Biotin là một loại vitamin nhóm B thiết yếu giúp cơ thể lấy năng lượng và các chất dinh dưỡng từ carbohydrate, protein và chất béo. Biotin kích thích mọc tóc cho những người tóc mỏng hoặc rụng do thiếu hụt biotin. Do đó sử dụng Biotin để kích thích mọc tóc hiện đang là sự lựa chọn của nhiều người.
1. Bioin là gì và công dụng của biotin với sức khỏe?
Biotin là chất gì? Biotin là một loại vitamin nhóm B thiết yếu cho nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Một chất dinh dưỡng thiết yếu được hiểu là chất mà cơ thể không thể sản xuất hoặc không thể tự tổng hợp đủ để cơ thể hoạt động bình thường. Do đó, cơ thể cần được bổ sung biotin từ chế độ ăn uống hoặc thực phẩm bổ sung. Nhiều loại thực phẩm bao gồm lòng đỏ trứng, các loại hạt và đậu có chứa một lượng nhỏ biotin. Vi khuẩn trong ruột già cũng sản xuất biotin.

Biotin có tác dụng gì? Biotin là một chất dinh dưỡng thiết yếu có nhiều tác dụng đối với cơ thể, cụ thể:
1.1. Tác dụng đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể
- Chuyển hóa thức ăn thành năng lượng cho cơ thể sử dụng: Vai trò chính của biotin là giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Cơ thể cũng cần biotin để sản xuất keratin, loại protein tạo nên tóc, da và móng.
- Điều chỉnh tín hiệu tế bào trong cơ thể.
- Quản lý hoạt động gen.
1.2. Điều trị móng tay giòn
Bổ sung biotin giúp điều trị móng tay giòn, mòn. Đồng thời, biotin cũng được sử dụng trong điều trị các tình trạng móng như trachyonychia hoặc móng tay thô, một tình trạng liên quan đến rụng tóc.
Các thử nghiệm lâm sàng gần đây đã xác định bằng chứng cho thấy việc bổ sung biotin có thể cải thiện các tình trạng này cũng như cải thiện độ cứng, độ dày và độ chắc của móng tay. Tuy nhiên, các thử nghiệm này mới được thực hiện với cỡ mẫu nhỏ nên giá trị nghiên cứu cũng còn hạn chế và cần nhiều nghiên cứu hơn nữa.
1.3. Điều trị các rối loạn khác
Biotin có tác dụng gì? Biotin đã được nghiên cứu để sử dụng cho các tình trạng sau:
- Kiểm soát lượng đường trong máu: Một số nghiên cứu nhỏ cho thấy việc bổ sung biotin có tác dụng cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu đối với những người có tiền sử mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Đồng thời, biotin cũng có tác dụng đẩy nhanh quá trình chuyển hóa glucose thành năng lượng, hạn chế lượng đường trong máu tăng quá cao.
- Bệnh thần kinh ngoại biên: Có một số bằng chứng cho thấy việc bổ sung biotin có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên. Biến chứng này có thể gặp ở những người bị tổn thương thần kinh do biến chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2.
- Tăng lipid máu: Biotin có thể thúc đẩy quá trình phân hủy và chuyển hóa lipid được gọi là triglyceride và cholesterol trong cơ thể. Quá trình này được gọi là quá trình chuyển hóa lipid. Việc bổ sung biotin giúp ngăn ngừa tăng lipid máu (cholesterol cao), là một vấn đề phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung biotin giúp duy trì mức cholesterol LDL ở mức thấp, đặc biệt là ở những người mắc bệnh tiểu đường
2. Vì sao biotin có tác dụng kích thích mọc tóc, làm dày tóc?
Nhiều người băn khoăn không biết liệu rằng biotin có kích thích mọc tóc không? Câu trả lời là chưa có nghiên cứu cũng như bằng chứng rõ ràng về vấn đề này.
Biotin là một loại vitamin thiết yếu giúp sản xuất keratin (một loại protein chịu trách nhiệm hình thành móng, da và tóc). Một số nghiên cứu được thực hiện vào năm 2016, đã kết luận rằng việc thiếu hụt biotin trong cơ thể có thể dẫn đến rụng tóc.
Hiện tại, chưa có đủ nghiên cứu để khẳng định chắc chắn rằng biotin có thể giúp tóc mọc. Nhưng biotin đã được chứng minh là có tác dụng ngăn ngừa hói đầu và rụng tóc. Trên thực tế, biotin chủ yếu được sử dụng để điều trị chứng rụng tóc, một tình trạng gây rụng tóc ở mọi giới tính.
Trong một nghiên cứu nhỏ năm 2012, những phụ nữ tự nhận thấy tóc mình mỏng đã cải thiện được độ dày và tốc độ mọc tóc sau khi sử dụng một loại thực phẩm chức năng có chứa thành phần là biotin. Nhưng vì loại thực phẩm bổ sung này có chứa các thành phần khác bao gồm kẽm, sắt cũng cần thiết cho sự phát triển của tóc nên khó có thể kết luận là biotin kích thích mọc tóc.
Ngoài những nghiên cứu này, không có bằng chứng nào chứng minh việc bổ sung biotin hoặc sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc có bổ sung biotin kích thích mọc tóc.
3. Một số cách bổ sung biotin kích thích mọc tóc tốt nhất
Theo Hội đồng Thực phẩm và Dinh dưỡng tại Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia thì mỗi ngày cơ thể cần 30 mcg đối với người lớn trưởng thành và 35 mcg đối với phụ nữ cho con bú.
Đối với những người đang bị rụng tóc, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thực phẩm bổ sung biotin hoặc chế độ ăn giàu biotin hơn và tăng liều lượng lên 3 miligam (hoặc 3.000 mcg) mỗi ngày để chống rụng tóc.
Hiện nay, có nhiều cách để bổ sung biotin cho cơ thể có thể thông qua các loại thực phẩm hoặc các loại thực phẩm chức năng có chứa thành phần loại vitamin này.
- Một số loại thực phẩm giàu biotin: Đây là cách bổ sung tốt nhất để đưa biotin vào cơ thể một cách tự nhiên. Biotin có trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm gan bò (30,8 mcg), trứng (10 mcg), cá hồi (5 mcg), thịt lợn thái lát (3,8 mcg), khoai lang (2,4 mcg), hạnh nhân (1,5 mcg), súp lơ xanh (0,4 mcg).
- Các loại vitamin nhóm B: Đối với những người có một số hạn chế về chế độ dinh dưỡng nhiều biotin hoặc cần bổ sung thêm biotin, một số loại thực phẩm bổ sung có thể được sử dụng thay thế. Để bổ sung, nhiều bác sĩ da liễu ưa chuộng sự kết hợp vitamin nhóm B bao gồm 3 miligam (mg) biotin, 30mg kẽm, 200mg vitamin C và < 1 mg axit folic. Tuy nhiên, sự kết hợp vitamin nhóm B gây ra một số vấn đề liên quan đến dạ dày.
- Dầu gội biotin: Nhiều người sử dụng biotin với mục đích biotin kích thích mọc tóc thì có thể cân nhắc thêm dầu gội biotin. Hiện nay, nhiều nhãn hiệu dầu gội sử dụng biotin trong công thức như một cách để chống rụng tóc. Tuy nhiên, tương tự như nghiên cứu về các chất bổ sung biotin, dữ liệu hỗ trợ mọc tóc từ dầu gội có bổ sung biotin còn hạn chế.

Tóm lại, hiện nay chưa có bằng chứng rõ ràng nào về việc sử dụng biotin kích thích mọc tóc hoặc ngăn ngừa rụng tóc. Nếu bạn muốn bổ sung biotin vào cơ thể có thể cân nhắc đến việc sử dụng chế độ dinh dưỡng hoặc thực phẩm chức năng để tăng tính hiệu quả.
Nguồn: health.clevelandclinic.org – healthline.com
Bài viết của: Ngô Thị Thảo Hiền