Suy giảm sức khỏe ở tuổi trung niên là kết quả của nhiều yếu tố tác động bao gồm quá trình lão hóa tự nhiên, các bệnh lý mãn tính, lối sống và yếu tố môi trường. Thay đổi tính cách, hay quên, yếu cơ và giảm sức bền là những hậu quả của suy giảm sức khỏe ở tuổi trung niên. Cùng tìm hiểu rõ hơn về những ảnh hưởng của suy giảm sức khỏe ở tuổi trung niên, cao tuổi và cách khắc phục tình trạng này thông qua bài viết dưới đây.
1. Tại sao sức khỏe suy giảm ở tuổi trung niên, cao tuổi?
Sức khỏe suy giảm ở tuổi trung niên, cao tuổi là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:
1.1. Quá trình lão hóa
Lão hóa là một quá trình tự nhiên mà bất cứ sinh vật sống nào cũng phải trải qua, kể cả con người. Quá trình lão hóa sẽ tích lũy dần dần các tổn thương tế bào và mô theo thời gian, dẫn đến tình trạng suy giảm sức khỏe ở người trung niên, cao tuổi như sau:
- Suy giảm chức năng cơ quan: Các cơ quan và hệ thống trong cơ thể như tim, phổi, gan, thận và hệ thống miễn dịch, dần dần giảm hiệu quả hoạt động.
- Giảm khối lượng cơ và xương: Khối lượng cơ và mật độ xương giảm đi, dẫn đến sức mạnh và sự linh hoạt giảm, dễ bị gãy xương và các vấn đề về cơ xương khớp.
- Thay đổi về hormone: Hormone như estrogen và testosterone giảm, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như loãng xương, giảm ham muốn tình dục và thay đổi tâm trạng.
1.2. Các bệnh mãn tính
Mắc các bệnh mãn tính cũng là một yếu tố gây suy giảm sức khỏe ở người trung niên, cao tuổi.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh: Tuổi tác tăng cao dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch, ung thư và bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer.
- Quá trình viêm mạn tính: Viêm mạn tính có thể gây ra hoặc làm nặng thêm nhiều bệnh mãn tính.
1.3. Lối sống và môi trường
Một số ảnh hưởng của lối sống và môi trường đến sự suy giảm sức khỏe ở người trung niên, cao tuổi, bao gồm:
- Chế độ ăn uống không cân đối: Sự thiếu hụt dinh dưỡng, ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh và thiếu hoạt động thể chất có thể làm tăng nguy cơ bệnh tật.
- Thiếu vận động: Lối sống ít vận động dẫn đến tăng cân, suy giảm sức mạnh cơ bắp và khả năng linh hoạt.
- Căng thẳng và sức khỏe tinh thần: Căng thẳng kéo dài và các vấn đề tâm lý có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể.
- Tác động của môi trường: Ô nhiễm không khí, tiếp xúc với các chất độc hại và điều kiện sống không lành mạnh tích lũy qua thời gian.
- Thói quen không lành mạnh: Uống rượu, hút thuốc lá và các thói quen không lành mạnh khác có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe.
1.4. Yếu tố di truyền
Một số bệnh và tình trạng sức khỏe có thể di truyền từ thế hệ trước, gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe ở tuổi trung niên và cao tuổi.
1.5. Suy giảm hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch của người lớn tuổi sẽ ngày càng suy yếu làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Hậu quả của vấn đề này là làm suy yếu sức khỏe ở người trung niên, cao tuổi.
2. Các hậu quả của suy giảm sức khỏe ở tuổi trung niên, cao tuổi?
2.1. Thay đổi tính cách
Sự thay đổi trong tính cách là một dấu hiệu thường gặp ở người suy giảm sức khỏe. Người thân của bạn có thể mất hứng thú với các hoạt động mà trước đây họ yêu thích hoặc tâm trạng thường xuyên thay đổi thất thường.
Tâm trạng và tính cách được kiểm soát bởi não và mạng lưới dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Tổn thương não do chấn thương hoặc suy thoái có thể biểu hiện dưới dạng thay đổi tính cách.
2.2. Hay quên
Một dấu hiệu cảnh báo phổ biến khác về sức khỏe suy giảm ở người cao tuổi là tình trạng hay quên.
Ban đầu, người bệnh có thể quên trả tiền hóa hóa đơn, quên chìa khóa xe hoặc quên uống thuốc. Lâu dần tình trạng hay quên này có thể trở nên nghiêm trọng hơn, gây ra những gián đoạn trong cuộc sống hàng ngày.
Nếu bạn nghi ngờ về sức khỏe của một người lớn tuổi thì nên quan sát hành vi của họ kỹ hơn để phát hiện chứng hay quên và tình trạng suy giảm trí nhớ kịp thời.
2.3. Yếu cơ
Quá trình lão hóa dẫn đến những thay đổi về số lượng và chất lượng cơ xương, gây yếu cơ và khuyết tật ở người già.
Mức độ hoạt động thể lực của chúng ta sẽ bắt đầu giảm dần sau tuổi 20. Do đó, điều quan trọng là phải theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng của người thân và tham khảo ý kiến bác sĩ khi có các triệu chứng suy giảm sức khỏe.
2.4. Mất cảm giác ngon miệng
Thói quen ăn uống kém bất thường hoặc giảm cảm giác thèm ăn có thể là dấu hiệu của người suy giảm sức khỏe.
Nếu bạn nhận thấy người thân của mình sụt cân hoặc không ăn uống gì, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt.
2.5. Loãng xương
Quá trình lão hóa và hao mòn trên xương sẽ khiến người cao tuổi có nguy cơ cao bị loãng xương. Thành phần khoáng chất của xương thay đổi theo tuổi tác, cụ thể là khung của các tế bào xương và chất nền xương sẽ trở nên yếu và mỏng hơn. Do đó, tình trạng loãng xương sẽ làm tăng nguy cơ gãy xương khi té ngã ở người suy giảm sức khỏe.
2.6. Khó khăn khi đưa ra quyết định
Một trong những dấu hiệu suy giảm sức khỏe ở người lớn tuổi có thể là họ bắt đầu đưa ra những lựa chọn hoặc làm những việc mà trước đây họ chưa từng làm. Ví dụ như để bếp suốt đêm để sưởi ấm trong nhà hay đi dạo mà không mặc áo khoác vào mùa đông. Do đó, bạn nên để ý những hành vi kỳ lạ đi kèm với những quyết định khác thường của người thân để phát hiện sớm tình trạng suy giảm sức khỏe.
2.7. Bệnh tật thường xuyên hơn
Một dấu hiệu rõ ràng của tình trạng sức khỏe sa sút là bệnh tật xảy ra thường xuyên hơn.
Người lớn tuổi có nguy cơ cao bị cảm lạnh, cúm và nhiễm trùng hơn so với người trẻ tuổi. Nếu bạn nhận thấy họ bị ốm thường xuyên hơn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Họ có thể không tự chăm sóc bản thân theo cách họ cần hoặc có thể họ cần mức độ chăm sóc y tế cao hơn.
2.8. Thay đổi hệ thống bài tiết
Lão hóa sẽ ảnh hưởng đến chức năng của ruột, bàng quang và thận, dẫn đến một số triệu chứng sau:
- Tiểu tiện: Tiểu không tự chủ hoặc rò rỉ nước tiểu thường phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi.
- Đại tiện: Tổn thương cơ hoặc thần kinh liên quan đến quá trình lão hóa có thể khiến cơ thể không kiểm soát được sự di chuyển của phân. Ngoài ra, táo bón có thể xảy ra thường xuyên do thiếu trương lực cơ ở ruột, thiếu tập thể dục, bất động, thiếu chất xơ, tác dụng phụ của thuốc và uống không đủ nước.
2.9. Giảm sức bền
Sức bền trong các hoạt động thể chất sẽ có xu hướng giảm dần theo thời gian. Dấu hiệu của sức bền kém hơn ở người lớn tuổi có thể xuất hiện trong các hoạt động tưởng chừng như nhỏ nhặt hàng ngày. Ví dụ, người bệnh không thể đi bộ và chạy nhiều như trước hoặc làm việc nhà cảm thấy khó khăn hơn.
Để duy trì và cải thiện sức bền khi già đi, bạn cần được đánh giá sức mạnh cơ bắp, khả năng giữ thăng bằng và nguy cơ té ngã để bác sĩ có thể đề xuất chế độ tập luyện và chế độ ăn uống phù hợp
3. Cách nào giảm ảnh hưởng của suy giảm sức khỏe ở tuổi trung niên, cao tuổi?
Một số biện pháp giúp cải thiện và giảm ảnh hưởng của suy giảm sức khỏe ở tuổi trung niên, cao tuổi bao gồm:
3.1. Duy trì lối sống lành mạnh
Một lối sống lành mạnh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc khắc phục hậu quả của suy giảm sức khỏe ở tuổi trung niên, cao tuổi bao gồm:
- Chế độ ăn uống cân đối: Ăn nhiều rau quả, thực phẩm giàu chất xơ, protein nạc, hạn chế đường, muối và chất béo bão hòa. Cân bằng dinh dưỡng giúp duy trì sức khỏe tổng thể và ngăn ngừa bệnh tật.
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần với các hoạt động như đi bộ, bơi lội, yoga, hoặc tập thể dục nhẹ. Tập thể dục thường xuyên đã được chứng minh có thể giúp xương chắc khỏe, duy trì khối lượng cơ bắp và cải thiện sức khỏe tinh thần.
- Giấc ngủ đủ và chất lượng: Ngủ đủ giấc và chất lượng giúp cơ thể và tinh thần phục hồi, giảm stress và tăng cường hệ miễn dịch.
3.2. Chăm sóc y tế định kỳ
Định kỳ khám sức khỏe để phát hiện sớm các vấn đề và quản lý các bệnh mãn tính. Đồng thời, người lớn tuổi có thể tiêm phòng để ngăn ngừa các bệnh như cúm, viêm phổi và một số bệnh lý có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng ở người cao tuổi.
Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng cần quản lý tốt các bệnh mãn tính kèm theo bằng cách tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng liều và thực hiện các biện pháp tự quản lý bệnh như kiểm tra đường huyết đối với người tiểu đường.
3.3. Hỗ trợ tâm lý và xã hội
Để cải thiện hậu quả của suy giảm sức khỏe, người trong độ tuổi trung niên cần duy trì các mối quan hệ xã hội bằng cách tham gia các câu lạc bộ, nhóm hoạt động cộng đồng. Hoặc tham gia các hoạt động tình nguyện để duy trì mối quan hệ xã hội và giảm cô đơn.
Tham gia các hoạt động tinh thần như đọc sách, chơi cờ, giải ô chữ hoặc học kỹ năng mới để giữ cho trí óc luôn hoạt động cũng cần được khuyến khích ở người cao tuổi.
Bên cạnh đó, người suy giảm sức khỏe có thể tham gia các buổi tư vấn tâm lý để giải tỏa căng thẳng và lo âu.
3.4. Phòng ngừa té ngã
Phòng ngừa té ngã là một việc vô cùng quan trọng đối với người cao tuổi. Người thân trong gia đình cần đảm bảo nhà cửa an toàn với đèn đủ sáng, không có chướng ngại vật dễ gây vấp ngã và có tay vịn ở những nơi cần thiết như cầu thang, nhà vệ sinh.
Người lớn tuổi cũng nên sử dụng gậy, xe đẩy, hoặc các thiết bị hỗ trợ khác nếu cần để di chuyển an toàn hơn.
3.5. Hỗ trợ chăm sóc
Gia đình nên hiểu và hỗ trợ người cao tuổi trong việc duy trì sức khỏe và thực hiện các hoạt động hàng ngày để cải thiện những ảnh hưởng của suy giảm sức khỏe.
Gia đình cũng cần liên tục cập nhật thông tin về các phương pháp chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh để có thể áp dụng những biện pháp tốt nhất cho người cao tuổi trong gia đình. Hoặc bạn có thể tham gia các lớp học hoặc chương trình giáo dục về sức khỏe để nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe.
Bài viết đã cho chúng ta biết được những hậu quả của suy giảm sức khỏe hay ảnh hưởng của suy giảm sức khỏe ở tuổi trung niên, cao tuổi. Suy giảm sức khỏe không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất mà còn làm giảm chất lượng sống của người lớn tuổi. Để khắc phục hậu quả của suy giảm sức khỏe ở tuổi trung niên bạn cần duy trì một lối sống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ, hỗ trợ tâm lý và đặc biệt là kết hợp cùng liệu pháp truyền cải thiện sức khỏe toàn diện để đạt hiệu quả tốt nhất.
Tài liệu tham khảo: Ncbi.nlm.nih.gov, Nber.org, Britannica.com
Bài viết của: Chu Yến Nhi