Trào ngược axit có thể xảy ra sau một bữa ăn thịnh soạn hoặc khi bạn nằm xuống ngay sau bữa tối. Axit dạ dày dâng lên thực quản, gây ợ nóng và các triệu chứng khác. Trào ngược axit thường xuyên có thể kiểm soát được tại nhà, nhưng trào ngược axit mãn tính (GERD) có thể cần điều trị vì có thể làm hỏng các mô thực quản của bạn theo thời gian. Bài viết sau sẽ giới thiệu đến bạn các dấu hiệu trào ngược dạ dày và cách để đối phó với chúng.
1. Thế nào là bệnh trào ngược dạ dày?
Bình thường dạ dày của bạn chỉ di chuyển theo một chiều từ trên xuống. Khi axit từ bên trong dạ dày chảy ngược vào thực quản và cổ họng, nó được gọi là trào ngược axit.
Khi axit len lỏi vào những nơi không thuộc về nó, bạn chắc chắn sẽ cảm nhận được điều đó. Axit kích thích và làm viêm các mô bên trong thực quản, qua ngực đến cổ họng.
Hầu như tất cả mọi người đều từng trải qua ít nhất một trong các dấu hiệu của trào ngược dạ dày. Bạn có thể cảm thấy khó tiêu, đau bụng sau khi ăn, ợ chua hoặc đau rát ở ngực gần xương ức.
Các biểu hiện trào ngược dạ dày thỉnh thoảng gây khó chịu nhưng đó không phải là bệnh. Tuy nhiên, trào ngược axit mãn tính còn gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản thực sự có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn và nó cũng có thể gây tổn hại thực sự cho các mô của bạn. Trào ngược axit được coi là mãn tính khi bạn mắc chứng này ít nhất hai lần một tuần trong vài tuần.
Những yếu tố nguy cơ phổ biến gây ra các dấu hiệu trào ngược dạ dày bao gồm:
- Ăn nhiều bữa hoặc nằm ngay sau bữa ăn;
- Thừa cân hoặc béo phì;
- Ăn no, nằm ngửa hoặc khom lưng;
- Ăn vặt sát giờ đi ngủ;
- Ăn một số loại thực phẩm dễ gây trào ngược, chẳng hạn như cam quýt, cà chua, sô cô la, bạc hà, tỏi, hành hoặc thực phẩm cay hoặc béo;
- Uống rượu, đồ uống có ga, cà phê hoặc trà;
- Hút thuốc;
- Có thai;
- Dùng aspirin, Ibuprofen, thuốc giãn cơ hoặc thuốc huyết áp.
2. Các dấu hiệu trào ngược dạ dày điển hình
Trào ngược dạ dày thực quản biểu hiện thường là cảm giác ợ nóng và ợ chua. Tuy nhiên, để nhận biết bệnh chính xác hơn, cần chú ý đến những dấu hiệu lâm sàng khác. Điều quan trọng là không nhầm lẫn với các triệu chứng thông thường và nhận ra các dấu hiệu dạ dày thực quản để tìm kiếm sự tư vấn và điều trị từ bác sĩ chuyên khoa.
2.1. Ợ nóng, ợ chua
Đây là một dấu hiệu của trào ngược dạ dày phổ biến nhất khi người bệnh có thể cảm nhận vị chua trong miệng, và có thể kèm theo ợ nóng. Ợ chua và ợ hơi thường xuất hiện vào buổi sáng hoặc sau khi ăn.
Người bệnh có thể cảm thấy sự đau, nóng rát sau xương ức, và cảm giác này có thể lan ra cổ. Thường xảy ra sau khi ăn hoặc khi cúi người xuống. Đau có xu hướng tăng lên khi người bệnh nghiêng người, cong lưng sau khi ăn no hoặc uống nhiều nước, và có thể xảy ra khi người bệnh đang ngủ, gây tỉnh giấc.
2.2. Buồn nôn và nôn
Người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa khi ăn quá no. Triệu chứng này cũng xuất hiện nếu người bệnh nằm ngay sau khi ăn. Buồn nôn thường đi kèm với cảm giác thức ăn bị nghẹn ở cổ họng, gây khó chịu.
Buồn nôn và nôn do trào ngược dạ dày thực quản dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng bội thực, vì cả hai đều xuất hiện khi ăn quá no và gây cảm giác khó chịu. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để loại trừ khả năng trào ngược dạ dày thực quản.
2.3. Đau tức vùng thượng vị
Đau tức ở vùng thượng vị là biểu hiện trào ngược dạ dày điển hình, khiến người bệnh cảm thấy như có sự co thắt ở vùng thượng vị và các khu vực xung quanh. Cơn đau này là do axit trào ngược kích thích các đầu mút thần kinh trên niêm mạc thực quản. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể lan đến cánh tay hoặc lưng.
2.4. Đắng miệng và hôi miệng
Đắng miệng và hôi miệng là những dấu hiệu trào ngược dạ dày thường gặp, thường do dịch mật trào ngược. Khi axit trào ngược lên thực quản, nó có thể mang theo dịch mật, gây ra vị đắng và mùi hôi. Hiện tượng này xảy ra do rối loạn thần kinh và vận động dạ dày, khiến van môn vị mở rộng bất thường.
2.5. Khó nuốt
Khó nuốt thường xảy ra ở những người bị trào ngược dạ dày thực quản ở mức độ nghiêm trọng. Thực quản bị tổn thương do tiếp xúc liên tục với axit dạ dày, dẫn đến viêm nhiễm và sưng tấy niêm mạc thực quản. Điều này gây cảm giác nghẹn và khó nuốt hoặc nuốt nghẹn.
2.6. Tiết nhiều nước bọt
Trào ngược dạ dày thực quản biểu hiện có thể thông qua tình trạng miệng tiết nhiều nước bọt. Điều này là vì khi axit trào ngược lên thực quản, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tiết ra nhiều nước bọt để trung hòa axit trong dạ dày.
2.7. Khàn giọng và ho
Axit dạ dày trào ngược có thể gây tổn thương đến dây thanh quản, dẫn đến khàn giọng và ho. Người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc nói chuyện, do dây thanh quản bị viêm và phù nề. Nếu triệu chứng này kéo dài, nó có thể gây ho mãn tính.
3. Các điểm cần lưu ý khi bị trào ngược dạ dày
Nếu bạn đang gặp phải các dấu hiệu trào ngược dạ dày thường xuyên hơn thì đã đến lúc bạn cần các biện pháp hỗ trợ và điều trị hiệu quả, chúng bao gồm lối sống, sử dụng thuốc hoặc thậm chí là can thiệp phẫu thuật.
3.1. Thay đổi lối sống
Thay đổi chế độ ăn uống:
- Hạn chế thực phẩm gây kích thích dạ dày như thức ăn chứa caffeine (cà phê, nước ngọt có ga), đồ ăn nhanh, thực phẩm có nhiều chất béo, thực phẩm chứa nhiều gia vị và thực phẩm chua.
- Tránh ăn quá no và hạn chế thức ăn trong 2-3 giờ trước khi đi ngủ để tránh gây áp lực lên dạ dày và thực quản.
- Tăng cường việc ăn các bữa ăn nhỏ và thường xuyên hơn, tránh ăn quá nhanh và nhai thức ăn kỹ trước khi nuốt.
Điều chỉnh tư thế khi ngủ:
- Nâng đầu giường khoảng 15-20 cm bằng cách đặt gối hoặc đặt gạch dưới chân giường để giữ cho phần trên của cơ thể ở một góc nghiêng.
- Tránh nằm ngửa hoặc nằm ngả về phía trên sau khi ăn. Nếu cần nằm nghỉ sau bữa ăn, hãy nằm nghiêng về phía trái.
Kiểm soát cân nặng:
- Giữ cân nặng trong giới hạn bình thường và tránh tăng cân quá nhanh. Áp lực từ mỡ bụng và cơ thể quá nặng có thể tăng nguy cơ trào ngược dạ dày.
Tránh các thói quen xấu:
- Ngừng hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày và gây tổn thương niêm mạc thực quản.
- Hạn chế uống rượu và hạn chế sử dụng thuốc gây tác dụng phụ lên dạ dày.
- Cố gắng giảm căng thẳng và áp lực tâm lý thông qua việc thực hiện các hoạt động giảm stress như yoga, thiền, tập thể dục, và thư giãn.
Điều trị tình trạng liên quan:
Nếu bạn có bất kỳ tình trạng y tế nào như viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản nặng, hoặc bất kỳ vấn đề nào khác liên quan đến dạ dày, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để điều trị và quản lý tốt các vấn đề này.
Thuốc
Nếu các chiến lược về lối sống không giúp điều trị các dấu hiệu của trào ngược dạ dày, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm tiết axit dạ dày cho bạn, bao gồm:
- Thuốc ức chế bơm proton
- Thuốc kháng axit
- Thuốc chẹn thụ thể H2
Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc vì chúng có thể gây ra tác dụng phụ tiêu cực.
Điều trị phẫu thuật
Trong hầu hết các trường hợp, chiến lược lối sống và thuốc men là đủ để ngăn ngừa và giảm bớt các biểu hiện trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu những phương pháp này không làm giảm các triệu chứng của bạn hoặc nếu bạn đã phát triển các biến chứng.
4. Phải làm gì khi bị trào ngược axit?
Khi gặp phải cơn trào ngược axit, việc xử lý kịp thời và đúng cách là rất quan trọng để giảm bớt sự khó chịu và ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy ra. Dưới đây là những bước bạn có thể thực hiện khi bị trào ngược axit:
- Ngồi thẳng hoặc đứng lên: Nếu bạn đang nằm hoặc ngồi, hãy ngồi thẳng hoặc đứng lên. Trọng lực sẽ giúp ngăn axit trào ngược lên thực quản.
- Uống nước: Uống một ít nước lọc để giúp đẩy axit xuống dạ dày và làm dịu cảm giác nóng rát.
- Tránh ăn uống ngay sau cơn trào ngược: Không ăn thêm thức ăn hay uống đồ uống có chứa caffeine, cồn, hoặc có tính axit cao.
- Sử dụng thuốc kháng axit: các loại thuốc kháng axit không kê đơn như Tums, Maalox hoặc Rolaids có thể giúp trung hòa axit trong dạ dày và giảm cảm giác nóng rát.
Tóm lại, nếu bạn thường xuyên bị ợ nóng thì bạn không đơn độc. Thay đổi lối sống và dùng thuốc không kê đơn thường là đủ để giải quyết những trường hợp không thường xuyên này. Nhưng nếu bạn bị ợ nóng hơn hai lần mỗi tuần và những thay đổi nhỏ trong lối sống không giúp ích gì thì bạn có thể đang phải đối mặt với bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra kế hoạch điều trị phù hợp với bạn. Đừng để chứng ợ nóng dai dẳng cản trở cuộc sống của bạn.
Tài liệu tham khảo: Healthline.com, My.clevelandclinic.org, Webmd.com
Bài viết của: Nguyễn Thị Thanh Thuý