Bệnh mãn tính là khái niệm được dùng để chỉ những căn bệnh kéo dài, thường không thể chữa khỏi hoàn toàn và đòi hỏi sự theo dõi, điều trị lâu dài. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động sâu sắc đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy, bệnh mãn tính gồm các bệnh nào , hậu quả của bệnh mãn tính là gì và làm thế nào để sống chung với bệnh một cách tích cực?
1. Bệnh mãn tính là gì? Bệnh mãn tính gồm các bệnh nào?
Bệnh mãn tính là những bệnh lý kéo dài ít nhất 1 năm, không tự khỏi và thường đòi hỏi sự chăm sóc y tế liên tục. Chúng có thể tiến triển chậm hoặc nhanh, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Vậy bệnh mãn tính gồm các bệnh nào? Thông thường các nhóm bệnh mãn tính phổ biến bao gồm:
- Bệnh tim mạch: Tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim, đột quỵ…
- Ung thư: Ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng…
- Bệnh hô hấp mãn tính: Hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)…
- Bệnh chuyển hóa: Tiểu đường, rối loạn lipid máu…
- Bệnh cơ xương khớp: Viêm khớp, thoái hóa khớp, loãng xương…
- Bệnh thần kinh: Parkinson, Alzheimer, đa xơ cứng…
- Bệnh tâm thần: Trầm cảm, rối loạn lo âu…
2. Hậu quả của bệnh mãn tính đối với sức khỏe? Bệnh mãn tính có nguy hiểm không?
Bệnh mãn tính không chỉ gây ra những triệu chứng cụ thể mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như đau đớn, mệt mỏi và rối loạn tâm trạng. Những triệu chứng này có thể dai dẳng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Bên cạnh việc đối mặt với bệnh tật, bạn còn phải dành thời gian và công sức để tự chăm sóc bản thân, chẳng hạn như duy trì uống thuốc đều đặn hay thực hiện các bài tập rèn luyện sức khỏe. Những áp lực này có thể dẫn đến căng thẳng kéo dài.
Bệnh tật cũng có thể làm thay đổi ngoại hình, khiến bạn cảm thấy tự ti và thu mình. Những thay đổi này có thể tác động tiêu cực đến hình ảnh bản thân và khiến bạn xa lánh bạn bè, các hoạt động xã hội. Rối loạn tâm trạng như trầm cảm và lo âu thường gặp ở người bệnh mãn tính, nhưng đừng quên rằng chúng hoàn toàn có thể điều trị được.
Hậu quả của bệnh mãn tính còn tác động đến khả năng làm việc. Bạn có thể phải thay đổi cách làm việc để thích nghi với các triệu chứng như cứng khớp, giảm khả năng vận động. Nếu không thể tiếp tục công việc, bạn có thể gặp khó khăn về tài chính.
Đối với những người nội trợ, việc nhà có thể trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Bạn có thể cần sự hỗ trợ từ người thân, bạn đời hoặc dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà. Những thay đổi trong cuộc sống có thể khiến bạn cảm thấy mất kiểm soát, lo lắng và bất an về tương lai. Trong một số gia đình, có thể xảy ra tình trạng đảo ngược vai trò, khi người trước đây ở nhà nay phải đi làm.
Căng thẳng tích tụ có thể ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận cuộc sống. Căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như thất vọng, tức giận, tuyệt vọng, thậm chí là trầm cảm. Không chỉ bạn mà cả gia đình bạn cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những vấn đề sức khỏe này.
3. Cách nào giảm tác động của bệnh, nâng cao sức khoẻ tổng thể của bệnh nhân?
Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng việc quản lý và điều trị đúng cách có thể giúp kiểm soát bệnh mãn tính, giảm thiểu các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều này đòi hỏi sự thay đổi lối sống, tuân thủ điều trị và tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh.
- Thay đổi lối sống là một trong những yếu tố quan trọng nhất để kiểm soát bệnh mãn tính. Chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng, ít chất béo bão hòa, cholesterol, muối và đường, cùng với việc tăng cường rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Bên cạnh đó, tập thể dục vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần cũng rất cần thiết. Hút thuốc và uống rượu bia là những thói quen xấu cần loại bỏ hoặc hạn chế tối đa, vì chúng làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính và làm bệnh tiến triển nặng hơn. Quản lý căng thẳng thông qua các kỹ thuật thư giãn như yoga, thiền, hít thở sâu và ngủ đủ giấc 7-8 tiếng mỗi đêm cũng là những yếu tố quan trọng giúp cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi.
- Tuân thủ điều trị là yếu tố không thể thiếu trong quá trình kiểm soát bệnh mãn tính. Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, đi khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh và điều chỉnh phác đồ điều trị nếu cần thiết, cũng như tham gia các chương trình giáo dục sức khỏe để hiểu rõ hơn về bệnh và cách tự chăm sóc bản thân là những việc làm cần thiết.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh cũng rất quan trọng. Chia sẻ với người thân, bạn bè hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ để nhận được sự động viên và chia sẻ kinh nghiệm có thể giúp người bệnh cảm thấy được thấu hiểu và có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật. Nếu cần thiết, hãy tìm đến các chuyên gia tư vấn tâm lý để được hỗ trợ về mặt tinh thần.
Bệnh mãn tính là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người bệnh. Tuy nhiên, bằng cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa, thay đổi lối sống lành mạnh, tuân thủ phác đồ điều trị và tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh, người bệnh hoàn toàn có thể sống chung với bệnh một cách tích cực.
Tài liệu tham khảo: Ncbi.nlm.nih.gov, Aihw.gov.au, Cdc.gov, My.clevelandclinic.org
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My