Việc sử dụng sơn trong sửa chữa và xây dựng khá phổ biến hiện nay. Điều này khiến tình trạng nhiễm độc sơn gốc dầu dễ xảy ra khi chúng dính vào da, mắt hoặc bạn vô tình hít phải hoặc nuốt phải. Vậy cách nào xử lý nhiễm độc sơn dầu?
1. Nhiễm độc sơn là gì? Vì sao xảy ra hiện tượng này?
Sơn gốc dầu được sử dụng cho nhiều mục đích sơn khác nhau – từ sơn gỗ và bề mặt bê tông đến sơn trên vải bạt. Nhiễm độc sơn dầu là việc vô tình hoặc cố ý nuốt phải hợp chất.
Hydrocarbon là thành phần độc hại chính trong sơn dầu. Một số loại sơn dầu có chứa kim loại nặng như chì, thủy ngân, coban và bari làm chất tạo màu. Đây là những kim loại nặng độc đối với cơ thể con người. Và chúng có thể gây ngộ độc thêm, thậm chí đe dọa tính mạng nếu nuốt phải với số lượng lớn.
Ngoài ra, có thể bạn đã nghe đến loại sơn nhiễm độc chì. Chì là một kim loại có thể rất độc hại và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Người ta thường sử dụng loại sơn nhiễm độc chì để sơn nhà đối với những ngôi nhà được xây trước năm 1978. Vì vậy, nếu bạn sống trong những ngôi nhà cũ, nghi ngờ sử dụng loại sơn nhiễm độc chì cần phải tiến hành đo nồng độ chì thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung khi tiến hành xây dựng và cải tạo nhà cửa. Vì quá trình này có thể khiến sơn bị bong tróc hoặc sứt mẻ, gây tình trạng nhiễm độc chì.
2. Ai dễ bị nhiễm độc sơn?
Những người dễ bị nhiễm độc sơn hoặc nhiễm độc sơn dầu là những người thường xuyên tiếp xúc với sơn. Những đối tượng đó bao gồm:
- Công nhân sản xuất sơn;
- Công nhân xây dựng, đặc biệt là những thợ sơn nhà;
- Những người thường xuyên sửa chữa nhà cũ;
- Trẻ em cũng là đối tượng dễ nhiễm độc sơn do trẻ thường hay có thói quen cho vật lạ hoặc đưa tay vào miệng. Nếu tay hoặc vật này dính sơn hoặc bụi sơn, theo thời gian có thể gây nhiễm độc sơn.
Các triệu chứng nhiễm độc sơn dầu có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể bao gồm:
- Đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy;
- Rộ da, cảm giác nóng rát, ngứa hoặc tê bì vùng da;
- Mắt nhìn mờ hoặc giảm thị lực, kích ứng mắt và mũi (nóng rát, chảy nước mắt, đỏ hoặc chảy nước mũi);
- Nuốt khó;
- Ho, khó thở;
- Rối loạn nhịp tim;
- Đau đầu, chóng mặt, cáu gắt, lo lắng, mệt mỏi, lú lẫn, rối loạn ý thức và hôn mê.
3. Cách nào xử lý nhiễm độc sơn?
Tuỳ thời gian và bộ phận tiếp xúc với sơn mà chúng ta có cách xử lý nhiễm độc sơn dầu thích hợp.
- Nếu bị trên da, bạn hãy rửa kỹ vùng bị ảnh hưởng bằng xà phòng và nước ấm.
- Nếu dính sơn vùng mắt, hãy rửa mắt dưới vòi nước chảy trong 15 đến 20 phút. Sau đó, cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhắm mắt trong khoảng 15 phút. Nếu bạn cảm thấy đau hoặc có vấn đề về thị lực, hãy đến ngay cơ sở y tế.
- Nếu nuốt nhầm sơn, bạn hãy uống một lượng nhỏ sữa hoặc nước trong khi theo dõi các triệu chứng khó chịu ở dạ dày như buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.
- Khi có bất kỳ triệu chứng gây khó chịu hoặc nguy hiểm tính mạng do nhiễm độc sơn, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tùy tình trạng của bạn mà bác sĩ có thể tiến hành rửa dạ dày, dùng thuốc nhuận tràng để giúp chất độc nhanh chóng được đào thải ra khỏi cơ thể và sử dụng thuốc điều trị triệu chứng.
Việc sử dụng sơn dầu hoặc loại sơn có nhiễm chì trong sửa chữa và xây dựng rất thường gặp, khả năng nhiễm độc sơn của bạn sẽ tăng lên nếu bạn không biết cách phòng ngừa. Vì vậy, việc sử dụng một số liệu pháp giúp thải độc cho cơ thể sẽ là một trong những cách giúp bạn loại bỏ bớt độc tố trong cơ thể, phòng ngừa nhiễm độc sơn và nâng cao sức khoẻ.
Như vậy, nhiễm độc sơn là một tình trạng có thể xảy ra trong quá trình sinh hoạt và đời sống hằng ngày. Việc đảm bảo an toàn lao động trong quá trình tiếp xúc với sơn cũng như thường xuyên thải độc cho cơ thể là điều cần thiết để phòng ngừa nhiễm độc sơn và nâng cao sức khỏe cho bạn.
Tài liệu tham khảo: Mountsinai.org
Bài viết của: Trần Thị Thuý Hiếu