Trong xã hội hiện đại, ngày càng có nhiều người gặp phải tình trạng rút lui xã hội, hay còn gọi là cô lập xã hội. Đây là một vấn đề tâm lý phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Vậy hội chứng rút lui xã hội là gì, vì sao nó xảy ra và làm thế nào để vượt qua tình trạng này?
1. Hội chứng rút lui xã hội là gì?
Rút lui xã hội là một trạng thái tâm lý đặc trưng bởi việc giảm thiểu hoặc tránh né các tương tác xã hội. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng này có thể khác nhau, từ việc hạn chế giao tiếp xã hội đến cô lập hoàn toàn. Người mắc phải hội chứng này thường cảm thấy không thoải mái, lo lắng hoặc sợ hãi khi phải giao tiếp, gặp gỡ hoặc tham gia các hoạt động xã hội. Họ có thể thu mình lại không muốn quan hệ với ai, từ chối lời mời đi chơi, hủy các cuộc hẹn, hoặc tránh né các tình huống đòi hỏi phải giao tiếp với người khác.
Một số ví dụ về sự rút lui khỏi xã hội bao gồm:
- Tránh các hoạt động xã hội mà một người trước đây từng yêu thích
- Từ chối lời mời dành thời gian với người khác
- Tìm lý do để ở một mình
- Ít nói hơn trong các môi trường nhóm
- Tránh các tình huống liên quan đến việc gặp gỡ những người mới
- Không chủ động bắt chuyện và tránh những câu hỏi mở khi nói chuyện với người khác
- Không muốn thử những điều mới
- Tránh bất kỳ môi trường hoặc tình huống xa lạ nào
- Nhận những công việc hoặc nhiệm vụ đòi hỏi làm việc một mình
- Thích ở nhà và tham gia vào các hoạt động đơn độc
Kết nối xã hội và các mối quan hệ giữa các cá nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc của con người. Thiếu sự hỗ trợ xã hội có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm trầm cảm, cô đơn, bệnh tim, lạm dụng chất kích thích và thậm chí là tự tử.
2. Vì sao tình trạng rút lui xã hội xảy ra? Ai là đối tượng nguy cơ?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng rút lui xã hội, bao gồm:
- Các vấn đề tâm lý: Trầm cảm, lo âu, rối loạn nhân cách, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), rối loạn sử dụng chất kích thích… đều có thể gây ra sự rút lui xã hội.
- Chấn thương tâm lý: Sự rút lui khỏi xã hội có thể là một triệu chứng và phản ứng của cơ thể trước những chấn thương tâm lý. Những người từng trải qua chấn thương có thể cảm thấy lo lắng, sợ hãi, hoặc thậm chí là khép kín trong các tình huống giao tiếp xã hội. Để bảo vệ bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực này, họ có thể chọn cách tránh né các tình huống xã hội, dẫn đến sự rút lui khỏi xã hội.
- Lòng tự trọng thấp: Đôi khi, sự xa lánh người khác có thể bắt nguồn từ lòng tự trọng thấp. Khi không đánh giá cao bản thân, chúng ta thường sợ bị tổn thương hoặc bị từ chối trong các mối quan hệ. Lòng tự trọng thấp cũng góp phần làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như lo âu và trầm cảm, từ đó khiến họ càng có xu hướng thu mình và tránh né các hoạt động xã hội.
- Tính cách: Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người có xu hướng rút lui khỏi xã hội thường có tính cách nhút nhát. Do cảm thấy lo lắng và không thoải mái trong các tình huống xã hội, họ thường tìm cách tránh né chúng.
- Yếu tố môi trường: Môi trường sống và làm việc căng thẳng, áp lực, thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè cũng có thể là nguyên nhân.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải hội chứng rút lui xã hội bao gồm:
- Thanh thiếu niên: Đây là giai đoạn phát triển tâm sinh lý nhạy cảm, dễ bị tổn thương và gặp nhiều áp lực.
- Người cao tuổi: Sự cô đơn, mất mát người thân, bệnh tật… có thể khiến người cao tuổi dễ rơi vào tình trạng cô lập xã hội.
- Người mắc các bệnh lý tâm thần: Như đã đề cập ở trên, các vấn đề tâm lý là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự rút lui xã hội.
3. Làm sao để giải quyết hội chứng sợ xã hội?
Hội chứng rút lui xã hội có thể được cải thiện bằng các biện pháp sau:
- Tâm lý trị liệu: Các liệu pháp như liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp nhóm… giúp người bệnh nhận diện và thay đổi những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực, học cách đối phó với căng thẳng và xây dựng kỹ năng giao tiếp xã hội.
- Thực hành các kỹ thuật thư giãn và kỹ năng đối phó để kiểm soát nỗi sợ hãi và lo lắng: Các phương pháp như thở sâu, yoga và thiền chánh niệm có thể giúp giảm bớt lo lắng và hạn chế xu hướng trốn tránh. Khi cảm thấy lo lắng dâng cao, hãy thử tập trung vào những vật thể xung quanh, cảm nhận nhiệt độ, kết cấu của chúng hoặc lắng nghe âm thanh xung quanh. Điều này giúp bạn trở về với hiện tại và lấy lại bình tĩnh để đối phó với tình huống.
- Sử dụng thuốc: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu để giảm các triệu chứng tâm lý và giúp người bệnh dễ dàng hòa nhập hơn.
- Thay đổi lối sống: Tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tham gia các hoạt động xã hội, kết nối với bạn bè và người thân… có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.
- Từng bước một dành thời gian cho những người thân yêu đáng tin cậy: Hãy liên hệ với những người bạn tin tưởng nhất và nhờ họ giúp đỡ khi bạn bắt đầu hòa nhập lại với xã hội. Sự động viên, khích lệ và chia sẻ từ những người thân yêu có thể giúp người bệnh cảm thấy được yêu thương và an toàn, từ đó dần dần mở lòng và hòa nhập với xã hội.
Bằng cách áp dụng những chiến lược này, bạn có thể từng bước vượt qua hội chứng sợ xã hội và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Hội chứng rút lui xã hội là một vấn đề tâm lý cần được quan tâm và điều trị kịp thời. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp phải tình trạng này, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế.
Drip Hydration là phòng khám đầu ngành cung cấp đa dạng giải pháp IV Therapy, trong đó có liệu pháp Peptides Giảm Stress và Ngủ Sâu, giúp trẻ hóa hệ thần kinh, hỗ trợ giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Liệu pháp này có thể là một phần của quá trình điều trị toàn diện, giúp người bệnh phục hồi sức khỏe tinh thần và vượt qua hội chứng rút lui xã hội.
Nguồn: webmd.com – verywellhealth.com – verywellmind.com – sciencedirect.com
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My