Nồng độ axit dạ dày cao có thể xảy ra do một số nguyên nhân như nhiễm trùng hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Khi bị thừa axit dạ dày, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như: đầy hơi, đau bụng và giảm cân không chủ ý. Vậy làm sao để nhận biết các dấu hiệu thừa axit dạ dày cũng như có thể làm gì để giảm ảnh hưởng của tình trạng này đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống?
1. Các nguyên nhân gây thừa axit dạ dày
Có một số nguyên nhân có thể dẫn đến triệu chứng thừa axit dạ dày. Thông thường, những tình trạng này dẫn đến việc sản xuất quá nhiều hormone gastrin. Gastrin là một loại hormone kích thích dạ dày tăng sản xuất nhiều axit hơn.
Một số nguyên nhân phổ biến nhất gây thừa axit dạ dày bao gồm:
- Tăng tiết axit hồi phục: Thuốc chẹn H2 là một loại thuốc làm giảm axit dạ dày. Đôi khi, những người ngừng dùng thuốc này có thể bị tăng axit dạ dày. Có bằng chứng cho thấy điều này xảy ra sau khi ngừng sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI), mặc dù điều này còn gây tranh cãi.
- Hội chứng Zollinger-Ellison: Với tình trạng hiếm gặp này các khối u gọi là u tiết gastrin hình thành trong tuyến tụy và ruột non của cơ thể. Gastrinomas tạo ra lượng gastrin cao, gây tăng axit dạ dày và dẫn đến các dấu hiệu thừa axit dạ dày.
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori: H. pylori là một loại vi khuẩn có thể xâm nhập dạ dày và gây loét. Một số người bị nhiễm H. pylori cũng có thể bị axit dạ dày cao.
- Tắc nghẽn đường ra dạ dày: Khi đường dẫn từ dạ dày đến ruột non bị tắc nghẽn có thể dẫn đến tăng axit dạ dày.
- Suy thận mãn tính: Trong một số trường hợp hiếm gặp, những người bị suy thận hoặc những người đang chạy thận nhân tạo có thể sản sinh ra lượng gastrin cao, dẫn đến tăng sản xuất axit dạ dày và gây ra các triệu chứng dư axit dạ dày.
Điều quan trọng cần lưu ý là đôi khi không thể xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng axit dạ dày cao. Khi không thể xác định được nguyên nhân của một tình trạng, nó được gọi là vô căn.
2. Các triệu chứng thừa axit dạ dày
Nếu nồng độ axit trong dịch dạ dày quá cao, chất nhầy trong dạ dày có thể ngừng hoạt động. Những người mắc các bệnh gây ra nồng độ axit dạ dày cao có thể có các triệu chứng bao gồm:
- Cảm giác nóng rát sau xương ức: Triệu chứng này có thể xuất hiện sau khi ăn hoặc khi nằm ngửa. Người bệnh có thể mô tả cảm giác như có một đám lửa trong ngực hoặc một cảm giác đau nhức.
- Trào ngược axit dạ dày: Đây là sự trào ngược ngược lại của acid và thức ăn, lên từ dạ dày đến họng và gây ra cảm giác nôn mửa, ho hoặc cảm giác khó thở.
- Đau họng: Một triệu chứng dư axit dạ dày khác là đau họng do Acid từ dạ dày trào ngược lên gây ra viêm loét và kích thích họng, từ đó dẫn đến cảm giác đau hoặc khó chịu trong vùng họng.
- Táo bón hoặc tiêu chảy: Một số người bệnh có thể trải qua các vấn đề tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy như là một triệu chứng thừa axit dạ dày. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp thừa axit dạ dày gây ra các vấn đề tiêu hóa này.
- Nôn mửa hoặc khó tiêu: Khi dạ dày bị trào ngược, có thể gây ra cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa. Ngoài ra, cảm giác no hoặc khó tiêu cũng có thể xuất hiện sau khi ăn.
- Dấu hiệu thừa axit dạ dày khác: Thừa axit dạ dày kéo dài có thể gây ra viêm thực quản, làm tăng nguy cơ viêm loét hoặc các vấn đề khác của dạ dày.
3. Làm gì khi bị triệu chứng thừa axit dạ dày ?
Nếu cơ thể đang có các dấu hiệu thừa axit dạ dày thì cần làm gì? Tình trạng axit dạ dày cao có thể được điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau như thuốc ức chế bơm protein (PPI) hoặc thuốc chẹn H2. Những loại thuốc này có tác dụng làm giảm sản xuất axit dạ dày. PPI có hiệu quả cao hơn thuốc chẹn H2. Chúng thường được dùng bằng đường uống nhưng có thể được tiêm tĩnh mạch trong những trường hợp nặng hơn.
Nếu axit dạ dày cao là do nhiễm H. pylori, bạn sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh cùng với PPI. Thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn trong khi PPI sẽ giúp giảm sản xuất axit dạ dày.
Đôi khi phẫu thuật có thể được khuyến khích, chẳng hạn như cắt bỏ u tiết gastrin ở những người mắc hội chứng Zollinger-Ellison. Ngoài ra, những người bị loét nặng có thể cần phải phẫu thuật để cắt bỏ một phần dạ dày hoặc cắt dây thần kinh phế vị để điều trị triệu chứng thừa axit dạ dày.
Nếu chứng ợ nóng là một trong những triệu chứng, bạn có thể thay đổi chế độ ăn uống để giúp giảm triệu chứng bằng cách:
- Chia bữa ăn thành các bữa nhỏ hơn và thường xuyên hơn
- Theo chế độ ăn kiêng low-carb
- Hạn chế uống rượu, caffeine và đồ uống có ga
- Tránh những thực phẩm làm chứng ợ nóng nặng hơn
Trên đây là một số dấu hiệu thừa axit dạ dày thường gặp. Việc nhận biết và hiểu rõ những triệu chứng này là quan trọng để có thể tìm ra giải pháp điều trị hiệu quả. Tuy thừa axit dạ dày có thể gây ra khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nhưng may mắn là có nhiều phương pháp điều trị và thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát tình trạng này. Hãy luôn lắng nghe cơ thể và đưa ra những quyết định thông minh để giữ gìn sức khỏe dạ dày và cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.
Nguồn: healthline.com
Bài viết của: Nguyễn Thị Thanh Thuý