Viêm dạ dày là tình trạng viêm lớp niêm mạc dạ dày cấp tính hoặc mạn tính. Do tình trạng ăn uống và sinh hoạt không điều độ, bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện ở hầu hết mọi lứa tuổi và giới tính. Vậy bị viêm dạ dày có nguy hiểm không? Hậu quả của viêm dạ dày ra sao và liệu có cách nào để chữa khỏi? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn làm rõ những băn khoăn trên.
1. Bị viêm dạ dày có nguy hiểm không?
Theo giải phẫu, niêm mạc dạ dày là hàng rào chất nhầy có tác dụng bảo vệ thành dạ dày khỏi các tác nhân gây hại như acid, enzyme, thức ăn, vi sinh vật,…Khi lớp niêm mạc này bị tổn thương bởi các tác nhân kể trên, hệ thống miễn dịch sẽ kích hoạt trạng thái viêm tại các tế bào niêm mạc dạ dày nhằm ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng cũng như thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương.
Tùy vào thời gian mắc bệnh, y học chia thành viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mạn tính. Tình trạng cấp tính diễn ra một cách đột ngột, tạm thời nên có thể điều trị bằng thuốc. Trong khi đó, viêm dạ dày mạn tính diễn ra lâu dài, khó nhận biết và thường là hệ quả của một bệnh mạn tính khác. Vì vậy, viêm dạ dày mạn tính khó có thể điều trị dứt điểm và mục tiêu chủ yếu là điều trị triệu chứng để ngăn bệnh tiến triển nặng hơn.
Chính vì vậy, để trả lời câu hỏi viêm dạ dày có nguy hiểm không, thì câu trả lời là Có. Bởi lẽ, viêm dạ dày mãn tính có thể gây ra nhiều hậu quả và biến chứng nghiêm trọng. Trong khi đó, viêm dạ dày cấp tính mặc dù không nguy hiểm nhưng nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển thành mãn tính và gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.
2. Hậu quả của viêm dạ dày, biến chứng có thể xảy ra
Phần lớn các trường hợp viêm dạ dày là cấp tính. Do đó, bệnh diễn ra tạm thời với mức độ không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, viêm dạ dày mạn tính diễn ra trong thời gian dài có thể dẫn tới hư hỏng lớp niêm mạc dạ dày, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
Viêm dạ dày xói mòn và biến chứng loét dạ dày
Viêm dạ dày xói mòn để lại các vết loét trên niêm mạc dạ dày do tác nhân gây viêm (hóa chất, acid, rượu) ăn mòn các mô niêm mạc. Về lâu dài, tình trạng này có thể tiến triển thành bệnh loét dạ dày – tá tràng, nguy cơ gây xuất huyết tiêu hóa dẫn đến thiếu máu.
Ngoài ra, các vết loét có thể hình thành mô sẹo cản trở quá trình tiêu hóa, đặc biệt là ở môn vị. Vết loét lâu ngày không lành càng trở nên sâu hơn, tạo thành lỗ thủng trên thành dạ dày, dẫn đến thủng đường tiêu hóa. Khi đó, vi khuẩn từ dạ dày thoát vào khoang bụng có thể gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu,…tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Viêm dạ dày không xói mòn, teo niêm mạc dạ dày và loạn sản ruột
Viêm dạ dày không xói mòn gây ra biến chứng chậm hơn viêm dạ dày xói mòn. Tuy nhiên, theo thời gian, tình trạng này có thể làm teo niêm mạc dạ dày, khiến các mô niêm mạc mất dần chức năng. Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc tiêu hóa và hấp thu một số chất dinh dưỡng như sắt, acid folic, vitamin B12 (thiếu máu ác tính).
Trường hợp hiếm gặp hơn, viêm dạ dày kéo dài khiến các mô niêm mạc dạ dày tái cấu trúc thành một mô khác hoàn toàn, gọi là chứng loạn sản dạ dày – ruột. Đây được xem là dấu hiệu ban đầu của ung thư dạ dày. Do đó, người bệnh cần nhanh chóng thăm khám để phát hiện sớm và điều trị.
3. Khi nào viêm dạ dày sẽ tiến triển nguy hiểm hơn?
Viêm dạ dày có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào đáng chú ý. Nếu có, khả năng cao bệnh đã chuyển biến nghiêm trọng hơn hoặc diễn ra trong một thời gian dài. Một số triệu chứng có thể nhận biết được của bệnh viêm dạ dày như: Đau – nóng rát vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, đau dạ dày, đầy hơi sau khi ăn. Đau do viêm dạ dày thường nằm ở giữa bụng trên nhưng khó có thể xác định chính xác vị trí.
Khi bệnh tiến triển nặng hơn, tình trạng viêm dẫn đến loét dạ dày nên lúc này, bệnh nhân có thể xác định chính xác vị trí đau (chỗ loét), thường kèm theo cảm giác nóng rát và đau nhói. Người bệnh có thể cảm thấy dễ chịu hơn sau khi ăn.
Theo Cơ quan Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), những người có triệu chứng viêm dạ dày nên đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần hoặc xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như nôn ra máu, đi ngoài ra máu (dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa), choáng váng, mệt mỏi và hụt hơi,…
4. Điều trị viêm dạ dày như thế nào?
Phác đồ điều trị viêm dạ dày được chỉ định tùy thuộc vào mức độ viêm (cấp tính hay mạn tính) và nguyên nhân gây bệnh. Viêm dạ dày do H. pylori thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh, thuốc ức chế bơm proton (PPI), bismuth subsalicylate (một số trường hợp).
Người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra, đặc biệt là bệnh nhân viêm dạ dày mạn tính có nguy cơ cao thiếu hụt dinh dưỡng. Người bị viêm dạ dày có liên quan đến bệnh celiac hoặc dị ứng thực phẩm cũng cần thay đổi chế độ ăn uống để phù hợp với phác đồ điều trị.
Trong một số trường hợp, người bệnh được yêu cầu ngưng sử dụng NSAIDS, hoặc dùng NSAIDS ở liều thấp hơn, hoặc dùng thuốc khác để giảm đau. Các thuốc trong nhóm NSAIDS nên dùng chung với PPI để giảm thiểu tác dụng phụ lên dạ dày của nhóm thuốc này.
Ngoài ra, bệnh nhân cần thay đổi lối sống sinh hoạt để kiểm soát triệu chứng khó tiêu do viêm dạ dày. NHS khuyến cáo một số biện pháp như sau:
- Tránh uống rượu.
- Tránh ăn thực phẩm có vị cay, có tính acid, đồ ngọt, nhiều chất béo. Không uống thức uống có gas hoặc chứa cồn, cay, chua, nóng.
- Hạn chế đồ uống chứa caffeine.
- Để tránh trào ngược dạ dày – thực quản và đầy hơi, không ăn uống trong vòng 3 – 4 giờ trước khi đi ngủ.
- Không hút thuốc.
- Nếu bệnh nhân có sử dụng NSAIDS, cần trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng nhóm thuốc này và đề xuất nhóm thuốc thay thế.
- Cân nhắc giảm cân cho người bệnh béo phì (BMI > 23). Bệnh nhân bình thường (BMI 19 – 22) nên giữ cân nặng ổn định.
- Tư thế ngủ nên đảm bảo đầu và vai cao hơn phần còn lại của cơ thể, giúp ngăn tình trạng trào ngược acid dạ dày lên cổ họng khi ngủ.
- Bệnh nhân viêm dạ dày do H. pylori nên ăn các loại thực phẩm có tính kháng khuẩn như tỏi, gừng, nghệ,…
Bài viết trên đây đã giải đáp cho bạn băn khoăn về bị viêm dạ dày có nguy hiểm không cũng như các biện pháp điều trị. Nhìn chung, hầu hết các trường hợp viêm dạ dày đều cải thiện nhanh chóng sau khi dùng thuốc. Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên chủ quan mà cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh, tránh bệnh tiến triển thành tình trạng mãn tính tiềm ẩn gây khó khăn cho việc điều trị.
Nguồn: Mayoclinic.org, My.clevelandclinic.org, Medicalnewstoday.com
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My