Nhiều người tự hỏi liệu bệnh sa sút trí tuệ có di truyền không? Trên thực tế, hội chứng sa sút trí tuệ là hệ quả của chấn thương hoặc nhiều loại bệnh làm ảnh hưởng đến não bộ. Hiện nay chưa có bằng chứng cụ thể về tính di truyền sa sút trí tuệ nhưng có thể tồn tại nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Sa sút trí tuệ có yếu tố di truyền không? Vì sao?
Tiền sử gia đình không thể xác định chắc chắn liệu một người có thể mắc bệnh sa sút trí tuệ hay không. Tuy nhiên, những người có cha mẹ hoặc anh chị em mắc sa sút trí tuệ sẽ có nguy cơ cao hơn một chút. Nguy cơ sẽ tăng lên đáng kể nếu trong gia đình có nhiều người bị bệnh này. Các nhà nghiên cứu tin rằng, yếu tố về lối sống, di truyền và môi trường đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của căn bệnh này.
Cụ thể, các nhà khoa học đã xác định được một số loại gen có liên quan đến bệnh sa sút trí tuệ. Trong số đó, gen APOE-e4 (apolipoprotein E – epsilon 4) là gen đầu tiên được phát hiện làm tăng nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ và có tác động lớn nhất. Các nghiên cứu ước tính có khoảng 40 – 65% người mắc hội chứng sa sút trí tuệ mang loại gen này.
APOE-e4 cũng có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các triệu chứng sa sút trí tuệ ở những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, không phải ai mang gen APOE-e4 cũng bị sa sút trí tuệ, chỉ có một số ít người mang gen này mới bị bệnh.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã tìm ra 3 loại gen đặc hiệu của bệnh sa sút trí tuệ (gen gây ra bệnh chứ không phải làm tăng nguy cơ mắc bệnh). Những gen này chỉ gây ra 1% hoặc ít hơn các trường hợp mắc sa sút trí tuệ, thường là các trường hợp bắt đầu sớm ở độ tuổi từ 30 đến dưới 60 tuổi. Ba đột biến trên gen hiếm này bao gồm:
- Gen presenilin-1 (PS-1) trên nhiễm sắc thể số 14
- Gen presenilin-2 (PS-2) trên nhiễm sắc thể số 1
- Gen protein tiền chất amyloid (APP) trên nhiễm sắc thể số 21
Những người được xác định mang một trong ba loại gen này ở độ tuổi sớm như 30, 40 hoặc 50 có thể thực hiện các công tác dự phòng để giảm nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh sa sút trí tuệ.
Những ai có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ?
Những người cao tuổi sẽ có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ cao hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã xác định những nhóm người có các yếu tố nguy cơ sau đây có khả năng mắc sa sút trí tuệ cao:
- Người có mỡ máu cao: Việc uống rượu quá mức có thể dẫn đến sa sút trí tuệ do rượu và tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ do vấn đề mạch máu.
- Người mắc bệnh mạch máu não: Những người bị nhồi máu não đa ổ, đột quỵ có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ cao hơn, vì đây là yếu tố nguy cơ chính gây ra sau đột quỵ.
- Người mắc bệnh tim: Bệnh tim mạch thường liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ.
- Người béo phì ở tuổi trung niên có nguy cơ cao sẽ mắc bệnh sa sút trí tuệ khi lớn tuổi.
- Người có vấn đề về huyết áp: Tình trạng tăng huyết áp ở tuổi trung niên có liên quan đến quá trình thoái hóa thần kinh hoặc teo nhỏ não. Ngược lại, ở nhóm người cao tuổi, huyết áp thấp có thể là dấu hiệu báo trước nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống hàng ngày cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc sa sút trí tuệ. Có nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa chế độ ăn giàu chất béo bão hoà và nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ.
Những điều cần lưu ý để phòng tránh sa sút trí tuệ
Để phòng ngừa hội chứng sa sút trí tuệ, chúng ta cần chủ động thực hiện những thay đổi về mặt lối sống, chăm sóc cá nhân. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn
Chăm sóc sức khỏe toàn diện
Nếu được bạn nên chủ động điều trị và kiểm soát các bệnh lý khác như tiểu đường, bệnh tim mạch, huyết áp cao và các vấn đề mạch máu não. Việc duy trì sức khoẻ tốt giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến sa sút trí tuệ.
Duy trì lối sống lành mạnh
Bao gồm ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế ăn đồ ăn nhanh và đồ ăn đã chế biến sẵn. Tăng cường các hoạt động thể chất, duy trì cân nặng hợp lý và tránh hút thuốc, sử dụng rượu bia quá mức.
Giảm stress
Thực hành các biện pháp giảm căng thẳng mệt mỏi như thiền, yoga, tập thể dục tăng cường trí nhớ hoặc tham gia các hoạt động giải trí mỗi ngày để tăng cường trí nhớ.
Giữ các hoạt động của não bộ
Thường xuyên luyện tập giải đố, đọc sách, học ngôn ngữ mới hoặc tham gia các hoạt động tinh thần để giữ trí não luôn hoạt động.
Thăm khám dự phòng
Nếu có tiền sử gia đình di truyền sa sút trí tuệ, hãy thăm khám với bác sĩ để hiểu rõ hơn về các yếu tố nguy cơ và di truyền cũng như những bước cụ thể để giảm nguy cơ phát triển bệnh.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về việc liệu bệnh sa sút trí tuệ có di truyền không. Nếu bạn hoặc người thân có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ mắc sa sút trí tuệ, hãy chủ động đi khám ngay để được tư vấn về phương pháp điều trị thích hợp. Điều này sẽ giúp tăng cơ hội kiểm soát bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My