Độ axit dạ dày có thể thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe, thuốc men và các yếu tố khác. Độ pH quá cao hoặc quá thấp có thể gây ra các tình trạng sức khỏe đáng lưu ý. Vậy dạ dày tăng tiết acid khi nào và chúng ta phải làm sao khi axit dạ dày tăng cao?
1. Dạ dày tăng tiết acid khi nào?
Axit dạ dày rất quan trọng đối với cơ thể, chúng giúp phân hủy thức ăn thành các hạt nhỏ hơn giúp dễ tiêu hóa và hoạt động như một tuyến phòng thủ của cơ thể giúp chống lại các tác nhân như vi khuẩn gây bệnh. Để có được các tác dụng đó đòi hỏi dịch dạ dày phải có tính axit khá cao, tuy nhiên tính axit dạ dày tăng cao đến mức nào?
Độ axit được đo trên thang pH và dao động từ 0 – 14. Chỉ số pH càng thấp thì mức axit càng mạnh. Ngược lại, cất lỏng có tính axit thấp nhất ở mức 14 được gọi là chất có tính kiềm. Mức pH 7 là trung tính, ví dụ như nước tinh khiết. Như vậy, độ axit dạ dày nằm trong khoảng từ 1 – 2, có thể thấy dịch dạ dày có tính axit khá cao vì vậy chúng có thể làm hư hỏng các vật chất dù rất cứng như xương và răng.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ khiến axit dạ dày tăng cao gồm:
- Cơ thể sản xuất quá mức các loại hormone kích hoạt sản xuất axit dạ dày, dẫn đến tăng tiết axit dạ dày;
- Tăng tiết axit dạ dày trở lại sau khi ngừng thuốc làm giảm axit dạ dày;
- Nhiễm H. pylori;
- Tắc lỗ thoát dạ dày;
- Khối u gây tăng tiết axit dạ dày (hiếm khi).
Bị tăng axit dạ dày có thể đi kèm với các triệu chứng của bệnh loét dạ dày gây chảy máu như:
- Bệnh nhân đi ngoài ra phân đen và hắc ín, hoặc phát hiện có máu trong phân;
- Nôn ra máu hoặc nôn ra bã màu cà phê;
- Ngất xỉu, choáng váng;
- Thiếu máu, khó thở mỗi khi tập thể dục, mệt mỏi và có làn da nhợt nhạt hơn so với bình thường.
2. Phải làm sao khi axit dạ dày tăng cao?
Khi axit dạ dày tăng cao, chúng ta nên chú ý một số vấn đề. Tốt nhất chúng ta cần nghiên cứu thêm về các cách thức giúp tác động đến việc sản xuất axit mà không cần phải dùng đến thuốc. Tuy nhiên, theo một đánh giá được thực hiện từ năm 2019, việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống sẽ giúp ích cho những người đang có mức axit dạ dày tăng cao. Những thay đổi này có thể bao gồm các việc làm sau đây:
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì dồn lượng thức ăn vào những bữa ăn lớn, giàu calo;
- Tránh nằm trong 2 – 3 giờ sau khi ăn và tuyệt đối không nên ăn 2 – 3 giờ ngay trước khi đi ngủ;
- Tránh mặc quần áo quá chật gây áp lực lên vòng bụng của bạn;
- Tăng lượng chất xơ trong mỗi khẩu phần ăn hàng ngày;
- Giảm số lượng calo mỗi bữa;
- Tránh hút thuốc;
- Bạn nên tham khảo và thực hành theo chế độ ăn kiêng Địa Trung Hải;
- Nhai thật kỹ thức ăn;
- Bạn có thể xem kẻ thêm việc uống nước giữa các bữa ăn;
- Ngủ đủ giấc;
- Duy trì cân nặng trong mức độ vừa phải.
3. Các điểm cần lưu ý khi bị tăng axit dạ dày
Đừng chủ quan trước tình trạng tăng tiết axit dạ dày, bởi vì tình trạng này có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm nếu nồng độ axit dạ dày cao:
- Nồng độ axit dạ dày cao có thể liên đới với các tình trạng khác như nhiễm trùng ZES hoặc H. pylori;
- Xuất hiện vết loét hở hoặc loét do tiếp xúc với axit dạ dày. Các vết loét thường ở dạ dày hoặc tá tràng còn gọi là loét dạ dày tá tràng. Nhiều người bị loét nhưng không có triệu chứng hoặc có thể có các triệu chứng nghiêm trọng cần được điều trị bằng thuốc khẩn cấp.
- Những người dùng thuốc chống viêm không steroid liều cao trong thời gian dài có nguy cơ bị loét cao hơn.
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) xảy ra nếu độ axit tăng cao và trào ngược trở lên thực quản. Trong nhiều trường hợp, những người bị GERD không có triệu chứng nào nhưng đôi khi có thể gây ợ nóng. Các triệu chứng của GERD.có thể bao gồm: Ợ nóng, đau khi nuốt hoặc khó nuốt, buồn nôn, đau ngực, ho mãn tính hoặc khàn giọng. Nếu không được điều trị, GERD có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng theo thời gian.
Có thể thấy, chúng ta không nên chủ quan trước tình trạng tăng tiết axit dạ dày, tình trạng này nếu kéo dài không được điều trị can thiệp kịp thời có thể làm suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Tài liệu tham khảo: Medicalnewstoday.com, Healthline.com
Bài viết của: Đỗ Mai Thảo