Một đêm tiệc tùng thâu đêm có thể để lại dư vị khó quên, nhưng không phải theo cách bạn mong muốn. Cảm giác mệt mỏi, choáng váng và uể oải sau khi thức dậy là điều không thể tránh khỏi. Nhưng tại sao chúng ta lại cảm thấy kiệt sức như vậy khi thức dậy sau đêm say rượu? Hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân đằng sau cơn say mệt mỏi này và khám phá giải pháp giúp bạn nhanh chóng lấy lại năng lượng.
1. Vì sao thức dậy sau đêm say rượu lại thấy mệt mỏi?
Bạn có thể bắt đầu cảm thấy tác dụng của rượu chỉ sau 10 phút uống, khi cồn được hấp thụ nhanh chóng vào máu qua dạ dày và ruột non. Đồ uống càng mạnh thì càng được hấp thụ nhanh, ví dụ như rượu mạnh sẽ khiến bạn say nhanh hơn bia. Tuy nhiên, tốc độ hấp thụ này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như cân nặng và việc bạn có ăn no hay chưa.
Mỗi loại đồ uống có cồn có nồng độ cồn khác nhau, ví dụ như bia nhẹ khoảng 4.2%, bia thường khoảng 5%, rượu vang khoảng 12%, và rượu mạnh như gin, rum, whisky khoảng 40%.
Gan của bạn là bộ phận chịu trách nhiệm phân hủy cồn, và mất khoảng 1 giờ để xử lý lượng cồn trong một ly đồ uống tiêu chuẩn. Nếu bạn uống nhanh hơn tốc độ gan phân hủy, nồng độ cồn trong máu sẽ tăng lên và bạn sẽ cảm thấy say.
Thức dậy sau đêm say rượu và mệt mỏi không đơn giản là do bạn uống quá nhiều. Thực chất, cơ thể bạn đã trải qua một loạt phản ứng sinh hóa phức tạp. Mất nước, mất cân bằng điện giải, rối loạn giấc ngủ, hạ đường huyết và viêm nhiễm là những “thủ phạm” chính gây ra tình trạng kiệt sức sau khi thức dậy. Rượu, với đặc tính lợi tiểu, khiến cơ thể mất đi lượng lớn nước và các chất điện giải quan trọng, dẫn đến mệt mỏi, chóng mặt và đau đầu. Đồng thời, giấc ngủ bị gián đoạn và quá trình sản xuất glucose của gan bị cản trở càng làm tăng thêm cảm giác mệt mỏi và uể oải.
2. Với nhóm người hay tiệc tùng làm sao nhanh hồi phục sau cơn say rượu?
Nếu bạn là người hay đi uống rượu, việc nhanh chóng hồi phục sau cơn say là điều cần thiết để duy trì năng lượng và sức khỏe. Dưới đây là một số cách giúp bạn giảm thiểu tác động của rượu và lấy lại phong độ:
2.1. Cách giải rượu trước khi ngủ
Cách tốt nhất để giải rượu là ngủ một giấc thật ngon. Suốt đêm, gan của bạn sẽ có thời gian để chuyển hóa (phân hủy) tất cả lượng cồn trong cơ thể. Mặc dù bạn sẽ dễ dàng ngủ thiếp đi khi say, nhưng giấc ngủ của bạn có thể sẽ bị chập chờn và nông. Dưới đây là một vài mẹo có thể giúp bạn chuẩn bị cho một ngày mới dễ chịu hơn:
- Uống 1 cốc nước lớn trước khi đi ngủ để chống lại tác dụng mất nước của rượu.
- Để 1 cốc nước lớn khác trên bàn cạnh giường ngủ và nhấp từng ngụm bất cứ khi nào bạn thức dậy.
- Để sẵn thùng rác, xô hoặc bát bên cạnh giường của bạn trong trường hợp bạn cần nôn mửa.
- Tránh dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Bạn cần đợi 25 giờ sau khi uống rượu mới được dùng Ibuprofen (Advil, Motrin) để tránh kích ứng đường tiêu hóa. Ngoài ra, trong khi rượu còn trong người, hãy tránh các sản phẩm có chứa Acetaminophen, như Tylenol và một số dạng Excedrin. Những loại thuốc này có thể tương tác với rượu và có thể gây tổn thương gan.
- Không bao giờ dùng thuốc ngủ hoặc các thuốc an thần khác khi bạn đã uống rượu.
- Đặt báo thức dự phòng nếu bạn cần dậy sớm.
2.2. Cách giải rượu vào buổi sáng
Thức dậy sau đêm say rượu, không ít người phải trả giá cho cuộc vui tối qua. Hầu hết các cơn say đều tự khỏi trong vòng 24 giờ. Cách chữa trị tốt nhất là thời gian và nghỉ ngơi, nhưng có một vài bước bạn có thể thực hiện để giúp giảm bớt sự khó chịu:
- Ngủ tiếp. Nếu giấc ngủ khi say vẫn chưa giúp bạn nghỉ ngơi và phục hồi đủ, thì việc “ngủ cố thêm” sau khi đã dậy có thể giúp giảm bớt tình trạng say.
- Uống nước để chống lại tác dụng mất nước của rượu.
- Điều trị rối loạn dạ dày bằng thuốc không kê đơn.
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn để điều trị chứng đau đầu. Tuy nhiên bạn nên tránh acetaminophen vì tác động của nó đối với gan.
- Đóng rèm cửa và tránh ánh sáng chiếu vào mắt, hoặc đeo kính râm. Cơn say có thể khiến bạn nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh.
- Ăn thức ăn nhẹ như bánh mì nướng và bánh quy để tăng lượng đường trong máu mà không gây kích ứng dạ dày.
- Thận trọng khi tiêu thụ caffeine. Caffeine có thể giúp xua tan mệt mỏi liên quan đến cơn say, nhưng nó cũng có thể khiến tình trạng đau dạ dày trở nên trầm trọng hơn.
3. Cách áp dụng an toàn, hiệu quả
Để đạt hiệu quả tốt nhất, hãy kết hợp các biện pháp trên một cách khoa học và điều độ. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên gặp phải tình trạng mệt mỏi sau khi uống rượu hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng dữ dội, nôn mửa liên tục, khó thở, hãy tìm đến sự trợ giúp y tế ngay lập tức.
Nguồn: healthline.com – everydayhealth.com – medicalnewstoday.com – healthline.com
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My