Thiếu máu xảy ra khi cơ thể không có đủ tế bào máu cần thiết để vận chuyển oxy đến các mô khác. Có nhiều loại thiếu máu khác nhau, như thiếu máu hồng cầu hình liềm, thiếu máu ác tính và thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu do thiếu sắt là loại phổ biến nhất, chiếm 30-50% trường hợp. Để biết thiếu máu thiếu sắt là gì, chẩn đoán và điều trị thiếu máu do thiếu sắt thì bạn cần phải nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh.
1. Tình trạng thiếu máu thiếu sắt là gì?
Thiếu máu thiếu sắt xảy ra khi cơ thể thiếu chất sắt cần thiết. Khi thiếu sắt, cơ thể gặp khó khăn trong việc sản xuất huyết sắc tố, cần thiết cho tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy đến các mô trong cơ thể. Nhiều nguyên nhân gây ra thiếu sắt, như phụ nữ mang thai có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn và chảy máu kinh nguyệt. Việc thiếu sắt cũng có thể xảy ra khi chế độ ăn uống thiếu các nguồn sắt như đậu và thịt đỏ.
2. Nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt là gì?
Nguyên nhân gây thiếu máu do thiếu sắt có thể bao gồm những điều sau đây:
- Mất máu: Máu chứa sắt, nên khi bạn mất nhiều máu do chấn thương hoặc các nguyên nhân khác, bạn cũng mất đi lượng sắt cùng với máu đó. Điều này làm cho phụ nữ có kinh nguyệt nặng có nguy cơ cao hơn bị thiếu máu do thiếu sắt. Các vấn đề như chảy máu đường tiêu hóa hoặc loét dạ dày cũng có thể gây mất máu.
- Mang thai: Phụ nữ mang thai có thể bị thiếu sắt nếu không bổ sung đủ lượng sắt. Trong thời kỳ mang thai, cơ thể sử dụng nhiều sắt để sản xuất huyết sắc tố cung cấp cho sự phát triển của thai nhi, làm tăng nhu cầu về sắt.
- Khả năng hấp thụ sắt không hiệu quả: Một số người có vấn đề hấp thụ sắt do vấn đề về đường ruột như bệnh celiac. Sắt được hấp thụ ở ruột non, vì vậy nếu có vấn đề về đường ruột hoặc đã phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột non, bạn có thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ sắt.
- Thiếu sắt trong chế độ ăn uống: Nếu bạn không tiêu thụ đủ thực phẩm giàu chất sắt như thịt đỏ, đậu và các loại rau xanh, bạn có thể bị thiếu sắt.
3. Các yếu tố rủi ro gây thiếu máu thiếu sắt là gì?
Các yếu tố rủi ro của bệnh thiếu máu do thiếu sắt bao gồm:
- Phụ nữ có nguy cơ cao hơn vì chảy máu kinh nguyệt.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ sinh non hoặc thiếu cân, có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Trẻ em không có chế độ ăn uống đầy đủ cũng dễ bị thiếu sắt.
- Những người ăn chay hoặc thuần chay có nguy cơ cao hơn vì thiếu sắt từ các nguồn thực phẩm động vật như thịt đỏ. Ăn chế độ không có thịt dễ dàng khiến bạn thiếu sắt do thực phẩm động vật là nguồn sắt sinh học.
- Những người hiến máu thường xuyên có nguy cơ cao hơn do mất máu thường xuyên
4. Triệu chứng thiếu máu thiếu sắt là gì?
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thiếu máu do thiếu sắt có thể bao gồm những điều sau:
- Mệt mỏi
- Da xanh xao
- Cảm thấy yếu đuối
- Cảm giác khó chịu ở ngực như đau nhói, đánh trống ngực hoặc khó thở
- Cảm thấy thèm ăn các vật như đá hoặc bụi bẩn
- Chóng mặt và cảm giác choáng váng
Những dấu hiệu này có thể nhẹ nhàng và bạn có thể không nhận ra mình đang bị thiếu máu do thiếu sắt. Nếu bạn nghi ngờ mình có bệnh này, hãy đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm và chẩn đoán sớm nhất có thể. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn về các phương pháp điều trị, bao gồm cả bổ sung sắt thông qua việc kê đơn thuốc phù hợp.
5. Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt
Để chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt, quy trình thường khá đơn giản. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu để đo các chỉ số như hematocrit và hemoglobin. Các tế bào máu của bạn cũng sẽ được kiểm tra để xem kích thước và màu sắc của chúng. Những người bị thiếu sắt thường có các tế bào máu nhỏ hơn và nhạt màu hơn.
Một chỉ số khác mà bác sĩ sẽ xem xét là mức ferritin của bạn. Ferritin là một protein giúp cơ thể lưu trữ sắt. Mức ferritin thấp thường cho biết rằng bạn có ít sắt dự trữ trong cơ thể.
Khi chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt, bác sĩ cũng sẽ thu thập thông tin chi tiết về lịch sử sức khỏe của bạn để tìm nguyên nhân gây bệnh. Bạn có thể cần trả lời các câu hỏi về chế độ ăn uống và các triệu chứng khác mà bạn đang gặp phải. Nếu nguyên nhân chính của thiếu máu không rõ ràng, bác sĩ có thể đề xuất xét nghiệm chẩn đoán bổ sung như nội soi hoặc siêu âm để loại trừ các nguyên nhân khác như chảy máu trong ruột.
6. Điều trị thiếu máu thiếu sắt
Để điều trị thiếu máu do thiếu sắt, phương pháp chính là bổ sung sắt. Nếu có nguyên nhân gây ra thiếu máu cơ bản khác, bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân đó cùng với việc bổ sung sắt.
Sắt bổ sung thường được dùng bằng đường uống và có sẵn mà không cần kê đơn. Khi sử dụng sắt bổ sung, bạn có thể cần uống vào lúc bụng đói để tăng khả năng hấp thu. Tránh dùng sắt bổ sung cùng với thuốc kháng axit vì chúng có thể làm giảm sự hấp thu của sắt. Uống vitamin C kèm theo sắt bổ sung có thể giúp cải thiện quá trình hấp thu sắt. Thuốc bổ sung sắt có thể gây ra táo bón, vì vậy bạn có thể cần sử dụng thuốc làm mềm phân hoặc men vi sinh.
Bài viết đã giải đáp thiếu máu thiếu sắt là gì? Việc bổ sung sắt có thể mất nhiều tháng để khôi phục lượng sắt trong cơ thể, vì vậy bạn nên chuẩn bị sẵn sàng dùng thuốc bổ sung sắt trong thời gian dài. Luôn tuân theo hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc bổ sung sắt và các loại thuốc khác.
Nguồn: Driphydration.com
Bài viết của: Đinh Thị Hải Yến