Thủy ngân là kim loại nặng có độc tính cao gây nhiều nguy hại đến sức khỏe con người. Ngộ độc thủy ngân là kết quả của việc tiếp xúc với quá nhiều thủy ngân thông qua chế độ ăn uống hoặc do ô nhiễm môi trường. Biểu hiện nhiễm độc thủy ngân là khác nhau ở mỗi người bao gồm rối loạn lo âu, tê bì tay chân, yếu mỏi các cơ, buồn nôn,… Để ngăn ngừa ngộ độc thủy ngân cần thực hiện thay đổi chế độ dinh dưỡng và môi trường nhằm hạn chế tiếp xúc với kim loại độc hại này.
1. Nhiễm độc thủy ngân là gì?
Để biết được dấu hiệu nhiễm độc thuỷ ngân, đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu thủy ngân là gì? Thủy ngân là một hợp chất đã được xác định và tìm thấy trong lớp đất đá ở vỏ Trái đất với đặc trưng là màu bạc sáng bóng nên thường được gọi với tên khác là “bạc lỏng”. Thủy ngân là một nguyên tố trong bảng tuần hoàn có ký hiệu Hg và số nguyên tử 80. Đây là kim loại duy nhất có cả dạng lỏng và rắn tùy thuộc vào nhiệt độ.
Thủy ngân có nhiều công dụng vì nó là chất dẫn điện. Điều này đồng nghĩa với việc hợp chất này cho phép điện và nhiệt có thể truyền qua nó. Thủy ngân có thể có nhiều dạng khác nhau như trong nhiệt kế, đèn đường và bóng đèn huỳnh quang.
Ba loại thủy ngân khác nhau đều gây nguy hại cho cơ thể con người bao gồm:
- Thủy ngân nguyên tố (thủy ngân lỏng, thủy ngân): Ở dạng này nguyên tố thủy ngân tồn tại trong nhiệt kế thủy tinh, công tắc điện, bóng đèn huỳnh quang và chất hàn răng.
- Thủy ngân vô cơ: Bạn sẽ tìm thấy thủy ngân vô cơ trong các loại pin trong đồng hồ, điều khiển, một số loại chất khử trùng và trong phòng thí nghiệm hóa học.
- Thủy ngân hữu cơ: Thủy ngân loại này tồn tại trong khói than, cá ăn methylmercury (một dạng thủy ngân hữu cơ) và các chất khử trùng cũ hơn (chất diệt vi trùng như thủy ngân đỏ).
Thủy ngân là kim loại xuất hiện trong nhiều loại sản phẩm gia dụng quen thuộc hàng ngày, mặc dù với số lượng rất nhỏ. Mặc dù việc tiếp xúc hạn chế với loại hợp chất này thường được coi là an toàn nhưng việc tích tụ thủy ngân trong thời gian kéo dài lại có thể gây ra các biểu hiện nhiễm độc thủy ngân gây đe dọa đến sức khỏe. Các dấu hiệu nhiễm độc thuỷ ngân xảy ra khi bạn tiếp xúc với quá nhiều thủy ngân và cơ thể phản ứng tiêu cực với hợp chất này. Ăn hoặc tiếp xúc với quá nhiều thủy ngân có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc thủy ngân.
2. Các dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân
Các dấu hiệu cơ thể nhiễm độc thủy ngân sẽ thay đổi khác nhau tùy từng loại thủy ngân nhiễm độc và mức độ nghiêm trọng ở mỗi người.
2.1. Dấu hiệu nhiễm độc thuỷ ngân nguyên tố
Thủy ngân nguyên tố thường tương đối vô hại nếu chạm hoặc vô tình nuốt phải, nguyên nhân là do kết cấu trơn trượt của nó sẽ không hấp thụ vào da hoặc hệ thống tiêu hóa. Thủy ngân là nguyên tố cực kỳ nguy hiểm nếu bạn hít phải và nó đi vào phổi. Thông thường, thủy ngân nguyên tố sẽ bay vào không khí nếu ai đó đang cố gắng làm sạch vết tràn thủy ngân bằng máy hút.
Các biểu hiện nhiễm độc thủy ngân nguyên tố xảy ra ngay sau khi hít phải hóa chất và bao gồm ho, khó thở, cảm giác có vị kim loại trong khoang miệng, buồn nôn hoặc nôn mửa, chảy máu hoặc sưng nướu răng.
2.2. Dấu hiệu nhiễm độc thuỷ ngân vô cơ
Thủy ngân ở dạng vô cơ gây độc tính cao đối với cơ thể khi vô tình nuốt phải. Khi các loại hóa chất xâm nhập vào cơ thể nó sẽ đi qua dòng máu và gây ảnh hưởng đến não và thận.
Các biểu hiện nhiễm độc thủy ngân vô cơ bao gồm:
- Cảm giác nóng rát ở dạ dày và/hoặc cổ họng kèm theo ợ chua, ợ nóng;
- Buồn nôn nhiều có thể kèm theo nôn ra dịch lẫn thức ăn;
- Rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy;
- Xuất hiện máu trong chất nôn hoặc trong phân;
- Màu sắc nước tiểu thay đổi.
2.3. Dấu hiệu nhiễm độc thuỷ ngân hữu cơ
Thủy ngân hữu cơ gây ra các dấu hiệu cơ thể nhiễm độc thủy ngân nếu bạn hít phải hoặc chạm vào nó. Những biểu hiện nhiễm độc thủy ngân thường không xảy ra ngay lập tức mà diễn biến âm ỉ, xuất hiện sau một khoảng thời gian dài tiếp xúc với hợp chất này. Mặc dù không phải lúc nào cũng phổ biến nhưng việc tiếp xúc với một lượng lớn thủy ngân hữu cơ cùng một lúc có thể gây ra các dấu hiệu nhiễm độc thuỷ ngân. Các dấu hiệu nhiễm độc thuỷ ngân hữu cơ do tiếp xúc lâu dài bao gồm:
- Cảm giác châm chích các đầu ngón tay, ngón chân kèm theo đau tê, tê bì hoặc đau âm ỉ ở một số bộ phận trên cơ thể;
- Run rẩy tay chân, cảm giác run rẩy không kiểm soát được;
- Bước đi không vững;
- Nhìn đôi hoặc nhìn mờ hoặc quáng gà;
- Mất trí nhớ, suy giảm trí nhớ trong ngắn hạn;
- Co giật.
Khi nồng độ thủy ngân trong cơ thể tăng lên, nhiều biểu hiện nhiễm độc thủy ngân sẽ xuất hiện. Những triệu chứng này có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi cũng như mức độ phơi nhiễm của từng người cụ thể.
- Đối với phụ nữ đang trong thời gian mang thai mà có tiếp xúc với lượng lớn methylmercury (một loại thủy ngân hữu cơ) có thể gây tổn thương đến não bộ của thai nhi đang phát triển. Hầu hết các bác sĩ đều khuyến nghị những người phụ nữ đang trong thời gian mang thai nên ăn hạn chế cá hoặc loại bỏ hoàn toàn cá ra khỏi chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là cá kiếm trong thời kỳ mang thai.
- Đối với đối tượng là trẻ em thì thủy ngân cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ban đầu của trẻ. Trẻ bị ngộ độc thủy ngân có thể có biểu hiện nhiễm độc thủy ngân như khả năng vận động bị suy giảm, kỹ năng giải quyết vấn đề chậm, khó khăn khi học nói hoặc hiểu ngôn ngữ, vấn đề với sự phối hợp tay và mắt và về mặt thể chất không nhận thức được môi trường xung quanh
Ngộ độc thủy ngân có thể diễn biến “ thầm lặng” theo thời gian đối với một người tiếp xúc thường xuyên với thủy ngân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ngộ độc thủy ngân xảy ra nhanh chóng và liên quan đến một sự cố cụ thể.
2.4. Biến chứng lâu dài khi bị nhiễm độc thủy ngân
Việc tiếp xúc với hàm lượng thủy ngân cao cũng có thể khiến một người có nguy cơ bị các biến chứng lâu dài, bao gồm tổn thương thần kinh, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản và nhiều nguy cơ khác liên quan đến tim mạch, cụ thể:
- Tổn thương thần kinh: Nồng độ thủy ngân cao trong máu có thể khiến một người có nguy cơ bị tổn thương thần kinh lâu dài. Những ảnh hưởng này có thể rõ rệt hơn ở trẻ em vẫn đang phát triển. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y tế Dự phòng và Sức khỏe Cộng đồng lưu ý rằng nhiều vụ ngộ độc thủy ngân đã dẫn đến tổn thương thần kinh lâu dài, có thể gây ra rối loạn trí thông minh và IQ thấp, phản xạ chậm, khả năng vận động hạn chế, tê bì tay chân, các vấn đề liên quan đến trí nhớ,….
- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Ngộ độc thủy ngân cũng gây nguy hiểm cho hệ thống sinh sản. Nó có thể làm giảm số lượng tinh trùng hoặc giảm khả năng sinh sản và cũng có thể gây ra vấn đề cho thai nhi. Những tác động có thể xảy ra của ngộ độc thủy ngân bao gồm biến dạng và giảm tỷ lệ sống sót của thai nhi cũng như giảm sự phát triển và kích thước của trẻ sơ sinh khi sinh.
- Nguy cơ tim mạch: Thủy ngân giúp thúc đẩy sự tích tụ các gốc tự do trong cơ thể, khiến các tế bào có nguy cơ bị tổn thương. Điều này có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim, bao gồm đau tim và bệnh tim mạch vành.
Việc tiếp xúc lâu dài với thủy ngân hữu cơ có thể gây đe dọa đến tính mạng. Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với thủy ngân hữu cơ, bạn cần chú ý đeo thiết bị bảo hộ cá nhân thích hợp như khẩu trang và găng tay, để giảm nguy cơ gặp phải những vấn đề sức khỏe liên quan đến hợp chất này.
3. Cách dự phòng nhiễm độc thủy ngân
Sau khi đã xác định những dấu hiệu cơ thể nhiễm độc thủy ngân, chúng ta cũng cần nắm được những cách để dự phòng, ngăn ngừa ngộ độc thủy ngân, bao gồm:
- Hạn chế ăn cá do các loại cá có chứa thủy ngân;
- Tránh ăn các loại cá có chứa thủy ngân nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú;
- Sử dụng các thiết bị bảo hộ cá nhân khi xử lý hóa chất và hợp chất;
- Tránh các khu vực trong môi trường của bạn nơi có thủy ngân;
- Thay thế miếng trám amalgam cũ trên răng bằng một giải pháp thay thế an toàn hơn.
Thủy ngân rất nguy hiểm đối với cơ thể con người và tiên lượng của bạn sau khi tiếp xúc phụ thuộc vào lượng thủy ngân xâm nhập vào cơ thể và sức khỏe tổng thể tại thời điểm tiếp xúc. Một số người có các dấu hiệu nhiễm độc thuỷ ngân rất nhẹ và sau khi điều trị để loại bỏ hợp chất này khỏi cơ thể, họ vẫn có sức khỏe tốt sau khi tiếp xúc.
Các trường hợp phơi nhiễm thủy ngân có dấu hiệu nhiễm độc thuỷ ngân nghiêm trọng hơn dẫn đến tiên lượng xấu. Thủy ngân nguyên tố, nếu hít phải có thể gây tổn thương phổi vĩnh viễn và có khả năng gây tổn thương não. Thủy ngân vô cơ có thể gây ra nhiều tổn thương thận và gây tình trạng mất máu. Thủy ngân hữu cơ có thể làm hỏng hệ thống thần kinh trung ương (não và tủy sống). Tiếp xúc cùng lúc với số lượng lớn thủy ngân hoặc tiếp xúc lâu dài có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị.
Tóm lại, bài viết đã nêu lên các dấu hiệu cơ thể nhiễm độc thủy ngân và đặc điểm của nhiễm độc từng loại. Nhiễm độc thủy ngân rất nguy hiểm và để lại nhiều ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Không có cách chữa trị tiêu chuẩn nào cho ngộ độc thủy ngân, vì vậy tốt nhất bạn nên tránh tiếp xúc với lượng thủy ngân cao khi có thể. Bạn có thể loại bỏ các yếu tố nguy cơ bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, công việc hoặc môi trường sống có thể giúp giảm lượng thủy ngân trong cơ thể. Điều cần thiết là phải tham khảo ý kiến bác sĩ khi có dấu hiệu nhiễm độc thuỷ ngân. Cha mẹ và người chăm sóc cũng nên biết các dấu hiệu nhiễm độc thuỷ ngân ở trẻ em và gọi bác sĩ nếu trẻ hoặc trẻ sơ sinh có bất kỳ triệu chứng nào.
Nguồn tham khảo: .betterhealth.vic.gov.au, my.clevelandclinic.org, medicalnewstoday.com
Bài viết của: Mai Thị Bích Ngọc