Nhiễm độc kim loại, dù là bất kỳ kim loại nào cũng đều không an toàn cho sức khỏe. Trong đó, nhiễm độc bạc mặc dù ít phổ biến nhưng cũng để lại các hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người bị nhiễm. Vậy nhiễm độc kim loại bạc gây hại cho cơ thể ra sao và có cách nào thải độc hiệu quả không?
1. Nhiễm độc bạc là gì?
Nhiễm độc bạc hay còn gọi là Argyria, đây là một bệnh ngoài da hiếm gặp có thể xuất hiện khi bạc tích tụ trong cơ thể trong một thời gian dài. Bệnh này có thể khiến da, mắt, nội tạng, móng tay và nướu chuyển sang màu xanh xám, đặc biệt là ở những khu vực cơ thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Sự thay đổi màu da này là vĩnh viễn.
Bạc là một nguyên tố tự nhiên có trong lớp vỏ Trái đất. Nó có nhiều công dụng và có thể được chế tạo thành đồ trang sức, đồ dùng trên bàn ăn, gương và pin. Các hạt kim loại nhỏ này hiện diện xung quanh chúng ta mỗi ngày, có trong không khí, thực phẩm, nước uống, chất trám răng, cũng như trong một số loại thuốc và thực phẩm bổ sung. Cơ thể bạn luôn chứa một lượng nhỏ bạc. Tuy nhiên, khi lượng bạc tích tụ quá nhiều trong cơ thể, bạn sẽ xuất hiện các triệu chứng của bệnh argyria.
Bệnh argyria hiếm gặp do việc sử dụng bạc trong sản xuất và y học đã giảm đáng kể trong thế kỷ 21. Những người có nguy cơ cao nhất là những người làm việc với bạc hoặc sử dụng bạc keo như một chất bổ sung chế độ ăn uống.
Một số nguyên nhân cụ thể khiến cho nguy cơ nhiễm độc bạc tăng cao.
- Tiếp xúc nghề nghiệp – chủ yếu ảnh hưởng đến công nhân trong các ngành khai thác bạc, tinh luyện bạc, sản xuất đồ bạc và hợp kim kim loại, màng kim loại trên thủy tinh, dung dịch mạ điện đồ sứ, và xử lý ảnh.
- Sử dụng thuốc chứa muối bạc – sử dụng muối bạc trong thời gian dài để rửa niêm mạc niệu đạo hoặc mũi, trong thuốc nhỏ mắt, băng vết thương và sử dụng quá nhiều thuốc hút chứa bạc axetat.
- Thực phẩm bổ sung bạc dạng keo – được bán rộng rãi như một phương pháp điều trị viêm khớp, tiểu đường, ung thư, nhiễm trùng herpes và AIDS.
- Các thủ thuật phẫu thuật và nha khoa – chỉ khâu bạc dùng trong phẫu thuật bụng và miếng trám răng bằng bạc (hình xăm amalgam).
2. Nhiễm độc kim loại bạc có hại đến cơ thể như thế nào? Nhiễm độc bạc có nguy hiểm không?
Nhiễm độc kim loại bạc có nguy hiểm không, ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào là thắc mắc chung của nhiều người. Trên thực tế, khi cơ thể nhiễm một kim loại nào đó với lượng lớn, điều này hoàn toàn không tốt và có thể gây hại đến các hệ cơ quan, nhiễm độc bạc không phải là ngoại lệ.
2.1 Triệu chứng của nhiễm độc kim loại bạc
Khi nhiễm độc bạc nhưng chưa được chẩn đoán, bạn có thể nhận thấy những thay đổi bất thường sau đây của cơ thể:
- Da có thể thay đổi màu sắc sang xanh xám hoặc xám.
- Vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể trở nên sẫm màu hơn (tăng sắc tố).
- Móng tay có thể trở nên sẫm màu hơn bình thường.
- Các nốt sần nhỏ (sẩn) có thể hình thành trên một mảng da có màu xanh đến xám.
Các dấu hiệu ban đầu của tình trạng nhiễm độc kim loại bạc có thể xuất hiện ở miệng, với một phần nướu chuyển sang màu nâu xám trước khi lan ra da. Các triệu chứng của bạn có thể khác nhau dựa trên hàm lượng bạc nhiễm vào cơ thể, con đường gây ra nhiễm độc bạc, thời gian kim loại bạc tồn tại và các triệu chứng bổ sung do bạc tích tụ lâu ngày. Một số triệu chứng do nhiễm độc kim loại này gây ra là:
- Đau bụng.
- Mệt mỏi.
- Đau đầu.
- Tổn thương thận.
- Kháng một số loại thuốc.
- Kích ứng da.
- Co giật.
2.2 Nhiễm độc bạc có nguy hiểm không?
Theo quan điểm chung của các nhà khoa học, nhiễm độc kim loại là một tình trạng không tốt cho sức khỏe. Nhưng trong y học ngày nay, bạc là một kim loại có tính kháng khuẩn được dùng phổ biến như bạc nitrat bôi nướu răng, kem bạc sulfadiazine dùng để ngăn ngừa nhiễm trùng ở vết thương và vết bỏng.
Mặc dù với hàm lượng nhỏ, nhưng dùng lâu dài có thể gây tích tụ và nhiễm độc bạc. Thêm vào đó, dù chưa có biến chứng tử vong do nhiễm độc kim loại này (không tính trường hợp dị ứng), nhưng các ảnh hưởng lên hệ thần kinh và các cơ quan như thận, gan là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu hàm lượng tích tụ bạc trong cơ thể tăng cao.
3. Nhiễm độc kim loại bạc phải làm sao?
Mặc dù nhiễm độc bất kỳ kim loại nào cũng không tốt cho sức khỏe, nhưng với tình trạng nhiễm độc bạc, hiện nay phương pháp tốt nhất để phòng tránh các rủi ro là hãy nhưng dùng các dược phẩm hay thực phẩm mà trong thành phần có chứa bạc để ngăn ngừa tình trạng nặng thêm. Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng một số cách sau để hạn chế tác hại của nhiễm độc bạc trên da.
- Sự thay đổi màu da thường sẽ không biến mất, tuy nhiên, kem chống nắng có thể giúp ngăn ngừa da trở nên sẫm màu hơn. Trang điểm có thể che giấu tác động của argyria trên da bạn.
- Sử dụng kem chứa hydroquinone 5% trên da có thể giảm lượng bạc trong da và cải thiện vẻ ngoài của da.
Nguồn: my.clevelandclinic.org – dermnetnz.org
Bài viết của: Trần Thanh Liêm