Sa sút trí tuệ mạch máu não thoái hóa thường xảy ra ở người trên 65 tuổi với tỷ lệ 1 – 4%. Bệnh hiện có rất ít phương pháp điều trị có sẵn nên việc phòng bệnh là rất quan trọng. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như cách phòng ngừa. Mời quý bạn đọc cùng theo dõi.
Sa sút trí tuệ mạch máu não là gì? Nó khác gì các loại sa sút trí tuệ khác?
Sa sút trí tuệ mạch máu não xảy ra do lưu lượng máu đến não giảm, từ đó gây tổn thương và cuối cùng giết chết các tế bào não. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm lưu lượng máu lên não, có thể kể đến như:
- Tắc nghẽn hoặc hẹp mạch máu nhỏ trong não
- Cơn thiếu máu não cục bộ do một mạch máu não bị chặn hoàn toàn, làm mất nguồn cấp máu cho một phần não
- Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) gây tổn thương não nhẹ trên diện rộng.
Tùy thuộc vào phần não bị giảm lưu lượng máu, triệu chứng sa sút trí tuệ mạch máu não có thể biểu hiện khác nhau ở từng bệnh nhân. Phần lớn triệu chứng khá tương đồng với các bệnh lý mất trí nhớ khác, đặc biệt là Alzheimer. Tuy nhiên, khác với Alzheimer, các triệu chứng quan trọng của bệnh sa sút trí tuệ mạch máu não liên quan đến tốc độ suy nghĩ và giải quyết vấn đề hơn là mất trí nhớ.
Cụ thể, các triệu chứng sa sút trí tuệ mạch máu não thường gặp ở bệnh nhân gồm: Lú lẫn, mất tập trung, giảm khả năng sắp xếp suy nghĩ và hành vi, giảm khả năng phân tích tình huống, truyền đạt suy nghĩ, tốc độ suy nghĩ chậm, gặp khó khăn trong việc ghi nhớ, bồn chồn, kích động, đi đứng không vững,… Những triệu chứng này biểu hiện rõ ràng nhất sau cơn đột quỵ đột ngột. Tốc độ suy nghĩ và phán đoán của bệnh nhân giảm đi đáng kể so với trước đó, khác với sự suy giảm một cách từ từ, ổn định như bệnh Alzheimer.
Tuy nhiên, chứng sa sút trí tuệ mạch máu cũng có thể tiến triển từ từ, chậm rãi như bệnh lý Alzheimer. Mặt khác, các bệnh tim mạch và Alzheimer thường diễn ra cùng nhau. Có nhiều nghiên cứu cho thấy, các bệnh nhân mắc sa sút trí tuệ mạch máu não cũng mắc bệnh Alzheimer.
Sa sút trí tuệ mạch máu não gây hậu quả gì?
Chứng sa sút trí tuệ mạch máu não thường có xu hướng trầm trọng hơn theo thời gian. Quá trình này có thể xảy ra đột ngột hoặc chậm rãi. Tuy nhiên, rất khó dự đoán thời điểm bệnh trở nên nặng hơn.
Bệnh nhân sẽ cần sự trợ giúp và chăm sóc từ người thân tại nhà hoặc ở viện dưỡng lão. Mặc dù quá trình điều trị có thể giúp ích trong việc giảm nhẹ triệu chứng, hầu hết các bệnh nhân bị rút ngắn tuổi thọ một cách đáng kể.
Làm sao để phòng ngừa sa sút trí tuệ mạch não?
Sức khoẻ mạch máu não liên quan chặt chẽ đến sức khỏe tim mạch. Do đó, giữ một trái tim khỏe mạnh là cách tốt nhất giúp làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ mạch máu não. Tăng cường sức khỏe tim mạch bằng các biện pháp sau:
- Duy trì huyết áp ổn định: Giữ huyết áp ở mức bình thường giúp ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ mạch máu não và Alzheimer.
- Ngăn ngừa và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường: Tránh sự khởi phát của đái tháo đường type 2 bằng việc thực hiện chế độ ăn kiêng, tập thể dục đều đặn. Nếu bạn đã mắc đái tháo đường, kiểm soát tốt lượng đường trong máu giúp bảo vệ mạch máu não khỏi bị tổn thương.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá làm tổn thương mạch máu và các dây thần kinh
- Kiểm soát tốt lượng cholesterol trong máu: Một chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo, và dùng thuốc giảm cholesterol (nếu cần) có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ và đau tim – nguyên nhân chính dẫn đến sa sút trí tuệ mạch máu. Bằng cách này, lượng mảng bám tích tụ bên trong động mạch được kiểm soát tốt hơn.
Sa sút trí tuệ mạch máu não xuất phát từ lưu lượng máu đến não suy giảm cục bộ khiến tế bào não bị tổn thương. Bệnh thường ảnh hưởng đến tốc độ suy nghĩ và hành vi hơn là triệu chứng mất trí nhớ như các dạng sa sút trí tuệ thông thường khác. Giữ một trái tim khỏe mạnh bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh đáng kể. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp nhé.
Nguồn tham khảo:– www.msdmanuals.com – www.mayoclinic.org – www.nhs.uk
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My