Gần đây bạn có thường xuyên cảm thấy cảm giác mệt mỏi không thể giải thích được không? Cảm giác kiệt sức này có ngăn cản bạn thực hiện được các hành động mà bạn mong muốn không? Vậy nguyên nhân gây mệt mỏi kéo dài ở nam giới là do đâu?
1. Nguyên nhân gây ra năng lượng thấp ở nam giới là gì?
Có một số lý do gây ra mệt mỏi kéo dài ở nam giới:
1.1. Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống kém hoặc thiếu hụt dinh dưỡng có thể khiến chúng ta có mức năng lượng thấp. Một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein có thể làm tăng mức năng lượng. Ngược lại việc ăn một chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng hoặc một chế độ ăn không đủ calo có thể khiến cơ thể mệt mỏi buồn ngủ ở nam giới.
Những thiếu hụt này đặc biệt phổ biến ở đàn ông trẻ tuổi tập thể dục cường độ cao, người hay nâng tạ, hoặc ở những người đàn ông lớn tuổi không được ăn đủ hay đang gặp vấn đề với suy dinh dưỡng.
1.2. Cách thức tập thể dục
Mọi người có thể nhận thấy rằng mức năng lượng của chúng ta sẽ giảm sau một thời gian dài không tập thể dục. Tập thể dục làm tăng mức adrenaline và năng lượng. Theo thời gian, thiếu tập thể dục có thể khiến cơ bắp trở nên yếu hơn, gây mệt mỏi mãn tính ở nam giới sau khi thực hiện các hoạt động cơ bản.
Tập thể dục quá nhiều cũng có thể dẫn đến mệt mỏi. Do đó, tìm sự cân bằng chính xác cho mức năng lượng tối ưu là rất quan trọng.
1.3. Testosterone thấp
Testosterone là hormone nam đóng một vai trò thiết yếu trong mức năng lượng tinh thần và thể chất. Khi đàn ông già đi, lượng testosterone mà cơ thể họ sản xuất sẽ suy giảm tự nhiên. Nồng độ testosterone thấp, còn được gọi là suy sinh dục nam, có thể gây ra mức năng lượng thấp, mệt mỏi mãn tính ở nam giới và cả trầm cảm. Suy sinh dục nam trở nên phổ biến hơn khi đàn ông già đi. Các triệu chứng của testosterone thấp bao gồm:
- Giảm năng lượng và sức chịu đựng;
- Trầm cảm;
- Khó chịu;
- Khó tập trung;
- Thiếu máu;
- Cơn nóng bừng;
- Rối loạn cương dương;
- Vô sinh;
- Giảm tăng trưởng râu và lông trên cơ thể;
- Giảm khối lượng cơ bắp;
- Sự phát triển của mô vú;
- Mất khối lượng xương hay còn gọi là loãng xương.
1.4. Ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ trong đó hơi thở bị gián đoạn trong khi ngủ. Chúng có thể ngừng thở khoảng 10 giây mỗi lần và nhiều lần mỗi đêm. Ngưng thở khi ngủ phổ biến hơn ở nam giới hơn phụ nữ và thường ở những người thừa cân. Triệu chứng chính của ngưng thở khi ngủ là cơ thể mệt mỏi buồn ngủ ở nam giới vào ban ngày. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Ngủ không yên;
- Ngáy lớn;
- Đau đầu buổi sáng;
- Khó tập trung;
- Khó chịu;
- Lo lắng.
Những triệu chứng này không phải lúc nào cũng báo hiệu ngưng thở khi ngủ. Nếu một người nghi ngờ rằng họ bị ngưng thở khi ngủ, họ nên nói chuyện với bác sĩ, vì nếu không được điều trị, tình trạng này có thể đe dọa tính mạng
1.5. Mất ngủ
Mất ngủ và các vấn đề khác về giấc ngủ có thể gây ra mệt mỏi kéo dài ở nam giới. Mặc dù tình trạng nam giới cơ thể mệt mỏi này phổ biến hơn ở người lớn tuổi nhưng mất ngủ vẫn có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ, bao gồm lý do thể chất, tình cảm và tâm lý.
1.6. Trầm cảm
Trầm cảm là một tình trạng y tế ảnh hưởng đến một số lượng lớn nam giới. Các triệu chứng trầm cảm có thể khác nhau ở nam giới và phụ nữ. Đàn ông bị trầm cảm có thể cảm thấy họ có năng lượng rất thấp, mệt mỏi mãn tính ở nam giới. Họ có thể mất hứng thú trong các lĩnh vực của cuộc sống như công việc, gia đình hoặc sở thích. Trầm cảm ở nam giới có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Buồn bã và khó chịu;
- Tức giận hay gây hấn;
- Khó ngủ;
- Khó tập trung;
- Khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày;
- Gặp vấn đề về ham muốn tình dục và hiệu suất quan hệ;
- Muốn rút lui khỏi các mối quan hệ bạn bè và gia đình.
Đàn ông thường có ít khả năng hơn phụ nữ khi thừa nhận hoặc tìm cách điều trị trầm cảm. Tuy nhiên, cần phải giải quyết những cảm xúc này bằng cách nói chuyện với một người thân hoặc bác sĩ và tìm cách điều trị.
2. Làm gì khi nam giới thường xuyên cảm thấy mệt mỏi?
Năng lượng thấp có thể xuất hiện khi ai đó bị căng thẳng, khi tập thể dục quá nhiều hoặc quá ít hoặc có chế độ ăn uống kém. Bất kỳ người đàn ông nào thường xuyên gặp phải những triệu chứng mệt mỏi kéo dài ở nam giới nên đến gặp bác sĩ để loại trừ các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Hoặc có thể thử sử dụng các phương pháp sau để tăng mức năng lượng hàng ngày:
2.1. Ăn kiêng
Ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều chất béo hoặc có quá nhiều đường có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng và mệt mỏi. Ăn thực phẩm lành mạnh, giàu năng lượng có thể giúp tăng mức năng lượng để cơ thể hoạt động. Một chế độ ăn nhiều trái cây, rau củ, protein nạc và các loại ngũ cốc nguyên hạt sẽ cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng lành mạnh hơn.
2.2. Hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất có thể làm tăng nồng độ hormone, bao gồm testosterone và adrenaline, giúp tăng năng lượng cho con người. Có thể khó khăn khi bạn tìm kiếm động lực tập thể dục khi mức năng lượng thấp, nhưng lợi ích sức khỏe của việc tập thể dục là rất lớn. Hãy thử bắt đầu vận động cơ thể bằng các bài tập nhẹ nhàng như đi dạo.
Theo thời gian, chế độ tập thể dục thường xuyên có thể làm tăng mức năng lượng và giảm mệt mỏi, đồng thời giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giúp cơ thể được nghỉ ngơi tốt hơn.
2.3. Ngủ
Nhiều người không ngủ đủ giấc hoặc ngủ đủ giấc có chất lượng tốt. Dành nhiều thời gian hơn để ngủ đủ giấc và vệ sinh giấc ngủ tốt, như đi ngủ đều đặn đúng giờ mỗi ngày có thể cải thiện đáng kể mức năng lượng của một người. Chúng ta nên đặt mục tiêu ngủ ngon từ 7–8 tiếng mỗi đêm.
2.4. Nước
Cơ thể chúng ta cần nhiều nước để duy trì năng lượng. Nếu tình trạng mất nước xảy ra có thể làm giảm mức năng lượng và gây mệt mỏi. Đàn ông rất dễ bị mất nước, đặc biệt nếu họ là người lớn tuổi hoặc những người hoạt động rất năng động. Do đó hãy thử mang theo một chai nước bên cạnh và uống nước thường xuyên để giữ nước, đặc biệt là khi bạn phải làm việc trong thời tiết nóng bức hoặc khi tập thể dục.
3. Các điểm cần lưu ý đối với nam giới cơ thể mệt mỏi
Ngoài những nguyên nhân thường gặp đã đã được đề cập, những trường hợp nam giới cơ thể mệt mỏi do năng lượng thấp kéo dài và không thể cải thiện bằng các bệnh pháp thông thường thì cần phải chú ý, đây có thể là biểu hiện của các vấn đề sức khỏe nguy hiểm do nguyên nhân bệnh lý như:
- Suy gan;
- Suy thận;
- Bệnh tim;
- Ung thư;
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD);
- Tiểu đường loại 1 và loại 2;
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính.
Ngoài ra, việc giảm năng lượng kèm mệt mỏi còn có thể là do tác dụng phụ của thuốc như một số nhóm thuốc giảm đau, thuốc tim mạch, thuốc huyết áp và đặc biệt là thuốc chống trầm cảm. Hoặc tình trạng mệt mỏi kéo dài ở nam giới có thể đơn giản là do tiêu thụ quá nhiều caffeine, rượu bia, ma túy và các chất kích thích khác.
Bài viết của: Đỗ Mai Thảo