Giấc ngủ và chế độ dinh dưỡng được chứng minh có sự liên kết với nhau. Tình trạng thiếu hụt vitamin A, C, D, E, K và magie có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của chúng ta. Vậy trằn trọc khó ngủ thiếu chất gì hay bị khó ngủ bổ sung vitamin gì?
1. Người trằn trọc khó ngủ thiếu chất gì?
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ, bao gồm cả chế độ ăn uống. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng sự thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Vậy người bị trằn trọc khó ngủ thiếu chất gì?
1.1 Vitamin D
Nếu bạn thắc mắc bị khó ngủ là thiếu chất gì thì thiếu hụt vitamin D có thể là yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng trằn trọc khó ngủ. Một nghiên cứu năm 2018 chỉ ra mối liên quan giữa lượng vitamin D trong cơ thể thấp với thời gian ngủ ngắn và chất lượng giấc ngủ kém.
Nguyên nhân được cho là do các thụ thể vitamin D có ở hầu hết các mô cơ thể và phân bố rộng rãi khắp não ở các khu vực vỏ não trán trước, vùng dưới đồi, chất đen và chất xám trung tâm não giữa. Những vùng não này đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa giấc ngủ, có nghĩa là nồng độ vitamin D trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến chu kỳ ngủ-thức.
1.2 Vitamin C
Nồng độ vitamin C trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của chúng ta. Vitamin C là chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lại stress oxy hóa. Căng thẳng oxy hóa xảy ra khi các phân tử không ổn định tích tụ trong cơ thể và gây tổn hại cho các tế bào và mô khỏe mạnh.
Giấc ngủ kém có thể góp phần làm tăng mức độ căng thẳng oxy hóa và quá nhiều căng thẳng oxy hóa có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về giấc ngủ. Vì vậy, thiếu vitamin C chính là câu trả lời cho câu hỏi, bị khó ngủ là thiếu chất gì.
1.3 Vitamin B
Vitamin nhóm B bao gồm vitamin B3, B6, B9 và B12 có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hormone giấc ngủ. Ngoài ra, những người bị thiếu vitamin B1 hoặc vitamin B2 có thể cảm thấy mệt mỏi và khó ngủ.
Vitamin B12 tham gia vào quá trình tạo melatonin, hormone giúp kiểm soát giấc ngủ. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy thiếu vitamin B12 có thể liên quan đến giấc ngủ ngắn, khó ngủ và buồn ngủ vào ban ngày.
Vitamin B6 có thể có lợi cho người bị mất ngủ, vì cải thiện chất lượng giấc ngủ rất tốt và giảm các triệu chứng của hội chứng chân không yên, một chứng rối loạn giấc ngủ có thể khiến mọi người tỉnh táo và không thể cưỡng lại được sự thôi thúc cử động chân.
1.4 Vitamin A
Vitamin A và các hợp chất liên quan có vai trò phát hiện ánh sáng trong mắt. Do đó, vitamin A có thể góp phần điều chỉnh chu kỳ ngủ-thức, ảnh hưởng đến thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ. Vì vậy, những người tiêu thụ ít vitamin A và các hợp chất liên quan có xu hướng thiếu ngủ.
1.5 Vitamin K
Các nghiên cứu đã chứng minh có mối liên hệ giữa lượng vitamin K thấp với giấc ngủ ngắn và chất lượng giấc ngủ kém. Vitamin K thấp cũng có thể gây ra chứng trầm cảm và stress oxy hóa, cả hai tình trạng này đều ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh.
1.6 Magie
Magie là một loại khoáng chất có mặt tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng thiếu magie dẫn đến rối loạn giấc ngủ do các quá trình liên quan đến chu kỳ ngủ – thức bị gián đoạn. Do đó, khi bạn không biết mình bị khó ngủ do thiếu chất gì thì magie là một câu trả lời cho câu hỏi này.
2. Có nên bổ sung các dưỡng chất này khi khó ngủ không và cách bổ sung?
Chúng ta đã biết được câu trả lời cho câu hỏi, khó ngủ do thiếu chất gì. Khi nguyên nhân bạn bị trằn trọc khó ngủ là do tình trạng thiếu hụt các vitamin và khoáng chất thì bạn cần cung cấp những dưỡng chất thiếu hụt này cho cơ thể để cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Vậy bị khó ngủ bổ sung vitamin gì? Câu trả lời là bổ sung vitamin A, vitamin B, vitamin C, vitamin D, vitamin K và magie bị thiếu hụt cho cơ thể có thể giúp cải thiện giấc ngủ tốt hơn.
Tiến sĩ Umeda khuyên rằng bạn nên cố gắng để bổ sung những vitamin và khoáng chất thiếu hụt này thông qua chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Nếu chế độ ăn uống của bạn lành mạnh thì cơ thể sẽ hấp thụ đủ lượng vitamin. Đồng thời, bạn có thể kết hợp với những thay đổi đơn giản trong lối sống để cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thảo luận với bác sĩ chuyên khoa về việc sử dụng vitamin tổng hợp và liều lượng cần bổ sung hàng ngày của một loại vitamin cụ thể. Bạn không nên lạm dụng vitamin hoặc dùng kết hợp nhiều loại vitamin khác nhau vì có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ thay vì giúp bạn ngủ ngon hơn.
3. Các điểm cần lưu ý để giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ
Chúng ta đã biết được trằn trọc khó ngủ thiếu chất gì và khó ngủ bổ sung vitamin gì. Tuy nhiên, tình trạng mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra, bao gồm:
- Lịch đi ngủ không đều.
- Thói quen sống không lành mạnh, chẳng hạn như chơi trò chơi điện tử vào buổi tối làm kích thích não.
- Ăn đêm.
- Tình trạng sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như rối loạn lo âu và trầm cảm.
- Tình trạng thoái hóa thần kinh, chẳng hạn như bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ.
- Một số loại thuốc như thuốc điều trị trầm cảm, hen suyễn và cao huyết áp.
- Rối loạn liên quan đến giấc ngủ, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ và hội chứng chân không yên.
- Tiêu thụ rượu, nicotin và caffeine.
Bên cạnh việc bổ sung các dưỡng chất cho cơ thể thì bạn có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng cách thực hiện một số biện pháp như sau:
- Tuân theo nhịp sinh học của cơ thể: Nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể sẽ giúp cơ thể phát huy hiệu quả hoạt động tốt nhất và giấc ngủ cũng cần tuân theo nhịp sinh học này. Do đó, bạn cần thiết lập giờ thức và ngủ nhất định và thực hiện đều đặn mỗi ngày để cơ thể dễ đi vào giấc ngủ và đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
- Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mạnh trước khi ngủ: Cơ thể chúng ta sẽ tự tạo hormone tự nhiên để điều chỉnh chu kỳ thức – ngủ dựa trên lượng ánh sáng tiếp xúc. Vì vậy, nếu cơ thể tiếp xúc với nhiều ánh sáng mạnh về đêm muộn thì hormone này sẽ không được tiết ra gây mất ngủ. Do đó, khoảng 1 giờ trước khi đi ngủ bạn nên tránh sử dụng các thiết bị có ánh sáng mạnh như điện thoại, máy tính bảng và tivi. Ngoài ra, phòng ngủ cần đảm bảo thông thoáng, có rèm che ánh sáng để hạn chế ánh sáng từ bên ngoài và không bật đèn quá sáng.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục đều đặn mỗi ngày sẽ khiến bạn cảm thấy ít buồn ngủ hơn vào ban ngày và ngủ ngon hơn vào ban đêm. Điều này sẽ giúp cải thiện tình trạng mất ngủ, chứng ngưng thở khi ngủ và tạo điều kiện để cơ thể phục hồi trong khi ngủ.
- Ăn uống lành mạnh: Thói quen ăn uống hàng ngày và trước khi đi ngủ cũng đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng giấc ngủ. Bên cạnh chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng thì bạn cũng cần tránh tiêu thụ những đồ uống và thực phẩm gây kích thích thần kinh trước khi đi ngủ vào buổi chiều như nicotine, caffeine và rượu bia.
Bài viết đã giúp chúng ta biết được khó ngủ là thiếu chất gì hay bị khó ngủ bổ sung vitamin gì. Sự thiếu hụt vitamin A, C, D, E, K và magie có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Việc bổ sung những vitamin và khoáng chất này thông qua chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với thay đổi lối sống có thể làm tăng chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ.
Nguồn: medicalnewstoday.com – health.clevelandclinic.org
Bài viết của: Chu Yến Nhi