Mất nước sau phẫu thuật là một vấn đề phổ biến và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phục hồi của bệnh nhân. Việc bổ sung nước cho người bệnh phẫu thuật là vô cùng quan trọng để đảm bảo các chức năng sinh lý diễn ra bình thường và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
1. Mất nước sau phẫu thuật là gì? Vì sao cần bổ sung nước cho người bệnh phẫu thuật?
Cơ thể con người chứa khoảng 60% là nước, một thành phần thiết yếu cho sức khỏe và thể trạng tổng thể. Nước không chỉ giúp chuyển hóa chất béo, giải độc gan và thận, loại bỏ chất thải mà còn điều hòa thân nhiệt, bảo vệ và làm đệm cho các khớp và cơ quan, hỗ trợ tiêu hóa, đồng thời tăng cường mức năng lượng và sự minh mẫn.
Đặc biệt, nước càng trở nên quan trọng hơn sau phẫu thuật giảm béo (bariatric surgery). Đây là yếu tố cần thiết cho việc hấp thụ các vi chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin và khoáng chất, rất quan trọng đối với bệnh nhân phẫu thuật giảm cân. Trong những tuần đầu sau phẫu thuật, khi nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng gia tăng, nước đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các chất bổ sung dinh dưỡng vào cơ thể, hỗ trợ quá trình phục hồi và duy trì sức khỏe.
Mất nước sau phẫu thuật là tình trạng cơ thể mất đi một lượng lớn nước và các chất điện giải quan trọng như natri, kali, clorua… Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như mất máu trong quá trình phẫu thuật, sốt, nôn mửa, tiêu chảy, đổ mồ hôi hoặc do hạn chế uống nước.
Bổ sung nước cho người bệnh phẫu thuật là vô cùng quan trọng, vì nước đóng vai trò thiết yếu trong nhiều quá trình sinh lý của cơ thể, bao gồm:
- Điều hòa thân nhiệt: Nước giúp duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định, đặc biệt là sau phẫu thuật khi cơ thể dễ bị sốt.
- Vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy: Nước giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng và oxy đến các tế bào, đồng thời loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể.
- Hỗ trợ quá trình lành vết thương: Nước cần thiết cho quá trình tái tạo tế bào và mô, giúp vết thương mau lành.
- Ngăn ngừa táo bón: Mất nước là một trong những nguyên nhân gây táo bón, một vấn đề thường gặp sau phẫu thuật.
2. Dấu hiệu và nguyên nhân gây mất nước sau phẫu thuật?
Cơ thể thường có những cơ chế tự nhiên để báo hiệu khi bạn cần bổ sung nước. Những dấu hiệu này bao gồm:
- Khát nước sau phẫu thuật (để tăng lượng nước uống vào)
- Nước tiểu sẫm màu hơn (màu vàng sẫm, đặc)
- Lượng nước tiểu giảm (cơ thể cố gắng giữ nước)
- Khô da, khô môi, lưỡi sưng
- Đau đầu.
- Đói.
- Táo bón.
- Chóng mặt, yếu, mệt mỏi hoặc thờ ơ.
- Tay và chân lạnh.
Khi mất nước nhiều hơn, nhiều triệu chứng khác có thể xuất hiện, chẳng hạn như:
- Tăng cảm giác khát.
- Ngừng sản xuất nước mắt
- Ngừng đổ mồ hôi
- Chuột rút cơ bắp.
- Buồn nôn
- Lú lẫn, tim đập nhanh, mạch yếu, chóng mặt và ngất xỉu
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến mất nước sau phẫu thuật, bao gồm:
- Mất máu: Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân có thể mất một lượng máu đáng kể, dẫn đến mất nước.
- Sốt: Sốt làm tăng quá trình thoát hơi nước qua da, khiến cơ thể mất nước nhanh hơn.
- Nôn mửa và tiêu chảy: Đây là những triệu chứng thường gặp sau phẫu thuật và có thể gây mất nước nghiêm trọng.
- Đổ mồ hôi: Sau phẫu thuật, cơ thể có thể đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường do tác dụng của thuốc hoặc do stress.
- Hạn chế uống nước: Một số bệnh nhân sau phẫu thuật có thể gặp khó khăn trong việc uống nước do buồn nôn, đau hoặc khó nuốt.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc sử dụng trong quá trình phẫu thuật hoặc sau phẫu thuật có thể gây mất nước.
Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng mất nước nào trong thời gian dài, hãy nói chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt.
3. Làm thế nào để dự phòng/ cải thiện vấn đề mất nước sau phẫu thuật?
Để dự phòng và cải thiện tình trạng mất nước sau phẫu thuật, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Uống đủ nước: Người lớn có dấu hiệu và triệu chứng mất nước nên cố gắng uống 2 lít chất lỏng trong vòng 2 – 4 giờ bằng cách liên tục nhấp từng ngụm nước nhỏ, kể cả khi bạn không cảm thấy khát. Bạn có thể uống nước lọc, nước ép trái cây, nước canh hoặc các loại nước điện giải.
- Theo dõi lượng nước tiểu: Nếu nước tiểu có màu vàng đậm hoặc lượng nước tiểu ít, đó là dấu hiệu của mất nước.
- Bổ sung chất điện giải: Sử dụng các sản phẩm bù nước và điện giải để bổ sung các chất điện giải đã mất.
- Ăn các loại thực phẩm giàu nước: Trái cây và rau quả là những nguồn cung cấp nước tự nhiên tuyệt vời.
- Hạn chế đồ uống có cồn và caffeine: Những chất này có thể làm tăng tình trạng mất nước, gây khó chịu cho dạ dày. Caffeine cản trở quá trình hấp thụ canxi (có nguy cơ bị thiếu hụt sau phẫu thuật giảm cân) và cũng là một chất lợi tiểu nhẹ. Rượu làm giảm sản xuất hormon chống bài niệu được cơ thể sử dụng để tái hấp thu nước, và uống quá nhiều rượu có thể gây nôn mửa.
- Thông báo cho bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào của mất nước: Như khát nước dữ dội, khô miệng, chóng mặt, mệt mỏi, nhức đầu hoặc táo bón.
Nếu bạn hoặc người thân đang chuẩn bị phẫu thuật, hãy thảo luận với bác sĩ về cách phòng ngừa và xử lý mất nước sau phẫu thuật. Việc duy trì đủ nước cho cơ thể là một yếu tố quan trọng để đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng.
Nguồn: Weightwise.com – Mybariatricsolutions.com – Desertwestsurgery.com
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My