Formaldehyde, hay còn gọi là formol, là 1 hợp chất hữu cơ không màu, có mùi hăng nồng thường được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm gia dụng và công nghiệp. Mặc dù chất này có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, nhưng việc tiếp xúc với nó quá mức có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc formol gây ra nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
1. Nhiễm độc formol là gì? Vì sao cơ thể nhiễm độc formol?
Formaldehyde, còn được biết đến với tên gọi thông thường là formol, là một hợp chất hữu cơ có công thức hóa học HCHO. Đây là một chất khí không màu, có mùi đặc trưng gây kích ứng mạnh, dễ dàng hòa tan trong nước. Nó không chỉ tồn tại trong tự nhiên mà còn được sản xuất và áp dụng rộng rãi trong công nghiệp, cụ thể:
- Y tế: Trong các phòng thí nghiệm, formol được sử dụng như 1 chất bảo quản hiệu quả, đặc biệt trong việc ướp xác và sát trùng các dụng cụ y tế.
- Sản xuất nhựa và vật liệu xây dựng: Formaldehyde đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp các loại nhựa như phenol formaldehit (PF), và ure formaldehit (UF) và được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất bọt xốp cách nhiệt, vật liệu xây dựng và các sản phẩm nhựa khác.
- Nông nghiệp: Formaldehyde được sử dụng trong sản xuất phân bón và thuốc trừ sâu, giúp tăng năng suất cây trồng và bảo vệ mùa màng.
- Công nghiệp giấy: Formaldehyde được sử dụng để tăng độ bền và chống thấm nước cho giấy, giúp sản phẩm giấy có chất lượng tốt hơn.
- Mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân: Mặc dù còn gây tranh cãi về tính an toàn, formaldehyde vẫn được tìm thấy trong một số loại mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc tóc và thuốc sát trùng với nồng độ cho phép.
Còn trong môi trường tự nhiên, formaldehyde có thể được tìm thấy trong gỗ, lớp sáp bao phủ quả táo, khói thuốc lá, cà chua, động cơ, dầu khí…
Nhiễm độc formol xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với lượng formaldehyde cao hơn mức cho phép. Formaldehyde có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc qua da. Như đã đề cập ở trên, ta có thể suy ra một số nguồn phổ biến gây nhiễm độc formaldehyde bao gồm:
- Sản phẩm gia dụng: Keo dán gỗ, sơn, ván ép gỗ, thảm, rèm cửa, mỹ phẩm, sản phẩm vệ sinh cá nhân,…
- Môi trường làm việc: Ngành sản xuất nhựa, dệt may, chế biến gỗ, phòng thí nghiệm, nhà tang lễ,…
- Khói thuốc lá: Khói thuốc lá chứa lượng lớn formaldehyde.
- Thực phẩm: Một số loại thực phẩm như thịt cá đã qua chế biến, trái cây sấy khô có thể chứa formaldehyde do quá trình bảo quản hoặc chế biến.
2. Nhiễm độc formol có nguy hiểm không?
Mức độ nguy hiểm của nhiễm độc formol phụ thuộc vào lượng formaldehyde tiếp xúc, thời gian tiếp xúc và tình trạng sức khỏe của người bị ảnh hưởng. Triệu chứng ngộ độc formol có thể bao gồm:
- Kích ứng đường hô hấp: Ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, khàn giọng, khó thở, co thắt phế quản, đau tức ngực.
- Kích ứng da và mắt: Nổi mẩn đỏ, ngứa, rát, chảy nước mắt, mờ mắt.
- Kích ứng hệ tiêu hóa: Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng.
- Các triệu chứng nặng: Nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, mất ngủ, run rẩy, đau bụng dữ dội, tiểu tiện ra máu, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong (ở trường hợp ngộ độc cấp tính với liều lượng cao).
Ngoài ra, tiếp xúc lâu dài với formaldehyde còn có nguy cơ cao dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như:
- Ung thư: Formaldehyde được xếp vào nhóm chất gây ung thư ở người bởi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC). Nguy cơ ung thư cao nhất liên quan đến ung thư mũi, họng, phổi và xoang.
- Bệnh về da: Viêm da dị ứng, mẩn đỏ, ngứa ngáy, phát ban.
- Bệnh về hệ hô hấp: Hen suyễn, phù phổi, phù nề thanh quản, viêm phế quản mãn tính, khí phế thũng.
- Yếu sinh sản ở nam giới: Giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.
3. Cơ thể nhiễm độc formol nên xử lý như thế nào?
Khi nghi ngờ bản thân hoặc người xung quanh bị nhiễm độc formol, cần thực hiện các bước sau:
- Loại bỏ nguồn formol: Ngay lập tức di chuyển bệnh nhân khỏi khu vực có formaldehyde. Nếu tiếp xúc qua da, cần rửa sạch da bằng xà phòng và nước.
- Đảm bảo sự thông gió: Mở cửa sổ, cửa ra vào để không khí lưu thông giúp giảm nồng độ formaldehyde có trong môi trường.
- Tìm kiếm sự trợ giúp y tế: Nếu có các triệu chứng ngộ độc, cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, một số biện pháp hỗ trợ giải độc formol có thể được áp dụng, bao gồm:
- Bù nước: Uống nhiều nước tinh khiết để hỗ trợ cơ thể đào thải độc tố.
- Bổ sung vitamin C: Vitamin C có khả năng chống oxy hóa và giảm thiểu tác hại của formaldehyde đối với cơ thể.
- Sử dụng các chất chống oxy hóa khác: Glutathione, N-acetyl cysteine,… cũng có thể giúp hỗ trợ giải độc formol.
Nhiễm độc formol là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được quan tâm và xử lý kịp thời. Việc phòng ngừa tiếp xúc với formaldehyde là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Tuy nhiên, nếu bạn nghi ngờ bản thân hoặc người xung quanh bị nhiễm độc formol, hãy thực hiện các biện pháp xử lý và tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức.
Tài liệu tham khảo: Cdc.gov, Rarediseases.org
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My