tử.
Các triệu chứng phổ biến khác của trầm cảm hay cười là cảm giác lo lắng, sợ hãi, tức giận, mệt mỏi, khó chịu, vô vọng và tuyệt vọng. Những người mắc chứng trầm cảm hay cười và các dạng trầm cảm khác cũng có thể gặp khó khăn khi ngủ, thiếu hứng thú với các hoạt động thú vị và mất ham muốn tình dục.
Bạn cần làm gì khi bị trầm cảm cười?
Theo một bài báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hội chứng trầm cảm cười biểu hiện với các triệu chứng trái ngược với các triệu chứng trầm cảm cổ điển. Điều này có thể dẫn đến làm phức tạp quá trình chẩn đoán.
Phương pháp điều trị hội chứng trầm cảm cười tương tự như bất kỳ chứng rối loạn trầm cảm nào khác. Phương pháp điều trị khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và thường bao gồm sự kết hợp của các lựa chọn điều trị, như sau:
- Sử dụng các loại thuốc điều trị: Một số loại thuốc được kê đơn để điều trị trầm cảm bao gồm trầm cảm cười. Thời gian để thuốc phát huy tác dụng có thể mất vài tuần. Một người bị trầm cảm cười nên được bác sĩ theo dõi chặt chẽ trong khoảng thời gian này.
- Tâm lý trị liệu: Tâm lý trị liệu, còn được hiểu là liệu pháp trò chuyện, là một kỹ thuật điều trị mà các chuyên gia sức khỏe tâm thần sử dụng để giúp hiểu được suy nghĩ và cảm xúc của họ nhằm học các kỹ năng đối phó với trầm cảm một cách lành mạnh. Nhiều loại trị liệu tâm lý khác nhau, bao gồm trị liệu nhận thức, tâm động học, nhóm, giữa các cá nhân và gia đình có tác dụng trong điều trị hội chứng trầm cảm cười.
- Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng mãn tính hoặc không có khả năng kiểm soát căng thẳng có thể góp phần vào sự phát triển của trầm cảm nói chung và trầm cảm cười nói riêng. Thực hành và luyện tập các kỹ thuật quản lý căng thẳng cũng như các biện pháp về lối sống có thể giúp một người kiểm soát các triệu chứng trầm cảm cười.
- Dinh dưỡng: Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng bao gồm trái cây, rau quả nhiều màu sắc và chất béo lành mạnh, có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng trầm cảm cười.
- Tập luyện thể dục, thể thao: Tập thể dục có thể có tác dụng giúp ngăn ngừa trầm cảm cũng như điều trị các triệu chứng. Ngay cả khi một người bị trầm cảm không còn sức để làm gì nhiều ngoài việc đi bộ một đoạn ngắn, thì một số hoạt động thể chất vẫn tốt hơn là không hoạt động.
- Liệu pháp ánh sáng: Liệu pháp ánh sáng mạnh bằng cách sử dụng hộp đèn có thể giúp điều trị chứng rối loạn cảm xúc theo mùa cũng như trầm cảm không theo mùa.
- Liệu pháp sốc điện: Liệu pháp sốc điện là một thủ thuật an toàn, có kiểm soát để điều trị một số loại rối loạn trầm cảm bao gồm điều trị hội chứng trầm cảm cười không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Tóm lại, bài viết đã trả lời cho câu hỏi hội chứng trầm cảm cười là gì và mức độ nguy hiểm của hội chứng này. Trầm cảm là một nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng có thể gây ra những hậu quả tàn khốc cho cá nhân mắc bệnh và những người thân yêu của họ. Những người có bất kỳ triệu chứng trầm cảm nào nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định phương pháp điều trị nào có thể giúp ích. Trầm cảm có thể dẫn đến tử vong do tự tử trong một số trường hợp. Nếu bạn nghi ngờ một ai đó mắc chứng trầm cảm cười thì bạn nên liên hệ với bác sĩ điều trị để có phương pháp điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo: Psychologytoday.com, Healthline.com
Bài viết của: Ngô Thị Thảo Hiền