Thuốc ức chế miễn dịch được chỉ định điều trị một số bệnh tự miễn, ngăn ngừa thải ghép nội tạng và tế bào gốc, giúp hệ thống miễn dịch nhận biết, ngăn chặn sự tấn công vào các tế bào và mô khỏe mạnh. Vậy việc sử dụng loại thuốc này có gây ra tác dụng phụ gì hay không?
1. Thuốc ức chế miễn dịch là gì được chỉ định cho ai và trong trường hợp nào?
Trước khi tìm hiểu về tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các loại thuốc ức chế miễn dịch là gì và được chỉ định trong trường hợp nào?
1.1 Thuốc ức chế miễn dịch là thuốc gì?
Thuốc ức chế miễn dịch là thuốc kê đơn để giúp hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường. Hệ miễn dịch của chúng ta hoạt động như một cỗ máy có vai trò chống các tác nhân gây hại cho cơ thể như virus, vi khuẩn và các tế bào gây ung thư. Tuy nhiên, đôi khi hệ thống miễn dịch sẽ tấn công nhầm vào các tế bào và mô khỏe mạnh. Lúc này, việc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch sẽ giúp làm chậm hoặc ngừng phản ứng này.
Tuy nhiên, việc sử dụng nhóm thuốc ức chế miễn dịch cũng giống như “con dao 2 lưỡi” có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và nấm.
1.2. Thuốc ức chế miễn dịch được chỉ định cho ai?
Do những tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch nên loại thuốc này chỉ được sử dụng khi được bác sĩ chỉ định. Theo đó, thuốc ức chế miễn dịch sẽ được chỉ định để điều trị các bệnh tự miễn. Những người bệnh đã cấy ghép nội tạng, ghép tế bào gốc được dùng thuốc ức chế miễn dịch để giúp hệ thống miễn dịch không tấn công nhầm vào các cơ quan hoặc tế bào gốc được cấy ghép. Cụ thể:
Bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn là bệnh lý khiến hệ thống ngừng bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại và thực hiện tấn công vào các mô và tế bào khỏe mạnh. Thuốc ức chế miễn dịch giúp hệ thống miễn dịch ngăn ngừa tổn thương tế bào và gây viêm, thậm chí chúng cũng giúp thuyên giảm một số triệu chứng của bệnh tự miễn.
Một số trường hợp mắc bệnh tự miễn có thể được chỉ định sử dụng thuốc ức chế miễn dịch như sau:
- Rụng tóc từng mảng
- Bệnh viêm ruột như các bệnh lý: bệnh Crohn và bệnh viêm loét đại tràng
- Lupus
- Bệnh đa xơ cứng (MS).
- Bệnh vẩy nến
- Viêm khớp dạng thấp (RA).
Cấy ghép tế bào gốc
Trong một số trường hợp, những người bị ung thư máu, rối loạn máu, tủy xương sẽ được chỉ định để cấy ghép tế bào gốc đồng loại. Theo đó, những ca bệnh này sẽ sử dụng tế bào gốc được hiến tặng thay thế cho những tế bào bị suy yếu để giúp cơ thể xây dựng một hệ thống miễn dịch mới. Nhiều tình trạng bệnh lý được điều trị cấy ghép tế bào gốc có thể được chỉ định sử dụng thuốc ức chế miễn dịch như sau:
- Ung thư máu như các bệnh bệnh bạch cầu, bệnh ung thư hạch và bệnh đa u tủy
- Rối loạn về máu: bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia
- Các vấn đề về tủy xương như thiếu máu bất sản
Với một hệ thống miễn dịch mới, chúng có thể coi cơ thể là một vật lạ và bắt đầu tấn công lại các mô và các cơ quan khỏe mạnh, đó còn có thể được gọi là bệnh ghép chống lại vật chủ (GvHD).
Thuốc ức chế miễn dịch có thể có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc GvHD và được sử dụng ngăn ngừa và điều trị GVHD. Tùy thuộc vào từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng thuốc ức chế miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IV) hoặc đường uống khác nhau trong thời gian vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng trong và sau khi cấy ghép tế bào gốc. Thậm chí bạn có thể sử dụng loại thuốc này trong nhiều năm cho đến khi hệ thống miễn dịch mới ổn định.
Cấy ghép nội tạng
Nếu bạn là người bệnh được ghép tạng thì các loại thuốc ức chế miễn dịch cũng giúp cơ thể giảm nguy cơ đào thải cơ quan được cấy ghép. Theo đó, sự đào thải nội tạng xảy ra do hệ thống miễn dịch biết cơ quan được cấy ghép là mới, chúng coi đó là “kẻ xâm nhập” mà cần phải tiêu diệt. Lúc này, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sẽ có tác dụng bảo vệ các cơ quan mới được cấy ghép bằng cách kiểm soát phản ứng của hệ thống miễn dịch.
2. Các tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch?
Bên cạnh những lợi ích thì việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch cũng có thể gây ra nhiều các tác dụng phụ, điển hình như:
- Nổi mụn
- Bệnh đái tháo đường
- Mệt mỏi
- Rụng tóc
- Đau đầu
- Huyết áp cao
- Loét miệng
- Gây bệnh loãng xương
- Tăng cân, thừa cân, khó thực hiện kiểm soát cân nặng
- Đau dạ dày và buồn nôn và nôn
Có thể thấy, các loại thuốc ức chế miễn dịch có thể điều trị thành công một số bệnh tự miễn, đồng thời giúp giảm nguy cơ bị đào thải cơ quan cấy ghép. Tuy nhiên, việc sử dụng nhóm thuốc ức chế miễn dịch giống như “con dao 2 lưỡi”, chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ và những rủi ro, biến chứng tiềm ẩn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Chúng ta đều biết rằng, hệ thống miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn hoặc bệnh ung thư. Tuy nhiên, nếu bạn đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch thì điều này cũng sẽ đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch của bạn sẽ không hoạt động tốt như bình thường để loại bỏ những tác nhân đó. Đây được gọi là tình trạng suy giảm miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng như:
- Nhiễm trùng máu như MRSA và nhiễm trùng huyết .
- Nhiễm nấm như bệnh tưa miệng và nấm da .
- Nhiễm trùng da, điển hình bệnh viêm mô tế bào .
- Nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cảm lạnh, cúm và viêm phổi.
3. Cách nào cải thiện tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch giúp người bệnh có hệ miễn dịch khỏe hơn?
Thuốc ức chế miễn dịch có tác dụng điều trị một số bệnh lý, nhưng chính cơ chế ức chế hệ thống miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ và biến chứng sức khỏe như nhiễm trùng. Vì vậy, hãy thực hiện một số lưu ý dưới đây để giúp bạn có hệ miễn dịch khỏe hơn:
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch đúng liều lượng và cách dùng, tránh thiếu liều hay sử dụng quá liều thuốc.
- Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên trước khi ăn uống, tiếp xúc với các mầm bệnh bệnh.
- Tham khảo tiêm chủng các loại vắc-xin cần thiết.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giàu dưỡng chất như trái cây, rau, ngũ cốc, protein và sữa.
- Hoạt động thể chất nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng sức khỏe.
- Nghỉ ngơi đầy đủ.
- Ngủ đủ giấc.
- Uống đủ nước.
- Giảm căng thẳng.
Bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thuốc ức chế miễn dịch và những tác dụng phụ của chúng. Đây là loại thuốc mang lại cơ hội điều trị bệnh cho nhiều người, nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ và làm tăng nguy cơ biến chứng sức khỏe như nhiễm trùng. Hãy tham khảo và nhờ sự tư vấn của bác sĩ để biết cách sử dụng và hạn chế tối đa những tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch mang lại, giúp nâng cao và bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Nguồn: my.clevelandclinic.org – healthline.com
Bài viết của: Lương Thị Bích Trâm